Nấm mốc và những tác hại sức khỏe khôn lường
Bác sĩ Hong Yongxiang (Đài Loan, Trung Quốc) cảnh báo, nấm mốc là mối nguy hiểm thầm lặng trong mỗi ngôi nhà. Nấm mốc khi phát triển sẽ sinh ra mycotoxin - một loại độc tố có thể gây hại cho sức khỏe con người theo nhiều cách khác nhau. Điều nguy hiểm hơn là chúng có thể phát triển ở những nơi ẩm ướt, kín gió, đôi khi vô hình và ẩn nấp trong không khí hoặc khe hở khó phát hiện. Trong khi các bào tử nấm mốc thường phát tán trong không khí mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Ảnh minh họa
Từ đó gây ngộ độc mãn tính do cơ thể bị tích tụ độc tố trong thời gian dài do tiếp xúc liên tục với chất gây hại từ nấm mốc. Ví dụ như việc hít phải hoặc tiếp xúc lâu dài với mycotoxin có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp như ho, khó thở, viêm xoang, hen suyễn. Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc trẻ em dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Không chỉ dừng lại ở đường hô hấp, nấm mốc còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nếu vô tình ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, một số loại nấm mốc như Aspergillus flavus có thể sản sinh aflatoxin - chất gây ung thư cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, các tác động lâu dài của nấm mốc còn có thể gây mệt mỏi mãn tính, đau đầu, suy giảm trí nhớ và thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
5 vị trí trong nhà dễ có nấm mốc nhưng ít người để ý
Có 5 vị trí trong nhà là nơi lý tưởng để phát triển nấm mốc nhưng lại dễ bị bỏ qua, qua loa khi dọn dẹp được bác sĩ Hong nhắc nhở như:
Rèm tắm và tường nhà tắm

Ảnh minh họa
Đây là nơi tiếp xúc nhiều với nước và độ ẩm cao, tạo điều kiện lý tưởng cho nấm mốc Cladosporium phát triển. Loại nấm này thường xuất hiện ở các khe gạch, rèm tắm hoặc góc tường, gây dị ứng, kích ứng đường hô hấp và viêm da. Vì nấm mốc có thể bám trên các bề mặt không dễ thấy nên việc vệ sinh kỹ lưỡng và thông gió phòng tắm là rất quan trọng.
Tủ hoặc kệ đựng gia vị
Nơi lưu trữ gia vị thường có độ ẩm từ hơi nước khi nấu ăn và ít được lau chùi thường xuyên. Nấm mốc Penicillium và Aspergillus có thể phát triển trên các loại bột, gia vị cũ hoặc đóng cặn bên trong hộp. Chúng không chỉ làm hỏng thực phẩm mà còn phát tán bào tử gây kích ứng hô hấp và ngộ độc khi ăn phải.
Phía sau tủ lạnh, tủ quần áo hoặc tủ giày
Các vị trí này thường kín gió, ẩm thấp do hơi nước tích tụ hoặc thậm chí là rò rỉ từ hệ thống làm lạnh. Nấm mốc Stachybotrys dễ phát triển trong môi trường ẩm ướt kéo dài và tạo ra trichothecene – chất độc gây kích ứng mắt, mũi, họng và có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh nếu tiếp xúc lâu dài.
Máy lạnh và hệ thống thông gió
Máy lạnh và hệ thống thông gió nếu không được vệ sinh định kỳ sẽ tích tụ bụi bẩn và hơi nước, tạo môi trường lý tưởng cho nấm mốc Aspergillus phát triển. Khi bật máy, các bào tử nấm mốc sẽ phát tán khắp nhà, gây dị ứng mắt, mũi, họng và thậm chí dẫn đến nhiễm trùng phổi ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Trong máy giặt

Ảnh minh họa
Ngăn chứa bột giặt, gioăng cao su quanh cửa máy giặt và thùng giặt là những nơi tích tụ nước và cặn bẩn sau mỗi lần sử dụng. Điều này tạo điều kiện cho nấm mốc Aspergillus và Cladosporium phát triển mạnh mẽ. Khi mở cửa máy giặt, các bào tử nấm mốc sẽ phát tán vào không khí, dễ dàng xâm nhập vào hệ hô hấp của cả gia đình.
Vì vậy, bác sĩ Hong khuyến cáo nên kiểm tra và vệ sinh định kỳ các khu vực dễ tích tụ độ ẩm. Sử dụng máy hút ẩm và đảm bảo thông gió tốt để giảm độ ẩm trong không khí. Đồng thời, hãy thường xuyên lau chùi các vị trí dễ phát sinh nấm mốc bằng các dung dịch diệt khuẩn chuyên dụng để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Nguồn và ảnh: Health GVM, Family Doctor