Công trình vừa công bố trực tuyến hôm 17-5 trên tạp chí y học Neurology tập trung vào đột quỵ do thiếu máu cục bộ, là loại phổ biến hơn đột quỵ do xuất huyết não. Tuy vậy, khả năng phòng ngừa và hạn chế tình huống đột quỵ do thiếu máu cục bộ là rất cao, theo các tác giả.

5 triệu người chết vì đột quỵ năm 2030: Cảnh báo 7 nguyên nhân hàng đầu - Ảnh 1.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng quyết định của chính bản thân bạn (Ảnh minh họa từ MEDICAL XPRESS)

Theo tiến sĩ Lize Xiong từ Trường Đại học Đồng Tế (Thượng Hải - Trung Quốc), tác giả chính, sự gia tăng số ca tử vong do đột quỵ này là đáng lo ngại, cho dù xét về tỉ lệ thì giảm: 66 ca/100.000 người vào năm 1990; nhưng chỉ có 44 ca/100.000 người vào năm 2019.

Tuy nhiên điều này cũng cho thấy bất chấp các tiến bộ y học nhằm giảm tỉ lệ, số bệnh nhân đột quỵ sẽ tăng cao do sự gia tăng dân số, lão hóa và cả lối sống.

Ngoài ra cho dù được cứu sống nhờ sự phát triển của y học, bệnh nhân đột quỵ vẫn có khả năng mang di chứng cao, quá trình phục hồi lâu dài, tốn kém, khó khăn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra 7 nguyên nhân chính làm tăng cao nguy cơ đột quỵ. Đáng chú ý, hầu hết chúng đều có thể phòng tránh được: Hút thuốc, chế độ ăn nhiều muối, cao huyết áp, cholesterol cao, rối loạn chức năng thận, đường huyết cao, chỉ số khối cơ thể (BMI, tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao) cao.

Con số 5 triệu người trong năm 2030 được tính toán dựa trên mô hình kết hợp nhiều yếu tố sẵn có.

Bình luận về kết quả trên, tiến sĩ Carlos Cantu-Brito từ Phòng khám đột quỵ của Viện Khoa học y tế và dinh dưỡng quốc gia Salvador Zubiran (TP Mexico - Mexico) cho biết nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về gánh nặng toàn cầu từ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

"Nó chỉ là những yếu tố quan trọng để sử dụng trong hoạch định chính sách, nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh bao gồm hoạt động thể chất thường xuyên, chế độ ăn ít muối và cai thuốc lá" - Medical Xpress dẫn lời tiến sĩ Cantu-Brito.