Mỗi tháng một lần, trong khoảng 24 giờ, quá trình rụng trứng diễn ra - trứng được phóng từ buồng trứng vào ống dẫn trứng và sau đó có thể được thụ tinh bởi tinh trùng. Đồng thời, hormone bắt đầu dao động và các chất hóa học trong não cũng thay đổi.
Tất cả những thay đổi này được cho là làm tăng cơ hội thụ thai. Theo Health, một số nghiên cứu cho thấy sự rụng trứng có thể ảnh hưởng đến não, cơ thể và hành vi của bạn theo những cách đáng ngạc nhiên.
Chẳng hạn, thời kỳ rụng trứng có thể gây ra một số thay đổi về thể chất chẳng hạn như thay đổi thân nhiệt, ngực mềm hơn, đầy hơi, phản xạ giác quan nhạy bén hơn,... Nhưng, có 4 đặc điểm phổ biến trong giai đoạn rụng trứng rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Cụ thể:
1. Đau vùng bụng
Đau bụng hay còn gọi là đau rụng trứng là một hiện tượng chưa giải thích được nguyên nhân. Các nhà khoa học cho biết, dường như cơn đau này xảy ra do nang trứng bị sưng lên và vỡ. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm:
- Cơn đau xuất hiện đột ngột nhưng không trở nên tồi tệ hoặc nghiêm trọng hơn trong vài ngày tiếp theo.
- Thường xuất hiện ở giữa chu kỳ.
- Đau ở một bên cơ thể.
- Cơn đau có có cảm giác quặn ở bụng hoặc đau âm ỉ hay đau như bị chuột rút.
Theo Medical News Today, một đánh giá năm 2014 cho thấy đau vùng chậu là cơn đau phổ biến hơn cả trong thời kỳ rụng trứng.
Đau bụng hay còn gọi là đau rụng trứng (Ảnh: Sưu tầm)
Chứng đau vùng bụng khi rụng trứng có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác như viêm ruột thừa, sỏi thận hoặc vấn đề liên quan đến dạ dày, táo bón, đau bụng kinh. Đôi khi nó cũng có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề phụ khoa khác như viêm vùng chậu, rối loạn tiết niệu hoặc các vấn đề liên quan đến tử cung và ống dẫn trứng.
Nghiêm trọng hơn, đau vùng bụng có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung, đặc biệt nếu bạn bị trễ kinh và kèm theo sốt cao.
Các dấu hiệu cho thấy cơn đau vùng bụng của bạn có thể có nguyên nhân khác ngoài rụng trứng và cần thăm khám bác sĩ sớm khi kèm theo các dấu hiệu:
- Đau ở cả hai bên cơ thể.
- Cơn đau trở nên tồi tệ hơn trong vài giờ hoặc vài ngày mà không phải đang ở giai đoạn giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Đau kèm theo chảy máu âm đạo bất thường.
- Đau xảy ra sau một chấn thương cụ thể.
- Cảm giác bụng chướng và ấn vào thấy đau, cứng.
- Buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
- Sốt, ớn lạnh.
- Đi tiểu đau rát..
2. Đau ngực
Đau ngực bao gồm đau vú và đau núm vú. Đau ngực trong thời kỳ rụng trứng thường xảy ra do biến động hormone trong chu kỳ kinh nguyệt, cụ thể là sự tăng lên của estrogen và progesterone trước khi rụng trứng. Cảm giác đau, căng tức và nhạy cảm hơn ở ngực có thể từ nhẹ tới nghiêm trọng, ở một hoặc cả hai bên vú.
Cảm giác đau thường tự giảm đi sau khi rụng trứng khi mức progesterone tăng lên.
Tuy nhiên, triệu chứng này có thể dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề khác như:
- Vấn đề bệnh lý: Đau tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ, rối loạn lo âu thậm chí là các vấn đề liên quan đến dạ dày như trào ngược axit. Đau ngực cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về phổi như viêm phổi hoặc huyết khối phổi.
Cảm giác đau thường tự giảm đi sau khi rụng trứng khi mức progesterone tăng lên (Ảnh: Sưu tầm)
- Mang thai: Khi mang thai nồng độ progesterone sẽ tiếp tục tăng lên và điều này cũng có thể gây ra những thay đổi ở mô vú, khiến núm vú bị đau hoặc ngực căng lên gây đau. Một số triệu chứng ban đầu báo hiệu mang thai sớm có thể là buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mệt mỏi, nhu cầu đi tiểu tăng lên, thay đổi tâm trạng thất thường, có đốm máu (máu báo thai).
