Đó là kinh nghiệm vay tiền người thân, bạn bè để mua nhà của chị Dương Oanh. Hiện chị Oanh đang sống tại Hà Nội trong ngôi nhà vợ chồng chị từng mua bằng chính số tiền vay mượn được của những người thân, bạn bè mình.
Khi chia sẻ về hành trình dài vay tiền của người thân, bạn bè mua nhà, chị Dương Oanh kể rằng: "Từ khi lấy chồng, mình luôn nghĩ rằng, chắc hẳn mình không bao giờ mua được nhà. Lý do bởi vì cả 2 vợ chồng mình đều làm công ăn lương, chưa biết buôn bán đầu tư. Bố mẹ hai bên thì cũng không dư giả nhiều để cho tiền. Mình luôn tâm niệm sẽ tích cóp để về quê xây nhà, sau này về hưu sẽ về đó ở".
Cho đến một ngày, bỗng dưng vợ chồng chị Dương Oanh có một cơ hội gõ cửa: "Đó là anh làm cùng công ty có nhu cầu bán nhà. Vì anh cần tiền nên bán khá rẻ - 450 triệu. Bản thân anh muốn tìm người quen để bán cho đỡ phí. Vì thế lúc đó mình mới nảy ra ý tưởng mua nhà. Năm ấy là năm 2008, vợ chồng mình lúc đó có khoảng 50 triệu trong tay".
Do ngày đó việc làm thủ tục vay ngân hàng không dễ. Chưa kể căn nhà vợ chồng chị Dương Oanh quyết mua lại chưa làm xong sổ đỏ. Vì thế người phụ nữ này đã mua nhà với chiến lược vay mượn người thân, bạn bè mỗi người 1 chút để tích gió thành bão, tích tiểu thành đại.
Kể về hành trình vay mượn tiền mua nhà của mình, chị Dương Oanh tâm sự: "Đầu tiên, mình tính toán xem bản thân có bao nhiêu tiền. Vợ chồng mình thì chỉ có 50 triệu. Tính xem số tiền còn thiếu là bao nhiêu.
Tiếp theo, mình về quê trao đổi với bố mẹ hai bên rõ ràng. Chúng con cần mua nhà, số tiền chúng con thiếu khá nhiều. Chúng con muốn hỏi xem bố mẹ hỗ trợ cho chúng con được bao nhiêu để chúng con tính toán vay tiếp. Ngày đó, bố chồng mình cho 50 triệu, mẹ đẻ mình cho 100 triệu. Như vậy là còn thiếu khoảng 250 triệu.
Phần còn lại mình tính toán vay khắp nơi. Hai vợ chồng cãi nhau như cơm bữa, chồng mình lúc nào cũng câu: Ai người ta cho mình vay, mà vay rồi thì lấy tiền đâu mà trả.
Mình thì có tính toán riêng của mình. Dự định của mình là cứ vay đủ số tiền mua đã. Sau đó, nếu không đủ tiền trả cho mọi người thì mình sẽ bán. Nhà mình mua khá rẻ nên khả năng lỗ không có. Dù bán lỗ thì mình chắc chắn còn một số vốn do bố mẹ hai bên cho. Tự dưng không mua nhà thì các cụ cũng không cho tiền làm gì.
Với Dương Oanh, cả đời cô từ bé đến khi ấy chưa bao giờ vay mượn nợ nần ai. Nhưng khi cô đặt vấn đề vay để mua nhà, tất cả bạn bè người thân đều ủng hộ nhiệt tình. Khi đi vay mượn tiền mua nhà, Dương Oanh áp dụng 1 nguyên tắc: "Vay nhiều thì phải trả lãi hoặc trả sớm. Vay ít thì phải thỏa thuận với người cho vay là có thể lâu lâu mới trả được. Và vay không lãi thì chỉ vay tối đa 10 triệu một người, ai cho vay nhiều hơn cũng không vay".
