Để có một sức khỏe tốt, hàng ngày cơ thể phải làm công việc quen thuộc là chuyển hóa, bài tiết các chất "rác" ra ngoài. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lối sống bất hợp lý sẽ khiến lượng "rác" quá nhiều, cơ thể cũng không loại bỏ kịp.
Nếu không "dọn dẹp" kịp, hãy coi chừng "rác" trong cơ thể sẽ biến thành độc tố và bệnh tật "kéo đến cửa". Dưới đây là 6 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đã bị "quá tải vì rác":
1. Táo bón: "Rác" quá mức trong đường ruột
Mất khoảng 1-2 ngày kể từ khi thức ăn đi vào đường tiêu hóa và cuối cùng là thải ra ngoài. Nếu khoảng cách giữa các lần đi tiêu lớn hơn 3 ngày, táo bón có thể xảy ra.
Táo bón lâu dài cho phép một lượng lớn "rác thực phẩm" tích tụ trong ruột, từ đó gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Trong trường hợp nghiêm trọng, nó thậm chí sẽ dẫn đến suy yếu chức năng của các cơ quan khác nhau trong cơ thể và giảm sức đề kháng.
2. Béo phì: "Rác" trong máu quá nhiều
Cholesterol, protein, đường... là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người mỗi ngày, nhưng nếu bạn tiêu thụ quá nhiều, chúng sẽ trở thành một loại "rác".
Sự tích tụ của các chất này sẽ làm cho máu nhớt, xơ cứng động mạch, dễ gây hen suyễn, tim đập nhanh, rối loạn nội tiết, bệnh tim mạch...
3. Nám: Gan dư thừa "rác"
Gan là một cơ quan quan trọng để "xử lý" rượu, thuốc và chất dinh dưỡng. Nếu tiêu thụ quá nhiều rượu, chất kích thích, chất béo... gan sẽ không thể xử lý và loại bỏ được hết, phần còn lại sẽ trở thành "rác" trong gan. Nếu lượng "rác" trong gan này quá nhiều có thể sẽ dẫn đến mất cân bằng nội tiết và nám trên da, thậm chí cả ngộ độc gan.
4. Mụn trứng cá: Da bị thừa "rác"
Mụn trứng cá là một bệnh viêm da mãn tính của nang lông và tuyến bã nhờn.
Thiếu các nguyên tố vi lượng, căng thẳng về tinh thần và chế độ ăn uống không hợp lý là những nguyên nhân có thể gây rối loạn chuyển hóa da. Mụn trứng cá có thể được kích hoạt bởi các chất "rác" làm tắc nghẽn lỗ chân lông và nang lông.
5. Hôi miệng: "Rác" quá mức trong lá lách và dạ dày
Một số người đánh răng mỗi ngày, nhưng họ vẫn không thể thoát khỏi hơi thở hôi, đó có thể là dấu hiệu cho thấy "rác" trong lá lách và dạ dày vượt quá mức cho phép.
Những người có lá lách, dạ dày yếu sẽ có chức năng tiêu hóa kém, phân hủy thức ăn không hoàn toàn và luôn tích tụ lại một phần trong dạ dày. Từ đó sẽ phát ra mùi và nổi lên miệng.
Thực phẩm cay và nhiều gia vị, hoặc thói quen ăn quá nhiều, sẽ gây hại cho sức khỏe của lá lách, dạ dày.
6. Ho: "Rác" dư thừa trong phổi
Hút thuốc lá lâu ngày, sống ở những nơi có chất lượng không khí kém và làm những công việc bụi bặm trong thời gian dài có thể khiến con người hít phải rất nhiều chất độc hại trong phổi.
Một khi những "rác" này trong phổi vượt quá tiêu chuẩn, biểu hiện trực tiếp nhất là ho và có đờm. Đó là một hành động phản xạ bảo vệ của chính cơ thể để tự làm sạch phổi.
4 bước làm sạch cơ thể, hạn chế "rác" tích tụ lại
1. Uống nước để "làm sạch" dạ dày và ruột
Trên thực tế, "chất tẩy rửa" tốt nhất để làm sạch "rác" của dạ dày và ruột là nước lọc. Uống khoảng 2 lít nước, chia thành nhiều lần trong ngày có thể tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể, bôi trơn ruột và giúp đại tiện.
Ví dụ, mỗi buổi sáng, trước bữa ăn hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước. Uống nước ấm thường xuyên cũng có thể duy trì sự ổn định của dạ dày và ruột, tránh bị cảm lạnh vào mùa hè cũng như mùa đông.
2. Thở đúng cách để "làm sạch" tim và phổi
Phổi có một khả năng tự làm sạch nhất định. Miễn là chúng ở trong một môi trường trong lành, sạch sẽ, chúng có thể từ từ trục xuất "rác".
Bạn cũng có thể sử dụng các bài tập thở sâu để giảm bớt sự khó chịu và tăng tốc quá trình "làm sạch" phổi.
Phương pháp cụ thể là duỗi cánh tay sang hai bên cơ thể, hít vào càng nhiều càng tốt cho phình bụng lên, nín thở một lúc, sau đó thở ra từ từ trong khi siết chặt cánh tay lại.
Hít một hơi thật sâu vào buổi sáng và buổi tối ở nơi có không khí trong lành cũng có kết quả tốt.
3. Tập thể dục đổ mồ hôi để "làm sạch" da
Da bài tiết "rác" chủ yếu qua mồ hôi. Khi đổ mồ hôi trong lúc tập thể dục, các chất chuyển hóa cũng được bài tiết qua mồ hôi ra ngoài, tương đương với cách giải độc tích cực. Nó cũng có thể thúc đẩy lưu thông máu và tăng cường sự thích nghi của cơ thể với các kích thích nóng - lạnh, do đó cải thiện khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, cường độ tập thể dục phải hợp lý và đổ mồ hôi vừa phải. Bạn cũng nên chú ý giữ ấm kịp thời, tắm rửa và thay quần áo sau khi tập.
4. Ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống không lành mạnh mang lại "rác" trong máu, và nếu muốn làm sạch nó, bạn cũng nên bắt đầu với chế độ ăn uống của mình.
Trước hết, chúng ta nên giảm ăn các loại thực phẩm nhiều muối, calo và ăn nhiều rau lá xanh, trái cây ít đường.
Thứ hai, chúng ta nên kiểm soát lượng thức ăn, duy trì thói quen ăn uống đều đặn đúng giờ, tránh ăn quá nhiều.
Có một số loại thực phẩm có thể tiếp thêm sinh lực cho lưu thông máu và loại bỏ ứ máu, tăng tính đàn hồi của mạch máu, rất hiệu quả trong việc dọn dẹp "rác" máu như là mộc nhĩ, dưa chuột, tiết vịt...