Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu tổ chức của các công ty có xu hướng ngày càng “phẳng” hơn với số thang nấc cấp bậc ngày càng ít đi. Đó là chưa kể đến nhiều tổ chức có mô hình quản trị theo kiểu ma trận với nhiều nhà quản lý theo ngành dọc và ngang cùng chi phối công việc của các nhân viên cấp dưới. Ở một số tổ chức có quy mô nhỏ, cơ hội thăng chức hạn chế lại là điều hiển nhiên.
Trong bối cảnh đó, chức vụ hay vị trí không còn là yếu tố lớn nhất tạo ra ảnh hưởng cho một nhà lãnh đạo. Theo Jo Miller - Tổng giám đốc của Women’s Leadership Coaching, Inc., một tổ chức hỗ trợ phát triển kỹ năng lãnh đạo dành cho nữ giới, nhà lãnh đạo ngày nay nên tạo ra ảnh hưởng bằng nhiều cách sau đây mà không phải lệ thuộc vào chức vụ hay quyền lực.
1. Ảnh hưởng bằng vị trí
Chức vụ, vai trò chính thức của một nhà quản lý “ngầm” thể hiện quyền lực của nhà quản lý ấy. Ảnh hưởng bằng vị trí thường được đánh giá cao quá mức so với các hình thức tạo ra ảnh hưởng khác.
Nhiều người đơn giản nghĩ rằng chỉ cần có chức vụ là mình có thể ngay lập tức tạo ra ảnh hưởng hay điều khiển người khác. Miller khuyên các nhà lãnh đạo nên hạn chế tạo ra sự ảnh hưởng bằng cách này.
2. Ảnh hưởng bằng chuyên môn
Bằng kiến thức, trình độ chuyên môn, các bằng cấp và thành tích đạt được, nhà lãnh đạo cũng có thể tạo ra sự ảnh hưởng lên người khác.
Nora Denzel là một thành viên hội đồng quản trị của các công ty Ericsson, Saba và Outerwall. Khi trò chuyện với các nhà lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực kỹ thuật tại một cuộc hội nghị dành cho phụ nữ, Denzel nói với họ rằng: “Điều quan trọng không phải là bạn hiểu biết được điều gì, cũng không phải là bạn đang quen biết ai mà là có ai biết bạn đang có những hiểu biết gì không”.
Các đồng nghiệp và cấp trên của một nhà quản lý có biết được khả năng chuyên môn của anh ta hay không? Nếu không, nhà quản lý cần phải tìm cơ hội để những người xung quanh hiểu được năng lực chuyên môn, trình độ, đẳng cấp của mình, từ đó tạo ra ảnh hưởng lên người khác.
3. Ảnh hưởng bằng các nguồn lực
Nhà lãnh đạo có khả năng thu hút và sử dụng các nguồn lực cần thiết để thực hiện công việc của mình. Khi các nguồn nhân lực và tài lực của công ty có giới hạn, nhà lãnh đạo cần phải chứng minh được rằng việc phân bổ các nguồn lực này cho mình là một hướng đầu tư đúng đắn.
Nhà lãnh đạo cũng không nên phạm phải sai lầm khi từ chối những nguồn lực được cung cấp thêm cho mình khi những nguồn lực ấy có thể giúp nhà lãnh đạo hoàn thành tốt công việc.
Hãy thương lượng để có được những nguồn lực cần thiết và sử dụng chúng một cách hiệu quả. Khi ấy, nhà lãnh đạo sẽ được tin tưởng và được đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa trong tương lai.
4. Ảnh hưởng bằng thông tin
Hãy chủ động tìm hiểu thông tin về những thay đổi đang diễn ra trong tổ chức như các dự án mới, các cơ hội, việc phân bổ lại các nguồn lực, ngân sách, các kế hoạch dài hạn… trước khi chúng được công bố chính thức.
Nếu làm được như thế, nhà lãnh đạo cũng có thể ra các quyết định nhanh hơn và chính xác hơn. Dần dần, mọi người trong tổ chức sẽ tin tưởng vào khả năng ra quyết định của nhà lãnh đạo.
Khi điều ấy xảy ra cũng có nghĩa là nhà lãnh đạo đã vận dụng thành công kỹ năng tạo ra ảnh hưởng bằng thông tin.
5. Ảnh hưởng trực tiếp
Nhà lãnh đạo thể hiện sự công bằng, chuyên nghiệp, kiên định và nhất quán khi một nhân viên nào đó hành xử không đúng mực.
Ở đây, việc lãnh đạo và dạy dỗ con cái có nhiều điểm tương đồng. Cha mẹ cần phải can thiệp khi con cái có những hành vi hay phản ứng có thể gây ra tổn hại cho bản thân của chúng và người xung quanh.
Đôi khi, nhà lãnh đạo cũng cần phải làm điều tương tự với nhân viên, nghĩa là sử dụng ảnh hưởng trực tiếp của mình để điều chỉnh hành vi của nhân viên bằng sự giáo huấn nghiêm khắc.
Những nhà lãnh đạo giỏi nhất thường làm việc này một cách kiên định, công bằng, trực tiếp và bí mật (để giữ hình ảnh cho nhân viên trước các đồng nghiệp khác). Họ cũng dành thời gian để chia sẻ tầm nhìn của mình với những nhân viên có hành vi chưa tốt, kèm cặp, dẫn dắt những nhân viên ấy như một người thầy.
Những nhà lãnh đạo làm tốt việc này thường sẽ được nhân viên rất tôn trọng. Bằng cách sử dụng sự ảnh hưởng trực tiếp, nhà lãnh đạo có thể tạo ra sự khác biệt trong sự nghiệp của một cá nhân.
6. Ảnh hưởng bằng quan hệ
Đó là ảnh hưởng được hình thành khi nhà lãnh đạo xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp trong công việc với những người mà mình tin cậy và muốn thực hiện công việc thông qua những người ấy cũng như những người mà nhà lãnh đạo tương tác cùng trong quá trình làm việc.
Tiến sĩ Sophie Vandebroek - Giám đốc công nghệ của Xerox đã từng nói: “Nếu chỉ có một ý tưởng hay thôi thì vẫn chưa đủ. Tôi đã từng chứng kiến nhiều dự án được đứng đầu bởi những nhà lãnh đạo tài giỏi và nhiệt huyết nhưng đi đến thất bại vì những nhà lãnh đạo này chỉ cố gắng làm một người tạo ảnh hưởng duy nhất lên những người khác. Nhà lãnh đạo cần phải tập hợp được những người phù hợp lên cùng “con thuyền” của mình. Nhà lãnh đạo cần tạo ra được sự gắn kết với toàn thể nhân viên”.
Bằng cách hợp tác với những người hiểu và tin tưởng mình, nhà lãnh đạo sẽ có thể tạo ra nhiều kết quả to lớn hơn.
Theo ĐÔNG DƯƠNG
DNSGCT/Be Leaderly