Gần đây, một hiệu trưởng trường Tallahassee Classical School bị buộc phải từ chức sau khi cho học sinh xem bức tượng David của họa sĩ người Ý nổi tiếng Michelangelo. Được biết, đây là một kiệt tác nổi tiếng thời Phục Hưng, là một bức tượng khoả thân được tạo tác từ đá cẩm thạch cao 5 mét. Quyết định gây tranh cãi này đã khiến nhiều người phải nhìn lại những tác phẩm nghệ thuật trong lịch sử hiện đại.
Dưới đây là 5 tác phẩm nghệ thuật từng gây chấn động nhưng cũng giúp tái định hình lại nghệ thuật đương đại.
1. Dinner Party (1979) - Judy Chicago
Để tôn vinh những người phụ nữ trong lịch sử và văn hóa, nghệ sĩ người Mỹ Judy Chicago đã bài trí một bàn tiệc được xây dựng theo hình tam giác. Trên bàn tiệc nổi bật lên những chiếc đĩa được trang trí bằng biểu tượng hình con bướm nhưng gợi liên tưởng đến bộ phận sinh dục nữ. Nghệ sĩ đương đại người Anh Cornelia Parker đã thể hiện sự khinh miệt tác phẩm và cho rằng "tác phẩm này chỉ khắc họa hoàn toàn về cái tôi của Judy Chicago hơn là về những người phụ nữ yếu thế cần được nâng đỡ. Có quá nhiều hình ảnh thô tục trong tác phẩm, thật nực cười".
2. Tilted Arc (1981) - Richard Serra
Một nghệ sĩ người Mỹ Richard Serra đã tạo nên một tác phẩm mang tính đột phá. Vào đêm khuya ngày 15/3/1981, một nhóm công nhân xây dựng đã xuống Quảng trường Federal Plaza ở thành phố New York để dựng nên một bức tường thép khổng lồ. Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn lại cho rằng, bức tường này sẽ là nơi ẩn nấp của những kẻ khủng bố, những thành phần trộm cắp bất hảo và phá hoại. Cuối cùng tác phẩm này đã bị dỡ bỏ và chuyển vào nhà kho.
3. Self (1991) - Marc Quinn
Cứ 5 năm một lần, trong vòng 5 tháng, nghệ sĩ người Anh Marc Quinn lại hút khoảng 4,5 lít máu của chính mình và đổ chúng lên các hình mẫu khuôn mặt được khắc hoạ theo gương mặt của chính ông rồi sau đó làm đông lạnh.
Thành quả là sự ra đời của một loạt các bức tượng mà ông đã đổ nhiều tâm sức vào nhiều hơn bất kỳ nghệ sĩ nào trước đó. Đối với một số người thưởng thức nghệ thuật, loạt tác phẩm Self chẳng khác gì màn pha trò kinh dị, gợi nhắc đến các bộ phim về ma cà rồng.
Nhưng một số người nhìn nhận sự đóng góp sâu sắc và táo bạo của tác phẩm cho loại hình nghệ thuật tự họa mà những nghệ sĩ vĩ đại như Rembrandt, Van Gogh và Cindy Sherman đã tiên phong, làm nổi bật rõ nét sự mong manh và yếu đuối của con người.
4. My Bed (1998) - Tracey Emin
Chiếc giường là vật thể điển hình, đóng vai trò không thể thiếu trong một số tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của phương Tây: Từ “Venus of Urbino” của Titian đến “Phòng ngủ ở Arles” của Van Gogh, từ “Maja khoả thân” và “Maja diện y phục”của Goya đến “The Nightmare” của Henry Fuseli.
Tuy vậy, tác phẩm “My Bed” của nghệ sĩ người Anh Tracey Emin trong buổi lễ trao giải thưởng Turner năm 1998 lại không được đón nhận và phải hứng chịu sự phẫn nộ dữ dội từ phía công chúng trong một khoảng thời gian dài. Bức tranh mô tả một chiếc giường bày bừa, luộm thuộm, với ngụ ý kể lại một giai đoạn sầu khổ trong cuộc đời nghệ sĩ, được bao quanh bởi những mảnh vụn tâm hồn rối bời.
Những người chỉ trích nghệ thuật đương đại đã lấy tác phẩm này làm một minh chứng cụ thể cho luận điểm phê bình của họ, rằng nghệ thuật đương đại đang dần lạc lối. Nhưng với người ủng hộ thì lại không hiểu tại sao chỉ một chiếc giường bừa bộn mà lại gây ra sự phẫn nộ đến vậy.
5. Tree (2014) - Paul McCarthy
Đôi khi, yêu cầu kiểm duyệt một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, không đến từ những người quản lý hay giám sát mà lại đến từ những khán giả khó tính. Đó là câu chuyện xảy ra vào tháng 10 năm 2014. Tác phẩm cây thông Noel bơm hơi khổng lồ của nghệ sĩ người Mỹ Paul McCarthy, được dựng lên để trưng bày trong lễ Giáng sinh tại Quảng trường Vendôme ở Paris, đã bị những kẻ phá hoại lật đổ và làm xì hơi. Nhiều người chỉ ra rằng tác phẩm này trông giống với một loại đồ chơi trong phòng ngủ. Tồi tệ hơn, một người tham dự phẫn nộ đã lao đến chỗ McCarthy rồi tấn công ông.