- Ung thư vú: Mặc dù hiếm gặp nhưng đau núm vú có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Cần chú ý tới các triệu chứng khác kèm theo như sự xuất hiện của một cục u hoặc sự dày đặc của vú mà trước đây không có; thay đổi về kích thước, hình dạng, hoặc cảm giác của vú hoặc núm vú, ví dụ như vú bị co kéo, núm vú bị tụt vào bên trong; sự thay đổi về da ở vú, chẳng hạn như quần vú chuyển sang màu da cam, đỏ hoặc sần sùi; tiết dịch núm vú bất thường;.. để thăm khám sớm.
Nếu bị đau ngực hoặc đau núm vú, hãy thăm khám bác sĩ sớm nếu:
- Đau không phải trong chu kì kinh nguyệt.
- Cơn đau ngực dữ dội.
- Đau sau chấn thương và cơn đau không biến mất sau vài ngày.
- Sờ thấy khối u bất thường ở nách, ngực và tiết dịch núm vú bất thường.
3. Dịch tiết âm đạo tăng lên
Dịch tiết âm đạo là một chất lỏng hoặc chất nhầy được tiết ra từ âm đạo ở phụ nữ. Dịch tiết này giúp làm sạch và giữ cho môi trường âm đạo đủ ẩm ướt, cũng như giúp ngăn chặn nhiễm trùng. Màu sắc, kết cấu và lượng dịch tiết âm đạo có thể thay đổi tùy thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt và các điều kiện sức khỏe khác nhau.
Dịch tiết âm đạo là một chất lỏng hoặc chất nhầy được tiết ra từ âm đạo ở phụ nữ (Ảnh: Internet)
Khi gần đến ngày rụng trứng, dịch tiết âm đạo sẽ tăng lên và có màu đục và đặc như keo. Trong quá trình rụng trứng, với tác động của hormone estrogen tăng lên, dịch tiết có thể có màu tựa như lòng trắng trứng sống và loãng hơn. Đặc điểm này cũng cho thấy đây là thời điểm mà bạn dễ thụ thai nhất.
Tuy nhiên, dịch tiết âm đạo tăng lên bất thường cũng có thể cảnh báo một số tình trạng khác:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm men và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Dịch tiết âm đạo lúc này có thể có mùi hôi tanh bất thường hoặc màu xanh lá, vàng, xám,...và có bọt. Đôi khi dịch tiết có thẻ kèm theo các cơn đau bất thường tại vùng chậu, vết loét nghiêm trọng ở vùng kín.
- Các bệnh viêm vùng chậu, teo âm đạo, rò âm đạo.
- Ung thư: Mặc dù hiếm nhưng khí hư bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng. Dịch tiết âm đạo có thể có màu trong suốt hơn, hồng hoặc đỏ như máu.
4. Thân nhiệt cao hơn
Ở mỗi lần rụng trứng, dưới tác động của progesterone mà nhiệt độ cơ thể cơ bản sẽ tăng từ 0,3 - 0,5 độ. Một số người cũng sẽ thấy mặt dễ nóng bừng hơn bình thường, điều này là do hormone ảnh hưởng tới lượng máu đi khắp cơ thể, khiến các mạch máu giãn ra tới gần da hơn. Đây cũng là lý do mà nhiều người cảm thấy "bốc hỏa" trước và trong chu kỳ kinh nguyệt.
Sự thay đổi nhỏ về thân nhiệt đôi khi bị nhầm lẫn với các nhiễm trùng gây sốt như cảm cúm, cảm lạnh,... hoặc nghiêm trọng hơn có thể do bệnh tim, phổi, tuần hoàn kém, dấu hiệu của cơn tăng huyết áp,...
Hãy thăm khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy thân nhiệt tăng lên trên 38 độ C kèm theo các triệu chứng như rùng mình, đau nhức cơ thể nghiêm trọng, mệt mỏi, ho, khó thở, thở khó, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy nghiêm trọng không cầm được.
5. Sưng âm hộ
Sự thay đổi ở âm hộ, chẳng hạn như sưng âm hộ khi rụng trứng cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng nấm men, u nang âm đạo, bệnh crohn sinh dục, hay các bệnh lây qua đường tình dục.
Sưng âm hộ khi rụng trứng thường hết sau khi quá trình rụng trứng kết thúc. Tuy nhiên, nếu sưng âm hộ kèm theo đau rát khi đi tiểu; ngứa ngáy hoặc nóng rát ở âm đạo; đau khi quan hệ thân mật, chảy máu âm đạo bất thường,... bạn cần thăm khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và can thiệp sớm.