Mua nhà đất chưa sổ đỏ, nhà sổ chung giá rẻ đã khiến rất nhiều người đã phải mất tiền oan hoặc trong quá trình ở xảy ra tranh chấp, kiện tụng và phải nhờ cả tòa án vào làm việc nhưng vẫn không thể đòi lại tiền của mình. Bởi họ đã không nắm rõ những quy tắc trong quá trình giao dịch mua nhà đất chưa sổ đỏ, nhà sổ chung mà chỉ có trích lục bản đồ.
Trích lục bản đồ địa chính là cơ sở để người sử dụng đất biết diện tích, hình dáng, vị trí,.. của thửa đất trên thực tế mà mình giao dịch.
Khi giao dịch mua những ngôi nhà chưa sổ đỏ, nhà sổ chung thì chủ nhà thường sẽ chỉ cung cấp cho người mua trích lục bản đồ để làm chứng phần thửa đất trên thực tế đã giao dịch.
Vậy phương pháp và cách thức giao dịch những ngôi nhà chỉ có trích lục bản đồ sẽ được thực hiện như thế nào.
1. Tìm hiểu nguồn gốc đất
Bạn phải tìm hiểu ngôi nhà này nằm ở vị trí nào, nguồn gốc ra sao. Có những ngôi nhà không có sổ đỏ vì nó nằm trong khu quy hoạch, đất bị thu hồi, đất đang tranh chấp, đất nông nghiệp,... Mua đất nằm trong những trường hợp này sẽ không được đền bù vì không có sổ đỏ.
Việc kiểm tra này để chính xác bạn có thể lên địa chính phường/xã hoặc Phòng Tài nguyên của quận/huyện để hỏi.
2. Xem kỹ miếng đất có được xây dựng hay không
Bạn cần tìm hiểu miếng đất có được xây dựng hay không. Nếu ở vào trường hợp không được xây dựng, người bán chỉ dựng tạm nhà thì dễ lầm tưởng là có thể xây dựng được và nghe lời hứa hẹn sẽ dễ rơi vào rủi ro sau khi mua.
3. Kiểm tra giấy tờ bên bán
Bạn phải kiểm tra rõ người đứng tên trên trích lục bản đồ có phải người đứng ra bán cho bạn bây giờ hay không. Bạn cần kiểm tra cả tên vợ, tên chồng, chứng minh thư, giấy tờ tùy thân,... trên bản trích lục bản đồ có trùng khớp với giấy tờ hiện tại họ đang sở hữu hay không.
4. Viết giấy tờ hợp đồng bằng tay hoặc đánh máy/ Làm hợp đồng vi bằng
Khi giao dịch với những bất động sản chỉ có trích lục bản đồ thì bắt buộc bạn phải làm giao dịch mua bán bằng giấy tờ viết tay (hoặc đánh máy) và có ký tên giữa hai bên.
Thêm nữa, bạn có thể làm thêm một hồ sơ vi bằng. Theo anh Hoàng Anh (đại diện của HaNoi Home - Kênh thông tin mua bán bất động sản tại Hà Nội) thì trên pháp luật hợp đồng vi bằng có hiệu lực như bên công chứng.
Ví dụ: Bên công chứng có thể công chứng được cho những ngôi nhà có sổ đỏ thì bên vi bằng sẽ làm xác nhận quá trình giao dịch giữa bên bán và bên mua đối với những trường hợp nhà không sổ.
Một hồ sơ vi bằng có chi phí thực hiện từ 3-4 triệu. Sẽ có một người giống như công chứng viên để xác nhận và làm chứng cho giao dịch mua bán của hai bên.
5. Trong tất cả quá trình cần quay video, ghi âm/nhờ hàng xóm xung quanh điểm chỉ làm chứng
Trong tất cả quá trình làm việc mua bán giữa hai bên bạn cần quay video, ghi âm. Thêm nữa, bạn nên nhờ các hàng xóm xung quanh điểm chỉ làm chứng vào những tờ giao dịch. Đây là cách giúp bạn có bằng chứng để sau này nếu xảy ra trường hợp ra tòa sẽ có lợi thế cho bản thân. Thêm người ở bên lập vi bằng (làm ở bước 4) sẽ giúp bạn tránh mất tiền oan.
6. Các giao dịch đều phải qua ngân hàng
Việc chuyển khoản tiền giao dịch thực hiện qua ngân hàng. Khi chủ nhà nhận tiền thì sẽ phải kí vào hóa đơn biên nhận tiền của bên ngân hàng. Đây cũng là một bằng chứng từ bên thứ ba để bạn chắc chắn hơn trong các giao dịch mua bán nhà chỉ có trích lục bản đồ.
Rủi ro khi mua bất động sản này bạn cần biết để cân nhắc thật kỹ
Ưu điểm của những ngôi nhà chỉ có trích lục bản đồ là giá rẻ hơn so với thị trường rất nhiều. Thế nhưng khi mua sẽ tồn tại những rủi ro "khôn lường". Bởi bản chất bất động sản này đã khó trong quá trình xác minh ai là chủ sở hữu.
Nếu sau này có tranh chấp sẽ khó cho người đi mua, có xảy ra kiện tụng nhiều trường hợp bạn sẽ phải trao trả lại tài sản. Khi đó bất động sản vẫn còn nhưng tiền đã trao cho chủ nhà thì rất khó đòi lại.
Thêm nữa, nếu gặp trường hợp chủ nhà hiểu về pháp luật thì có thể xảy ra trường hợp hi hữu sau: Khi thấy đất lên giá, người bán có thể kiện bạn ra tòa để trả lại tiền đòi lại đất. Mục đích là để bán lại với giá cao hơn. Như vậy bạn sẽ bị mất trắng khoảng thời gian và công sức giao dịch thậm chí là một phần tiền bạc cho các bên liên quan nếu có phát sinh trong quá trình mua nhà.
Ngoài ra khi mua loại bất động sản này bạn không thể linh động trong việc mua bán. Khi mua nhà thiếu tiền bạn không thể vay ngân hàng và thế chấp sổ đỏ. Quá trình bán sau này cũng rất khó khăn.
Trường hợp bất động sản này có tiềm năng làm được sổ đỏ hoặc có thể làm sổ đỏ mà gia chủ chưa có đủ tiền làm thì lời khuyên là bạn nên làm hợp đồng đặt cọc đúng khoản tiền làm sổ. Sau đó hai bên thực hiện mua bán sẽ đảm bảo hơn.
Bài viết được ghi lại theo sự tư vấn thông tin của HaNoi Home