1. Ghi nhớ thay cho ghi chép
Các nghiên cứu về thể dục não bộ đã cho thấy, việc ghi nhớ những sự việc rồi sau đó thảo luận với những người khác có thể tăng cường trí nhớ một cách đáng kể cho não bởi đây là những hoạt động bao gồm mọi cấp độ tham gia của não bộ - ghi nhận, ghi nhớ và suy nghĩ. Nhờ đó, chức năng của não bộ được cải thiện rõ rệt.
Cách thực hiện cũng rất đơn giản bởi đây hoàn toàn là những tình huống thường ngày, bạn có thể nhớ và đưa ra nhận xét về một bài thuyết trình của đồng nghiệp, hoặc bạn cũng có thể kể cho bạn bè nghe về những tác phẩm xuất sắc mà bạn thấy được ở bảo tàng. Đây đều là những cơ hội vàng để bạn có thể khiến trí óc trở nên linh hoạt hơn.
Vậy làm thế nào để nhớ những thứ mà bạn đã nhìn thấy? Hãy lặp lại. Ví dụ, khi một người lạ giới thiệu tên bạn với họ, thay vì nói: “Rất vui khi được biết bạn.”, hãy nói rằng: “Chào X, rất vui khi được biết bạn.”
2. Lặp đi lặp lại những điều mới lạ…
Khi bạn thực hiện một việc gì đó liên tục, não bộ sẽ hình thành cho bạn “cách thức” để tối ưu hóa quy trình này nhanh và hiệu quả hơn. Giống như cái cách mà bạn ăn uống hồi nhỏ, tay bạn mặc dù có lực cầm đũa hay thìa nhưng lại vô cùng lóng ngóng và vụng về, nhưng về lâu dài, bạn trở nên thuần thục hơn và có thể ăn giống như người lớn.
Vậy làm thế nào để ứng dụng sự lặp lại vào cuộc sống?
Hãy kiến thiết những con đường thần kinh trong trí não bạn bằng cách thực hiện những việc dù là nhỏ nhất trong cuộc sống. Khi thấy một mảnh giấy trên mặt đất, hãy nhặt nó lên và bỏ vào thùng rác, hoặc làm bất cứ điều gì với nó. Khi trì hoãn không muốn dọn dẹp tủ bàn của mình? Trước hết hãy cứ nhặt một món đồ và đặt vào đúng chỗ. Hãy định hướng cho não bộ của bạn về thói quen đúng đắn, từ đó, bạn sẽ không còn là kẻ trì hoãn mà sẽ bắt đầu học cách làm chủ cuộc chơi.
3. Học hỏi điều mới lạ
Điều này nghe có vẻ thừa thãi, nhưng sự thật là nếu bạn sử dụng não càng nhiều thì cơ quan này sẽ càng ngày càng hoạt động có năng suất hơn. Ví dụ, việc học chơi một loại nhạc cụ sẽ khiến bạn đạt được kĩ năng dịch bản nhạc trên giấy ra những nốt nhạc cụ thể. Hoặc nếu bạn học một thứ ngôn ngữ mới, bạn cũng sẽ có một phương thức mới để tư duy và biểu đạt.
4. Vận động cơ thể
Tập thể dục không những tốt cho cơ thể mà còn có những tác động tích cực đối với não bộ của bạn. Kể cả một bài thể dục ngắn khoảng 20 phút cũng tạo điều kiện cho quá trình xử lí thông tin và ghi nhớ diễn ra tốt hơn, hơn thế nữa, việc vận động còn khiến não bạn tạo ra nhiều liên kết thần kinh hơn. Do đó, bạn sẽ tỉnh táo, tiếp thu nhanh hơn và làm việc hiệu quả hơn chỉ nhờ việc rèn luyện thân thể.
5. Ở bên những người mình thương yêu
Nếu bạn muốn đạt được khả năng nhận thức tối ưu thì đã đến lúc bạn phải xác định rõ những mối quan hệ có ý nghĩa đối với mình.
Việc trò chuyện và chia sẻ với những người ta yêu quý giúp mọi suy nghĩ trở nên rạch ròi hơn cũng như tâm trạng cải thiện một cách đáng kể. Đặc biệt là với những người hướng ngoại bởi việc giao tiếp với người khác đối với họ giống như một bước trong quá trình tiếp nhận và xử lí những ý tưởng trong não bộ.
6. Ăn uống lành mạnh
Những loại thực phẩm như thịt cá, rau tươi và trái cây giúp cho não bộ của bạn hoạt động tối ưu. Ngoài ra, socola đen cũng là một loại thực phẩm thúc đẩy não làm việc tốt hơn. Khi bạn ăn socola, não của bạn sản sinh ra dopamine - giúp bạn học nhanh hơn và ghi nhớ tốt hơn. Chưa kể, flavonol, chất chống oxi hóa có trong socola, cũng cải thiện chức năng não của bạn. Vì vậy, nếu có công việc khó nhằn, hãy cắn một hoặc hai miếng socola đen!
(theo Life Hack)