50 phút cân não cứu trẻ bị bệnh tim hiếm gặp
Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Trẻ em - Bệnh viện Nhi T.Ư mới đây cứu sống trẻ sơ sinh bằng phương pháp đốt điện. Đây là một thành tựu vượt bậc trong can thiệp tim mạch điều trị rối loạn nhịp trẻ em.
Ngày 14/3, Trung tâm Tim mạch Trẻ em nhận được yêu cầu hội chẩn từ xa từ các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc). Bệnh nhân L.P.T., 9 ngày tuổi, nặng 3,5kg, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do rối loạn nhịp tim nhanh hiếm gặp khi tim đập đến 300 lần/phút (bình thường 120-180 lần/phút).
Bé T. được vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi T.Ư. Bé được kiểm soát cơn tim nhanh bằng thuốc, nhưng cơn tim nhanh liên tục tái phát sau 9 lần cắt cơn bằng thuốc, toàn trạng trẻ xấu đi nhanh chóng với các dấu hiệu sốc tim tiến triển.
Các chuyên gia quyết định chọn giải pháp cuối cùng là triệt đốt tim nhanh bằng năng lượng tần số radio trực tiếp qua đường dẫn vào buồng tim. Các rối loạn huyết động biến mất ngay sau đó, toàn trạng nhanh chóng được phục hồi sau 50 phút can thiệp.
Theo thống kê của Trung tâm Tim mạch Trẻ em, đến nay, Trung tâm tiếp nhận, điều trị hàng nghìn trường hợp trẻ mắc chứng rối loạn nhịp với tỷ lệ thành công 90-95%. Ca bệnh nhỏ tuổi nhất là bé sơ sinh 4 ngày tuổi.
TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Trẻ em, cho biết, chẩn đoán và điều trị các rối loạn nhịp tim ở trẻ em là thách thức đối với hầu hết bác sĩ nhi khoa. Từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận khoảng 300 trẻ nhỏ cân nặng dưới 15kg được đốt điện, trong đó có 17 bệnh nhi là trẻ sơ sinh, tỷ lệ thành công ngang tầm một số trung tâm điện sinh lý hàng đầu trên thế giới.
TS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám và chẩn đoán các bệnh tim mạch - Trung tâm Tim mạch Trẻ em, cho hay, tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trẻ không được cha mẹ phát hiện sớm khiến cơn tim nhanh kịch phát xảy ra nhiều lần, gây nguy hiểm tính mạng.
Đối với trẻ lớn, đốt điện được coi là phương pháp lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tuổi, phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ tai biến trong quá trình làm thủ thuật cao hơn. Vì vậy, để thực hiện được phương pháp này an toàn, đòi hỏi nhiều yếu tố như đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn khi có tình huống bất thường xảy ra...