Nhiều người bạn của Dương Oanh cứ hỏi Oanh rằng, sao mua nhà mà vơ bèo vạt tép thế. Nhưng Dương Oanh có cách nghĩ riêng: "Mình nghĩ, 10 người, mỗi người cho vay 5 triệu là mình đã có 50 triệu rồi. Con số rất lớn với mình. Và khi 1 người đòi 5 triệu, rất dễ xoay sở để trả. Chính vì có cách vay tiền người thân, bạn bè như vậy mà chỉ trong vòng 1 tuần thì mình vay đủ số tiền mua nhà. Chỉ 50% trong số đó là vay lãi theo lãi tiền gửi ngân hàng còn lại không phải chịu lãi".
Cứ thế, sau 10 năm khó khăn, xoay ra làm thêm đủ kiểu, Dương Oanh mới trả hết các khoản nợ. Thậm chí, có những khoản nợ lâu quá, người cho vay cũng không ý kiến gì nhưng Dương Oanh tự biết ý, tự động quy ra vàng để trả.
Qua hành trình 10 năm vay tiền người thân, bạn bè để mua căn nhà nhỏ của mình, bản thân người phụ nữ trẻ này luôn thuộc lòng và áp dụng 6 bài học sau để vay mượn suôn sẻ và được lòng người cho vay tiền. Cụ thể:
1. Luôn uy tín khi vay tiền người khác
Theo Dương Oanh cho biết, để người khác cảm giác mình là người đáng tin cậy thì cô luôn phải xây dựng uy tín cho mình từ khi còn trẻ. Dương Oanh luôn trân trọng và gìn giữ uy tín ấy trong suốt hành trình cuộc sống. Nhờ nó mà khi cô hỏi vay tiền cực kỳ dễ, thậm chí có một số người còn hỏi: Có tiền đấy, có vay không?
2. Khi không thực sự cần thì không nên vay mượn ai
Chỉ khi thực sự cần thiết cần đến tiền, giống như kiểu bạn lâm vào đường cùng thì mới nên vay mượn tiền người khác. Còn khi không thực sự cần thì không nên vay mượn ai. Tuyệt đối: "Đừng lợi dụng sự tin tưởng của mọi người dành cho mình để làm giàu cho cá nhân", Dương Oanh khẳng định.
3. Luôn cố gắng giúp đỡ mọi người khi có thể
Trong cuộc sống, nên luôn cố gắng giúp đỡ mọi người khi có thể nhưng không cần nghĩ rằng họ sẽ giúp lại mình: "Người mình giúp có thể họ vẫn còn khó khăn không giúp lại mình được. Nhưng người giúp mình thì đôi khi cả cuộc đời họ cũng không cần mình trả ơn".
4. Khi vay mượn tiền, hãy chân thành và rõ ràng
Khi phải vay mượn tiền, hãy chân thành và rõ ràng. Đến ngày trả nợ, dù có khó khăn đến đâu cũng phải trả bằng mọi cách. Đôi khi khó khăn không kịp xoay sở, hãy nói với họ trước khi họ phải lên tiếng. Nhưng, chỉ nên khất nợ 1 lần thôi vì tiền liền khúc ruột. Đừng khiến người giúp đỡ ta phải lo lắng hay thất vọng vì đã cho bạn vay tiền.
5. Đừng trách cứ, giận hờn người đã không cho mình vay
Thực tế, khi hỏi vay tiền sẽ có 1 số người không cho mình vay. Với những người này, dù mối quan hệ của bạn có thân quen đến đâu cũng đừng trách cứ giận hờn họ.
"Bởi họ cũng giống mình thôi, đôi khi mình chưa đủ lòng tin, đôi khi lo lắng vì sợ rủi ro, đôi khi mình có những khó khăn không thể trình bày với người khác. Vậy nên, cứ mạnh dạn hỏi vay tiền, nhưng đừng tỏ thái độ với bất kỳ ai chưa giúp đỡ mình. Chỉ là cả hai chưa đủ duyên thôi", Dương Oanh khẳng định.
6. Trân trọng các mối quan hệ quanh mình
Điều cuối cùng theo người phụ nữ này đó là hãy yêu thương và trân trọng tất cả các mối quan hệ quanh ta. Nếu bạn chưa nhờ vả ai, chưa vay mượn ai thì coi đó là hạnh phúc mà bạn có được. Do đó, hãy luôn chân thành, luôn giữ lời hứa, luôn đúng giờ, luôn phấn đấu để một ngày nào đó có thể giúp được càng nhiều người càng tốt.