Khóc để thể hiện niềm vui
Từ xưa đến nay, nhắc đến đám cưới là người ta chỉ nghĩ đến niềm vui, những nụ cười rạng rỡ của cô dâu, chú rể cũng như những người thân thích với họ. Nhưng bạn có tin được không, ở Tujia, Trung Quốc người ta lấy nước mắt để thể hiện niềm vui.
Theo phong tục của người Tujia, 1 tháng trước khi cưới, cô dâu ngày nào cũng phải khóc 1 tiếng mỗi ngày. Chưa hết, 10 ngày lúc đám cưới chính thức diễn ra, mẹ của cô dâu cũng cùng phải ngồi khóc với con gái và 10 ngày sau đó thì có thêm "đồng đội" là bà ngoại cô dâu. Những thành viên khác trong gia đình cùng tham gia ở mức không hạn chế số lượng.
Nghi thức này được gọi là Zuo Tang ở phía tây tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nguồn gốc của nghi lễ được cho là xuất phát từ thời kỳ Chiến Quốc của Trung Quốc khi mẹ của một công chúa nước Triệu đã khóc trong đám cưới của cô.
Đám cưới được quyết định bởi một con gà
Các cặp đôi người Daur, Nội Mông Cổ, Trung Quốc phải làm một việc bắt buộc trước khi cưới là cùng giết mổ 1 con gà. Không phải để cúng lễ hay đãi khách mà cái họ quan tâm đến chính là bộ gan của con gà đó. Sau khi mổ con gà, nếu bộ gan khỏe mạnh thì họ có thể hẹn hò tiếp hoặc đi đến xa hơn là làm đám cưới. Nhưng khi gan con gà đã không còn nguyên vẹn thì họ sẽ phải tiếp tục làm "đồ tể" đến khi tìm được bộ gan lành lặn từ một con gà khác.
Không đi vệ sinh sau khi cưới biểu thị sự may mắn
Người Tidong ở Borneo, Malaysia có một quy định bất thành văn là cô dâu và chú rể không được rời khỏi nhà của họ và thậm chí là không được sử dụng nhà vệ sinh cho cả ba ngày sau lễ cưới. Đây là một tập tục bắt buộc. Trong văn hóa người Tidong, nếu cặp đôi nào cố tình không thực hiện có nghĩa là cô dâu đó đã bị hoen ố còn chú rể thì không gặp may mắn. Đó cũng sẽ là điềm báo cho sự đổ vỡ trong hôn nhân, kinh khủng hơn là con cái họ sẽ bị chết yểu.
Món quà cưới kinh khủng mà cha tặng con gái trước khi về nhà chồng
Trong đám cưới của những người Maasai ở Kenya, trước khi về nhà chồng, cô dâu sẽ vinh dự được cha đẻ nhổ nước bọt vào đầu và ngực mình như một sự ban phát may mắn. Nếu khác nhổ là một hành động mất vệ sinh và thể hiện sự coi thường người khác thì đối với người Maasai, điều ấy tượng trưng cho tài sản và may mắn. Ở mỗi đám cưới thì việc này không thể thiếu. So với dân tộc họ thì hành động khạc nhổ chả khác nào bố mẹ trao của hồi môn cho con gái trước khi về nhà chồng.
Đập càng nhiều, cô dâu càng hạnh phúc
Nếu đến một nơi nào đó của nước Đức mà bạn nghe thấy tiếng đổ vỡ của bát đĩa phát ra từ một ngôi nhà nào đó thì rất có thể nơi ấy đang diễn ra đám cưới. Theo quan niệm truyền thống của người Đức, mỗi vị khách đến dự đám cưới nên đập một vài chiếc đĩa bởi đó là cách xua đuổi những linh hồn ma quỷ. Càng có nhiều chiếc đĩa bị vỡ thì cặp đôi ấy càng may mắn, hạnh phúc trong cuộc hôn nhân sắp tới.
Hơn nữa người Đức còn quan niệm: khi tan tiệc, cô dâu chú rể cùng nhau dọn dẹp đống đổ vỡ là sự sẻ chia. Và nó cũng tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hôn nhân sắp tới mà họ sẽ cùng nhau việc qua.
Con gái béo mới thoát ế
Ở Mauritania, cô dâu có thân hình càng đẫy đà nghĩa là càng may mắn và đem đến tài lộc dồi dào. Còn riêng với các cô gái có thân hình mảnh mai hay chưa đủ mũm mĩm thì sẽ bị nhồi nhét sao cho béo lên. Vì chỉ có béo mới lấy được chồng. Mặt trái của phong tục này là khiến cô dâu gặp phải vấn đề sức khỏe nếu bị nhồi nhét quá đà, tất cả chỉ để cho một đám cưới.
Chỉ một miếng bánh để phân cấp gia đình
Ở Nga, mỗi cặp vợ chồng mới cưới sẽ phải cùng nhau ăn một chiếc bánh có tên là karavaya. Chiếc bánh có hình những bông lúa mỳ tượng trưng cho sự no đủ và cặp nhẫn cưới lồng nhau tượng trưng cho vợ chồng gắn kết.
Điều thú vị nhất nằm ở cách ăn. Bất cứ ai trong vợ hoặc chồng cắn được miếng bánh to hơn mà không dùng đến tay thì sẽ được coi là người đứng đầu gia đình.
Chỉ cô dâu mới phải đeo nhẫn cưới nhưng lại ở một vị trí đặc biệt
Ở Ấn Độ, các cô dâu sẽ đeo nhẫn cưới vào ngón chân để minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu. Những chiếc nhẫn đeo vào chân trái cô dâu đóng vai trò như nhẫn cưới ở phương Tây, nhưng các chú rể lại không cần đeo.
Trong văn hóa Ấn Độ, nhẫn cưới gọi là "Bichiya" được làm rất công phu tỉ mỉ. Việc đeo nhẫn ở chân đã trở thành một phần trong cuộc sống và nét đẹp văn hóa độc lạ của người Ấn Độ.
Đêm tân hôn không chỉ của riêng hai người
Nghi thức Charivari hay còn biết đến với tên gọi shivaree có nghĩa là những tiếng ồn ào huyên náo. Và đúng như tên gọi của mình, đây có lẽ là nghi thức gây khó chịu cực kì cho các cặp vợ chồng mới cưới.
Vào đêm tân hôn, bạn bè cũng như những người thân trong gia đình cô dâu, chú rể sẽ tụ tập bên ngoài nhà, hát hò, nhảy múa, gây ra đủ mọi tiếng ồn và sử dụng mọi phương pháp để phá rối cặp đôi. Tuy nhiên thì ý nghĩa của tục lệ này cũng là sự mong đợi hạnh phúc. Họ tin rằng những âm thanh càng khó chịu, càng gây rối cô dâu, chú rể trong đêm tân hôn thì họ sẽ càng có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc sau này. Bởi vậy, nên cũng thật khó trách móc những người mong điều tốt đến cho đôi vợ chồng.
Trò chơi bắt cóc
Đám cưới là một ngày vui, có nơi người ta góp vui bằng cách ca hát, nhảy múa nhưng ở Romania và một số nước châu Âu khác, họ lại chọn chơi trò chơi. Trò chơi này khá táo bạo. Cô dâu sẽ bị bắt cóc ngay trước hoặc trong lễ cưới.
Cô dâu bị bắt cóc bởi gia đình, bạn bè, hoặc thuê diễn viên đóng vai kẻ bắt cóc. Nhiệm vụ giải cứu đương nhiên phải thuộc về chú rể. Chàng phải chuộc vợ bằng cách đưa tiền, chuộc bằng đồ uống hoặc những cử chỉ lãng mạn hay bất cứ điều gì mà "người bắt cóc" yêu cầu.
Theo Cultruretrip, Lifebuzz, Bricles