Xưa kia, Trạng Quỳnh đã giành chiến thắng xứ Tàu trong cuộc thi vẽ rồng trong 3 hồi trống. Chẳng phải vì ông vẽ giỏi hơn, mà vì Việt Nam ta có một loài rồng vẽ... quá dễ, chỉ cần nhúng mực trên 10 đầu ngón tay rồi làm một đường trên giấy là xong. Đó chính là giun đất - loài vật được Trạng Quỳnh ví như "rồng đất".
Dù chỉ là thứ bò lúc nhúc ra ngoài đường mỗi khi trời mưa và khi bị đạp trúng thì bầy nhầy rất ghê, giun đất là loài vật vô hại và có khá nhiều lợi ích, đặc biệt trong trồng trọt hay chăn nuôi.
Nhưng giun đất lại không hoàn toàn chỉ chậm chạp và hiền lành như ta thường nghĩ, có nhiều điều về chúng mà khi biết được bạn có thể sẽ "hết hồn".
1. Giun đất xung quanh nhà bạn chỉ là… sợi mì gói so với nhiều loài khác trên thế giới
Đầu tháng này, chú giun đất tên Dave dài 40cm cư ngụ trong một vườn rau ở Widnes, Cheshire đã được Bảo Tàng Lịch Sử Tự nhiên ở London xác nhận là con giun đất dài nhất nước Anh từ trước đến giờ.
Chú giun đất Dave
Nhưng so với nhiều loài giun khác trên thế giới, Dave vẫn còn rất bình thường. Có những loài như giun khổng lồ châu Phi (Microchaetus rappi) dài hơn 2m hoặc giun Gippsland rất hiếm ở Úc (Megascolides australis) dài từ 1 - 3m và có đường kính khoảng 4cm.
Giun khổng lồ châu Phi (Microchaetus rappi)
Giun Gippsland (Megascolides australis)
Trên thực tế, v iệc đo kích cỡ của một con giun đất gặp nhiều khó khăn vì cơ thể mềm nhũn của chúng có thể co giãn một cách tùy ý. Trong lúc đo, nếu không cẩn thận, người ta có thể vô ý làm căng quá mức, dẫn đến việc kích thước của chúng trở nên sai lệch.
2. Giun đất có thể "xây nhà" trên cả một vùng rộng lớn
Như ta đã biết, giun đất nổi tiếng có tác dụng làm tơi xốp, giữ ẩm và thông thoáng đất. Nhưng ở Nam Mỹ, còn có một loài giun có khả năng tạo nên hàng loạt những ụ đất trông rất bắt mắt.
Những ụ đất của giun ở Surales, Nam Mỹ.
Đó chính là loài Andiorrhinus có chiều dài hơn 1m đang sống tại đây. Những ụ đất xanh và các hố sâu được bố trí một cách chằng chịt, trải dài nhiều km vuông chính là "thành quả" của chúng.
Giun Andiorrhinus
Cách xây ụ đất của loài giun này khá kỳ lạ: trải qua nhiều thập kỷ, chúng đã gắn bó với thói quen ăn uống đầy kham khổ trong các hố ngập nước. Và khi ăn xong, chúng lại "giải quyết" tại chỗ luôn.
Dần dần, chất thải của chúng tích tụ thành các ụ đất rất lớn, có đường kính khoảng 5m và chiều cao trung bình là 2m. Khi một cá thể chết, cá thể khác lại thừa kế và phát triển những ụ đất đó, cùng với sự giúp đỡ của các loài giun khác đất này.
Một ụ đất khá to tại đây
3. Giun đất có khả năng... giường chiếu cực kỳ bá đạo
Khi nói về sức chịu đựng trong "chuyện ấy", con người và các loài động vật khác chắc chắn thua xa giun đất. Loài giun sinh sống trên khắp thế giới như Lumbricus terrestris có thể "làm việc" trong suốt hơn ba tiếng đồng hồ mỗi lần thăng hoa.
Loài giun đất quen thuộc Lumbricus terrestris.
Một nghiên cứu về hành vi sinh sản của giun vào năm 1997 thì mỗi lần muốn tán tỉnh nhau, chúng lại tìm đến hang của nửa còn lại, đôi khi đến lần thứ 17 thì mới "đổ".
Đối với một loài bò chậm chạp như giun thì việc đi tán tỉnh nhiều lần như vậy có vẻ thật tốn sức. Nhưng khi đã "vào trận", ta mới biết giun có chịu đựng "khủng" tới cỡ nào.
Sau khi đã tận mắt chứng kiến và quay phim lại, các nhà khoa học xác nhận rằng, một trận "mây mưa" của giun trung bình có thể kéo dài từ 69 cho đến 200 phút.
Hai con giun Lumbricus terrestris đang "mây mưa"
4. "Mây mưa" là một chuyện, sinh sản lại còn phức tạp hơn
Giun đất là loài lưỡng tính, có nghĩa là mỗi con đều sở hữu cả hai cơ quan sinh dục đực và cái. Khi hai con giun giao hợp, chúng thường… đua nhau để thụ tinh cho con còn lại. Và thế là mọi chuyện trở nên rắc rối.
Một nghiên cứu về quan hệ sinh sản của giun được đăng trên Tập san ScienceDirect của Anh vào năm 2013 cho ta biết rằng, một con giun thường "làm chuyện ấy" cùng lúc với nhiều con khác nhau, và con đầu tiên hay con thứ ba giao hợp với nó thì có nhiều khả năng được "làm cha" hơn.
Con thứ hai lại gặp xui xẻo vì phải "chờ" để đưa tinh binh đi vào ống dẫn đã được lấp đầy bởi tinh binh của con thứ nhất. Tinh binh của con thứ ba thì lại có thể… đẩy bật tinh binh của con thứ hai ra.
Nếu được, xin làm người thứ 3...
Dù giun "mây mưa" kịch liệt như thế, có loài lại từ bỏ hình thức sinh sản này từ lâu, chẳng hạn như loài giun núi Amynthas catenus ở Đài Loan.
Cơ quan sinh dục của loài này đã thoái hóa và chúng chỉ sử dụng hình thức "trinh sản", nghĩa là tự thụ tinh cho mình và đóng vai trò của cả cha lẫn mẹ.
Một chú giun đất con
5. Giống như bò, giun cũng có "đàn giun"
Theo một nghiên cứu vào năm 2010, giun đất sử dụng các cơ quan thụ cảm để liên lạc và thống nhất hành động với nhau. Bằng cách đó, chúng có thể tạo thành đàn và di chuyển theo cùng một hướng.
Tập tính này thể hiện rất rõ ở loài giun Eisenia fetida có nguồn gốc từ châu Âu. Nhờ khả năng tiết ra chất lỏng có đặc tính chống vi khuẩn trong đất, chúng có thể tập hợp lại và tạo nên một lớp bảo vệ chắc chắn hơn.
Vậy từ nay khi gặp giun, hãy cố "kiềm chế" đừng bốc lên và liệng đi hay chà đạp chúng nhé, có thể bạn đang "chia cách" nó với đồng loại đấy.
(Nguồn: BBC)