Những bài tập yoga sở hữu rất nhiều lợi ích, từ cải thiện tình trạng tim mạch, tăng cường dẻo dai, linh hoạt cho xương khớp cho đến giảm thiểu căng thẳng, lo lắng. Tuy vậy, khi hình thức tập luyện này ngày càng trở nên phổ biến, rất nhiều người vẫn không đạt được những lợi ích đó.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Bodywork của Anh cho biết, chỉ có 2/3 số người tập nhận được những tác động tích cực từ yoga. Số còn lại thường gặp phải những cơn đau nhức, thậm chí chấn thương trong quá trình luyện tập.
Chỉ 2/3 số người tập nhận được những tác động tích cực từ yoga.
Linda Boryski, nhà nghiên cứu vật lý trị liệu kiêm chuyên viên hướng dẫn yoga tại Đại học Saskatchewan cho biết, yoga đòi hỏi sự tập trung tinh thần, sức khỏe thể chất cũng như độ chính xác cao trong quá trình tập. Bất cứ cách tiếp cận không đúng hoặc động tác không phù hợp nào đều có thể để lại những cơn đau mỏi cơ, thậm chí chấn thương nghiêm trọng. Để hạn chế tình trạng này, hãy tham khảo một số biện pháp sau đây:
Tìm hiểu kĩ động tác trước khi tập
Tham khảo ý kiến chuyên gia cũng như tìm hiểu kĩ lưỡng về những động tác định tập là điều quan trọng giúp bạn tránh chấn thương khi tập yoga không đáng có. Valerie Brett Shaindlin, chuyên viên hướng dẫn yoga tại Honolulu cho biết, những người mới tập không nên theo đuổi những động tác đòi hỏi uốn và bẻ khớp nhiều.
Tuy mang lại hiệu quả cao, những động tác này đòi hỏi độ dẻo dai và dễ dàng mang đến chấn thương cho những người mới tập. Do vậy, đừng lười nhác bỏ qua những động tác cá nhân căn bản trước khi hướng tới các động tác phức tạp của tập thể.
Tham khảo ý kiến chuyên gia cũng như tìm hiểu kĩ lưỡng về những động tác định tập là điều quan trọng giúp bạn tránh được những chấn thương khi tập yoga không đáng có.
Biết được điểm yếu của mình
Mỗi cá nhân sẽ sở hữu đặc điểm sức khỏe và những vấn đề cơ địa đặc trưng không giống ai. Mercedes Eustergerling, chuyên viên vật lý trị liệu ở Calgary, Canada cho hay, một người bị viêm khớp, chấn thương tại đầu gối đương nhiên không nên tiến hành các bài tập gây áp lực lớn cho khu vực này.
Tương tự như vậy, những chấn thương tại các khu vực khác cũng cần hết sức lưu tâm và chú ý tránh các tác động mạnh. Tốt hơn hết, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y khoa, kết hợp với gợi ý của người hướng dẫn yoga để quyết định bài tập nào phù hợp nhất với bản thân.
Lựa chọn lớp học không quá đông
Theo tiến sĩ Boryski, lựa chọn quy mô lớp học cũng khá quan trọng với người tập yoga, đặc biệt những người mới bắt đầu. Đừng quá tham lam những khóa học rẻ mà quy mô lớp quá lớn, người hướng dẫn sẽ khó theo sát và xử lý những vấn đề phát sinh. 1 giáo viên và 8 học viên là tỉ lệ lý tưởng cho những lớp học dạng này. Đặc biệt, nếu bạn đã có tuổi, hãy gạt ngay những lớp yoga mà tần suất tập luyện cao. Chúng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây nên chấn thương cho bạn.
1 giáo viên và 8 học viên là tỉ lệ lý tưởng cho những lớp học yoga.
Đừng ngại ngần tìm kiếm sự trợ giúp
Đừng ngại ngần lên tiếng khi gặp thắc mắc hay khó khăn trong những động tác tập luyện. Cố gắng chịu đựng cơn đau và hi vọng chúng sẽ không còn vào lần tập sau là điều không nên bởi rất có thể bạn đã thực hiện sai động tác.
April Dominick, bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu tại Trung tâm Y tế Memorial Hermann ở Houston, Texas cho biết, không chỉ tiềm ẩn những vấn đề về chấn thương, tập sai động tác còn mang đến những biến chứng sức khỏe về lâu dài. Do đó, đừng chần chừ lên tiếng khi cảm thấy bất ổn trong những bài tập của mình.
Hiểu rõ giới hạn bản thân
So sánh với những người cùng tập sẽ mang đến cho bạn động lực tập luyện to lớn. Tuy nhiên, đừng vì điều này mà cố gắng quá sức để lại những chấn thương nghiêm trọng. Deborah Quilter, nhà trị liệu yoga tại Trung tâm Martha Stewart đồng thời là người sáng lập Dự án Điều trị Balance cho các bệnh nhân tại Bệnh viện MountSinai Hospital, New York cho biết, nếu thấy quá khó khăn để thực hiện một động tác nào đó khi cả lớp đều đã làm được, đừng cố ép bản thân mà hãy tìm kiếm sự trợ giúp của người hướng dẫn.
Trong trường hợp không thể thực hiện được, hãy mạnh dạn đề xuất bỏ qua động tác đó và thử lại sau. Nên nhớ, cơ thể mỗi người mỗi khác và không ai hiểu rõ cơ thể bạn bằng chính bản thân bạn là nguyên tắc hàng đầu tránh chấn thương khi tập yoga.
Làm chủ tiến độ tập luyện
Những bài tập yoga không đòi hỏi người tập thực hiện quá nhanh nên hãy từ tốn tập luyện để tránh những chấn thương không đáng có. Tiến sĩ Boryski cho biết, thành thục một động tác trước khi chuyên sang động tác khác sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn là tập ồ ạt hàng loạt động tác mà không cái nào hoàn thiện. Do vậy, đừng nhìn những người tập lâu mà tham lam đẩy nhanh tiến độ tập luyện. Rất có thể bạn đang tự đẩy mình đến với những chấn thương nguy hiểm.
(Nguồn: Pre)