Theo BS Đoàn Hải Đăng (từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Thanh Hoá), ho thực chất không hề xấu. Đây là phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay virus ra khỏi cơ thể, phòng ngừa viêm phổi.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ cứ thấy con ho là lo lắng, đứng ngồi không yên. Nhất là trong thời tiết hiện nay, trời đang nóng ẩm lại chuyển lạnh đột ngột và ngược lại. Đến người lớn cũng bị ho nhiều, huống hồ là trẻ nhỏ. Tình trạng ho của trẻ khiến cha mẹ sốt ruột, dẫn đến những cách xử lý sai lầm, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của con.

5 sai lầm khi trị ho cho trẻ khiến con rước thêm bệnh, chuyên gia khuyên hãy thay đổi gấp - Ảnh 1.

Cha mẹ nên nhớ, một đứa trẻ muốn phát triển toàn diện cần có hệ miễn dịch khoẻ, được xây dựng đề kháng đúng cách. Không cần phải quá lo khi con ốm, miễn là bạn để con được ốm đúng cách. Trẻ ho hãy cứ cho con được ho. Song song với việc này, cha mẹ cần có những kiến thức xử lý để con cắt ho đúng cách.

Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi trị ho cho trẻ, cha mẹ nên thay đổi để con được ốm đúng cách, xây dựng đề kháng mỗi ngày:

1. Dùng thuốc liều mạnh

Muốn con mau khỏi bệnh, nhiều cha mẹ vội vàng dùng thuốc ho loại mạnh và liều cao, không tương thích với cơ thể con trẻ.

Theo BS Đoàn Hải Đăng, đây là nguyên nhân khiến bé có thể gặp các triệu chứng sốc thuốc cũng như các tác dụng phụ nguy hiểm sau khi sử dụng.

Do đó, cha mẹ thấy con bị ho, tuyệt đối không dùng thuốc liều mạnh. Tốt nhất nên đưa con đi khám chuyên khoa Nhi. Bác sĩ sẽ xác định được tình trạng ho của con, xem con có cần dùng thuốc hay không. Nếu dùng thì cần dùng loại như nào cho phù hợp nhất…

5 sai lầm khi trị ho cho trẻ khiến con rước thêm bệnh, chuyên gia khuyên hãy thay đổi gấp - Ảnh 2.

2. Ngưng thuốc giữa chừng

Nhiều cha mẹ cho con uống thuốc, thấy tình trạng khá hơn, ho giảm đi là tự ý cắt thuốc, không dùng đúng số liều theo quy định của bác sĩ. Nhiều người cho rằng, con khoẻ hơn rồi thì dừng cho bé tự khỏi. Làm vậy sẽ giúp con đỡ phải uống thuốc, đỡ gặp tác dụng phụ… Đây là suy nghĩ cực sai lầm.

BS có biệt danh là "ông bố bỉm sữa" nhận định, việc ngưng thuốc trị ho giữa chừng khó điều trị dứt điểm cơn ho. Đặc biệt là những toa thuốc có kháng sinh. Nếu điều trị không đúng phác đồ dễ gây ra tình trạng kháng thuốc.

"Những lần bệnh sau, loại kháng sinh này thường không còn tác dụng do vi khuẩn kháng thuốc", chuyên gia nhận định. Đây là lý do thuốc không còn "nhạy" đối với trẻ bị ho trong những lần tiếp theo. Thói quen này cần thay đổi ngay, tránh gây hại cho con về lâu dài.

3. Lạm dụng kháng sinh

Nhiều phụ huynh thấy con ho nhiều, sốt ruột quá lại mua ngay kháng sinh về cho bé uống. Đây là suy nghĩ cực sai lầm, khiến bé có nguy cơ bị lạm dụng kháng sinh.

5 sai lầm khi trị ho cho trẻ khiến con rước thêm bệnh, chuyên gia khuyên hãy thay đổi gấp - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, lạm dụng kháng sinh để trị ho cho trẻ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi màng kết, eczema hoặc bệnh tự miễn như viêm đường ruột Crohn, tiêu chảy phân mỡ Celiac...

Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, hệ vi sinh đường ruột chưa hoàn thiện, việc phải dùng kháng sinh bừa bãi cũng làm tăng nguy cơ loạn khuẩn đường ruột. Đây là nguyên nhân gây nên các bệnh như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, phát ban…

4. Dùng toa thuốc cũ

Dùng lại toa thuốc cũ là một thói quen xấu khi mẹ trị ho cũng như nhiều bệnh khác cho bé. Tình trạng này rất hay gặp. Thậm chí, bé còn phải dùng thuốc không phù hợp độ tuổi. Ví dụ như trong nhà từng có người mắc bệnh đó, hoặc anh chị em của bé mắc bệnh và mẹ tự lấy thuốc cũ cho bé dùng…

Cha mẹ nên nhớ, mỗi loại thuốc ho có giới hạn độ tuổi sử dụng nhất định, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn. Do đó, tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng toa thuốc cũ.

5 sai lầm khi trị ho cho trẻ khiến con rước thêm bệnh, chuyên gia khuyên hãy thay đổi gấp - Ảnh 4.

5. Ủ ấm bé quá kỹ

Chúng ta biết rằng việc để con bị lạnh khiến con ho nhưng ít ai biết, ủ ấm quá kỹ cũng khiến trẻ bị ho nhiều. 

Theo chuyên gia, khi được ủ ấm quá kỹ, trẻ có thể bị nóng, đổ mồ hôi nhiều. Khi mồ hôi khó thoát ra ngoài sẽ thấm ngược lại các lớp áo. Lúc này trẻ có nguy cơ bị nhiễm lạnh, dễ mắc các chứng bệnh đường hô hấp. Trẻ dễ bị ho hơn.

Do đó, khi trẻ bị ho, cha mẹ nên kiểm tra lại xem con có đang được mặc thoáng mát không, nhiệt độ phòng có ổn định so với ngoài trời không...

6. Kiêng thực phẩm giàu dinh dưỡng

Trẻ ho thường biếng ăn nên việc kiêng các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong thời gian này càng sai lầm. Cơ thể thiếu chất có thể khiến bé mất sức đề kháng và ốm nặng hơn. 

Do đó, thay vì kiêng khem không cần thiết, cha mẹ nên cho con ăn uống đủ chất để tăng miễn dịch, tăng đề kháng, giúp con ít bị ốm hơn.