Làm cha mẹ không ai không muốn con có chỉ số thông minh cao, tuy nhiên làm sao để đánh giá lại là điều khó khăn đối với nhiều bậc cha mẹ. Một số trẻ sẽ có chỉ số IQ cao trong giai đoạn chúng 2-3 tuổi thường có những biểu hiện phổ biến dưới đây:
1. Không thích chia sẻ
Một số trẻ thường chiếm dụng đồ chơi khi mới 2-3 tuổi và không muốn chia sẻ với bạn bè của chúng. Thông thường khi thấy con như vậy cha mẹ thường lo lắng vì có thể con sẽ không thể giao lưu được với bạn bè. Tuy nhiên, thực tế đây lại là một trong những dấu hiệu của một trẻ có IQ cao.
Vì ở độ tuổi này bé đã hiểu được quyền sở hữu tài sản và cái gì của chúng thì người khác không thể tự do lấy đi. Có thể xem đây là giai đoạn phát triển ý thức tự giác nên lúc này cha mẹ không nên ép buộc con cái chia sẻ mà nên tôn trọng chúng. Hành vi này của trẻ không nên xếp vào nhóm ích kỷ.
2. Thích mút tay
Một số phụ huynh lo lắng khi bé khoảng 2 tuổi thường xuyên mút tay vì sợ chúng sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng hành vi này của trẻ có lợi ích, vì nó phản ảnh khả năng tự an ủi về mặt cảm xúc, có lợi cho sự phát triển ý thức tự giác của trẻ.
Điều này có nghĩa là nếu trẻ thường xuyên mút tay thì không những kích thích các giác quan mà khả năng phối hợp chân tay, mắt cũng được cải thiện, đồng thời trí não cũng được kích thích.
Tuy nhiên nếu sau 4 tuổi, trẻ vẫn mút tay thì mẹ nên sửa lại cho các con.
3. Xé giấy
Không cha mẹ nào thích con xé giấy vụn ra nhà, tuy nhiên đây là hành động giúp trẻ cử động tốt đôi tay. Bố mẹ có thể quan sát, ở trẻ dưới 3 tuổi, bé thường tỏ thái độ ngạc nhiên khi thấy tay cử động theo hướng khác nhau thì tờ giấy cũng bị xé thành những hình thù khác nhau.
Các nhà tâm lý học tin rằng bàn tay là não bộ thứ hai của trẻ, tức là trẻ vận động đôi tay đồng nghĩa với tư duy. Những động tác do tay trẻ thực hiện càng phức tạp thì càng có lợi cho sự phát triển khả năng tư duy của não bộ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của chỉ số IQ. Ngăn cản con hoạt động cũng đồng nghĩa với việc ngăn con phát triển.
4. Thích ném đồ
Thực ra, sở dĩ trẻ làm như vậy là do chúng đang nhận thức và nhận biết thế giới bằng đôi tay của mình. Khi mới sinh, trẻ thường dùng miệng để nhận biết kích thước, kết cấu và hình dạng của đồ vật. Đến khi cơ thể phát triển, trẻ bắt đầu nhận thức thế giới bằng tay và thích ném đồ vật chứ không cố ý nghịch ngợm.
Bên cạnh đó, việc ném đồ không chỉ góp phần phát triển sức mạnh cánh tay, phối hợp tay mắt mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển về nhận thức, tư duy, khả năng tập trung và quan sát của trẻ. Lúc này, cha mẹ không nên ngăn cản việc ném đồ của trẻ, miễn là những thứ ném được không gây nguy hiểm.
5. Không thích mang giày
Mọi đứa trẻ đều là tín đồ trung thành của việc đi chân đất, chúng không thích đi giày và tất vào mùa hè mà còn vào mùa đông. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng con mình sẽ bị cảm lạnh, luôn đi giày, tất cho con nhưng trẻ mang không quá nửa tiếng.
Bàn chân là cơ quan vận động, quy tụ 6 kinh mạch, 66 huyệt đạo, là nơi tập trung của rất nhiều dây thần kinh. Do đó, trẻ đi chân trần trên mặt đất, hay giẫm lên sỏi, đá có thể có tác dụng giúp xoa bóp, kích thích thần kinh. Ngoài ra, những thay đổi về nhiệt độ, hình dáng bề mặt tiếp xúc... có thể mang lại những cảm nhận khác nhau cho trẻ, giúp kích thích não bộ phát triển toàn diện.
Theo Sohu