Cũng từ đó, thuật ngữ "Hội chứng Stockholm" xuất hiện, hiện tượng con tin yêu mến kẻ bắt cóc. Tại sao từ nỗi kinh hoàng lại có thể chuyển thành cảm thông như vậy, tròn 50 năm sau người ta vẫn đi tìm câu trả lời.

Ngày 23/8/1973, Jan-Erik Olsson, tội phạm Thụy Điển bỏ trốn, bước vào ngân hàng Sveriges Kreditbank ở Stockholm trong tình trạng phê ma túy, kích động và có vũ khí ngay sau khi nhà băng này mở cửa. Anh ta cải trang bằng bộ tóc xoăn giả của phụ nữ, kính râm màu xanh, bộ ria mép đen và đôi má hồng. Olsson bắn súng tiểu liên lên trần nhà và hét lớn bằng tiếng Anh: "Bữa tiệc bắt đầu!". Một cuộc giằng co giải cứu con tin kéo dài sáu ngày, từ ngày 23 đến ngày 28/8/1973, đã diễn ra .

Cảnh sát và giới truyền thông nhanh chóng tràn vào quảng trường bên ngoài ngân hàng, những tay súng bắn tỉa được bố trí dày đặc. Thủ phạm dùng hai con tin làm lá chắn sống và đe dọa giết họ, đồng thời yêu cầu 3 triệu Krona tiền chuộc, tức gần 700.000 USD vào thời điểm đó, cũng như thả đồng phạm của hắn là một tên cướp ngân hàng khét tiếng khác khỏi trại giam.

50 năm sau vụ cướp ngân hàng ở thủ đô Thụy Điển, câu hỏi về Hội chứng Stockholm vẫn bỏ ngỏ - Ảnh 1.

Hội chứng Stockholm mô tả tình trạng nạn nhân bị giam giữ có tình cảm với kẻ bắt giữ họ. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, nỗi kinh hoàng của những con tin không kéo dài lâu. Trên thực tế, trong suốt 6 ngày vụ cướp diễn ra, một mối quan hệ tình cảm đáng ngạc nhiên đã hình thành giữa tên cướp và 4 con tin, thậm chí các nạn nhân từ chối sự trợ giúp từ chính quyền và đứng ra bảo vệ kẻ bắt cóc. Giới chuyên gia đã gán thuật ngữ "Hội chứng Stockholm" để mô tả tình trạng này.

Ông Bertil Ericsson, cựu nhiếp ảnh gia vụ bắt cóc, ở Stockholm, nói: "Chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ chỉ là một tình huống bắt giữ con tin khá thường xuyên, giống như những vụ việc khác từng xảy ra. Và chúng tôi đã tin rằng vụ này chỉ kéo dài 24 giờ là cùng. Nhưng sự thật lâu hơn rất nhiều. Chúng tôi thấy điều kỳ lạ là những con tin đã yêu quý kẻ bắt cóc họ".

Thậm chí, trong những lần nói chuyện với cảnh sát, các con tin còn ra sức bảo vệ cho thủ phạm. Một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu đó có phải là hội chứng tâm lý hay chỉ là một chiến lược sinh tồn khi đối mặt với nguy hiểm tột cùng.

Ông Christoffer Rahm, bác sĩ chuyên khoa tâm thần ở Stockholm, nhận định: "Đối với các con tin lúc đó, Hội chứng Stockholm giống như họ đang phải trải qua bạo lực gia đình hoặc các tình huống ngược đãi tương tự. Hiểu được hoàn cảnh khi đó của các nạn nhân, chúng ta sẽ không đổ lỗi cho họ về việc họ từng bênh vực kẻ xấu như vậy".

Các chuyên gia thực thi pháp luật ở Mỹ cho biết, hiện tượng này rất hiếm và được truyền thông đưa tin quá mức. Tuy nhiên, nó vẫn xuất hiện thường xuyên trong văn hóa đại chúng, bao gồm sách, phim ảnh và âm nhạc.