Không biết bạn có trải nghiệm như vậy không? Có một số thứ, khi mua thì háo hức, trong đầu ấp ủ nhiều dự định để sử dụng nó, nhưng mua về dùng 1-2 lần rồi thì thôi.

Những tình huống này không hề xa lạ trong cuộc sống thường ngày. Nếu như ai cũng mua sắm một cách lý trí thì quá tốt rồi, đúng không?

Song nếu không biết thì ta có thể tham khảo. Học cách suy tính kĩ càng trước khi mua món đồ nào đó là chuyện luôn cần thiết.

Dưới đây là 5 thứ đồ khiến bạn phải lãng phí tiền bạc nếu không biết kiên trì sử dụng và suy xét thận trọng.

1. Giấc mơ làm bánh tan tành, dụng cụ biến thành đồ trang trí

5 thứ đồ mua về "dùng thì ít, mà để đóng bụi thì nhiều": Hãy tỉnh táo để tránh hao phí tiền bạc và hối hận - Ảnh 1.

Vào một ngày rảnh rỗi lướt điện thoại, cũng có thể là lúc nghe ai đó nói về việc làm những chiếc bánh thơm ngon, thế là bạn vội vã mua một loạt các dụng cụ và nguyên liệu, về nhà xắn tay vào bếp trổ tài. 

Tuy nhiên, thực tế luôn tàn khốc. Bánh nướng cứng đến mức có thể dùng để “đánh người”, bánh quy thậm chí còn cháy đen không thấy rõ hình dạng. Sau một vài thất bại, những dụng cụ và nguyên liệu làm bánh từng khiến bạn tràn ngập sự mong đợi chỉ có thể nằm im lặng trong tủ và trở thành vật trang trí trong cuộc sống.

2. Thiết bị làm đẹp: Rực rỡ trong kỳ vọng, đóng bụi trong thực tế

5 thứ đồ mua về "dùng thì ít, mà để đóng bụi thì nhiều": Hãy tỉnh táo để tránh hao phí tiền bạc và hối hận - Ảnh 2.

Cô gái nào không muốn làn da của mình trơn mịn, trắng sáng? Vì vậy, đủ loại thiết bị, dụng cụ làm đẹp ra đời, chẳng hạn như dụng cụ làm sạch da mặt, máy mát-xa mặt... 

Tuy nhiên, sau khi sử dụng vài lần, bạn thấy hiệu quả không kỳ diệu như tưởng tượng. Và rồi cùng với sự lười biếng, những thiết bị làm đẹp này dần bị lãng quên. Cho đến một ngày, khi tình cờ nhìn thấy chúng, bạn phát hiện những món đồ không hề rẻ kia đã phủ đầy bụi.

3. Câu chuyện về giày: Từ "thích sở hữu đủ loại giày" đến "mang chỉ đúng một đôi"

5 thứ đồ mua về "dùng thì ít, mà để đóng bụi thì nhiều": Hãy tỉnh táo để tránh hao phí tiền bạc và hối hận - Ảnh 3.

Trước đây bạn giống như “con rết nhiều chân”, mua biết bao đôi giày cũng không đủ và bạn không thể không mua những đôi giày đẹp khi nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, theo thời gian, gu thẩm mỹ của bạn đã thay đổi, và những đôi giày từng được nâng niu không còn vừa vặn và thời thượng.

Bạn bắt đầu học cách "tối giản" và phân loại những đôi giày không mang nữa và tặng chúng cho những người cần hoặc vứt đi. Trong quá trình này, bạn có thể cảm thấy rất nhiều cảm xúc, nhưng nó là một sự nhẹ nhõm trong lòng như trút đi gánh nặng.

4. Thế giới của túi: Từ cuồng nhiệt đến lý tính

5 thứ đồ mua về "dùng thì ít, mà để đóng bụi thì nhiều": Hãy tỉnh táo để tránh hao phí tiền bạc và hối hận - Ảnh 4.

Với nhiều cô gái, túi xách là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình này, bạn có thể sẽ nhận ra sự thay đổi trạng thái tâm lý từ cuồng nhiệt sang lý tính. Đó là:

Ban đầu, bạn mua một chiếc túi mình thích khi nhìn thấy nó, bất kể tính thực dụng và cách phối đồ. 

Dần dần, bạn thấy rằng một số chiếc túi hoàn toàn không sử dụng được, trong đó có nguyên nhân lỗi thời hoặc bị hỏng. Kết quả, bạn bắt đầu học cách mua sắm có trách nhiệm và chỉ mua những chiếc túi thực sự phù hợp với mình.

5. Bi kịch của đồ dùng nhà bếp: Từ "giấc mơ đầu bếp" đến "cái lười chiến thắng"

5 thứ đồ mua về "dùng thì ít, mà để đóng bụi thì nhiều": Hãy tỉnh táo để tránh hao phí tiền bạc và hối hận - Ảnh 5.

Các món đồ trong nhà bếp cũng là một trong những đối tượng khiến bạn “cháy túi”. Lò nướng, nồi chiên không dầu, máy xay, máy ép trái cây... Những thiết bị nhà bếp này mang theo sự khao khát vô hạn của bạn đối với thực phẩm khi mua chúng. Tuy nhiên, khi thực sự sử dụng, bạn nhận ra rằng bản thân không có nhiều thời gian và năng lượng đến vậy. 

Kết quả là, những thiết bị này chỉ có thể ở yên một chỗ trong nhà bếp. Thỉnh thoảng khi bạn bè hoặc gia đình nhắc đến, bạn chỉ đành mỉm cười và nói: "Mua dùng vài lần rồi thôi, lười lắm".

Cuộc sống đầy những điều không chắc chắn, và những món đồ mà chúng ta từng trân trọng một ngày nào đó có thể không được sử dụng nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là bản thân có vấn đề, chỉ là cuộc sống liên tục thay đổi. Vì vậy, khi tìm thấy một số đồ dùng không được tận dụng trong nhà, đừng tự trách mình hoặc khó chịu quá nhiều, hãy học cách chấp nhận và xử lý (tìm cách sử dụng hoặc dứt khoát cho đi) để làm cho cuộc sống đơn giản và tốt đẹp hơn.