Cụm thi đua số 1, gồm các Sở GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, với vai trò là cụm trưởng cho biết, năm học 2021-2022 là năm thứ ba, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với những tác động không nhỏ tới công tác dạy và học. Với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng internet trong công việc để phù hợp với tình hình thực tế đã đảm bảo công việc được thông suốt, không bị gián đoạn và đạt được những kết quả nhất định.

5 thành phố kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp theo chương trình mới - Ảnh 1.

Về đề xuất, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM thông tin ý kiến của các Sở trong cụm, hiện nay căn cứ theo khoản 1, điều 7, Quy chế tuyển sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư số 03 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2022 quy định về chế độ tuyển thẳng vào lớp 10 chưa tạo được sự tự chủ trong tổ chức tuyển sinh của các địa phương.

Trong đó, các cơ sở giáo dục chưa có sự bình đẳng, một số trường chuyên thuộc đại học quy định chế độ tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố dù điều này không được quy định trong quy chế tuyển sinh.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT gồm học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyết tật; học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Do đó, sở GD&ĐT các địa phương đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung khoản 1, điều 7 Quy chế tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10.

Cụm thi đua số 1 cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia đối với các môn ngoại ngữ như tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc tại 5 thành phố lớn vì ở những nơi này đã triển khai dạy học các môn nói trên.

Đặc biệt, các địa phương còn kiến nghị Bộ sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh theo học chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (năm học 2022-2023 bắt đầu triển khai ở lớp 10), thực hiện từ năm 2025 để các sở GD&ĐT thuận lợi trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Ngoài ra các Sở trong cụm thi đua số 1 còn kiến nghị một số nội dung khác liên quan đến chính sách quản lý với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên người Việt, giáo viên người nước ngoài ở các trường có yếu tố nước ngoài. Cũng như cần có điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo quyền lợi của học sinh đã theo học các chương trình trước đó, điều chỉnh tỷ lệ học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, bổ sung quy định đối với thay đổi nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục...