Dự án này có tên "Thyroid Change – Vì những người phụ nữ tôi yêu", do quỹ "The Merck Family" cùng Bệnh viện (BV) Nội tiết Trung ương phối hợp tổ chức.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 triệu người mắc bệnh tuyến giáp. Rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng mọi lứa tuổi, tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới gấp 10 lần nam giới.
Riêng đối với phụ nữ có thai, nếu mắc bệnh cường giáp có thể đẻ non hoặc bị tiền sản giật. Ngoài ra, mẹ sẽ có nguy cơ cao bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp.
Cường giáp không được kiểm soát tốt dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu và có thể bị dị tật bẩm sinh. Đó là lý do tại sao điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai là hết sức quan trọng
Một phụ nữ bị bệnh lý tuyến giáp điều trị tại một BV ở TP.HCM.
Dù vậy, có đến 50% người mắc bệnh không được chẩn đoán do triệu chứng bệnh không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác cũng như nhầm lẫn với những biểu hiện thường ngày của cuộc sống bận rộn.
TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, chỉ tính riêng tại đây các bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp đến khám và điều trị ngày càng tăng. Cụ thể, nếu năm 2014 chỉ có 27.445 lượt bệnh nhân đến khám thì đến năm 2015 là hơn 22.500 lượt, năm 2016 là gần 60.00 lượt và đến hết năm 2017 con số này lên đến gần 75.000 lượt, tăng gần 3 lần chỉ trong vòng 4 năm.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng và phát triển chương trình giáo dục công để tăng tỷ lệ người phụ nữ có nguy cơ cao đi khám bệnh, cũng như các chương trình khám sàng lọc sớm tại bệnh viện để chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Đại diện BV Nội tiết TW và đối tác ký thỏa thuận hợp tác cho dự án "Vì những người phụ nữ tôi yêu".
Với sự phối hợp của BV Nội tiết Trung ương, dự án "Vì những người phụ nữ tôi yêu" sẽ được vận hành với 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Gia tăng nhận biết bằng video "Vì những người phụ nữ tôi yêu", với những số liệu đáng báo động về bệnh tuyến giáp để khuyến khích những người có nguy cơ, đặc biệt là phụ nữ nên tầm soát.
Giai đoạn 2: Tầm soát miễn phí tại 15 bệnh viện trên khắp cả nước bao gồm các tỉnh dự kiến: Bắc Ninh, Nghệ An, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hoá, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ.
Giai đoạn 3: Xây dựng diễn đàn chia sẻ và tổng kết với những trường hợp điều trị thành công, giúp bệnh nhân tuyến giáp có nơi chia sẻ tình trạng bệnh, an ủi, động viên và nhận lời khuyên từ bác sĩ để cuộc sống tươi đẹp hơn.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế hi vọng dự án giúp phụ nữ và trẻ em có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cải thiện chất lượng cuộc sống.
"Một trong những biện pháp bền vững giúp cải thiện sức khoẻ cho người dân Việt Nam chính là nâng cao nhận thức về các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý tuyến giáp vì có thể chữa trị nếu phát hiện sớm. Đây cũng là một trong những bệnh lý được ưu tiên trong các chương trình y tế quốc gia.
Dự án lần này sẽ góp phần to lớn vào việc tầm soát bệnh lý tuyến giáp cho phụ nữ và trẻ em có nguy cơ cao, từ đó giúp họ phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời", TS.BS Phan Hướng Dương chia sẻ.
Ban quản lý dự án hi vọng có thể hỗ trợ khoảng 50.000 phụ nữ và trẻ em có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cải thiện chất lượng cuộc sống.