PGS.TS Richard Restak, giáo sư lâm sàng về thần kinh học và y học phục hồi chức năng tại Trường Y khoa George Washington, Mỹ cho biết, trí nhớ tự nhiên bắt đầu suy giảm sớm hơn chúng ta nghĩ - sớm nhất là khi mọi người ở độ tuổi 30.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có hơn 55 triệu người trên khắp thế giới mắc chứng mất trí nhớ. Chứng mất trí nhớ, suy giảm trí nhớ hay sa sút trí tuệ là tình trạng sức khỏe tác động chính đến não, gây khó khăn cho việc ghi nhớ mọi thứ, giao tiếp hoặc hoàn thành các công việc hàng ngày.
Theo trang Mayo Clinic, Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng sa sút trí tuệ, khiến trí nhớ suy giảm dần dần, gây ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi và kỹ năng xã hội. Những thay đổi này ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của một người.
Khoảng 6,5 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên sống chung với bệnh Alzheimer. Trong số đó, hơn 70% là người từ 75 tuổi trở lên. Trong số khoảng 55 triệu người trên toàn thế giới mắc chứng sa sút trí tuệ, ước tính có khoảng 60% đến 70% mắc bệnh Alzheimer.
Vậy, làm thế nào để nhận biết dấu hiệu bệnh sớm? Dưới đây các chuyên gia sẽ chỉ ra 6 dấu hiệu phổ biến mà mọi người cần chú ý.
6 dấu hiệu cảnh báo não bộ suy yếu, trí nhớ ‘cạn kiệt’
1. Mất trí nhớ
Tiến sĩ Scott M. McGinnis, nhà thần kinh học tại Bệnh viện Brigham and Women's trực thuộc Đại học Harvard cho biết: “Thỉnh thoảng, mọi người có thể xuất hiện những vấn đề về trí nhớ (thỉnh thoảng nhớ nhớ quên quên) nhưng nếu chúng thường xuyên xảy ra thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm chứng sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer).
Các vấn đề về trí nhớ là dấu hiệu thường gặp nhất khi não bộ bị lão hóa. Nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng quên thông tin ngay khi vừa đọc/nghe xong; quên các ngày kỷ niệm, tên của người thân và sự kiện quan trọng; liên tục hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin hoặc phải phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ như giấy ghi chú, lời nhắc trên điện thoại thì đây có thể là dấu hiệu đáng chú ý.
Hầu hết các vấn đề về não bộ suy yếu đều có liên quan đến tuổi tác, trong đó suy giảm trí nhớ là dấu hiệu cảnh báo tốc độ xử lý của não bộ đang dần chậm lại, từ đó làm tăng thời gian cần thiết để truy xuất thông tin và cản trở việc lưu trữ những ký ức mới.
2. Gặp khó khăn khi thực hiện hoạt động thông thường
Chứng sa sút trí tuệ có thể khiến một người gặp khó khăn trong việc lên lịch trình và tuân theo kế hoạch. Những người mắc bệnh Alzheimer cũng gặp khó khăn khi tính toán hoặc làm việc với các con số.
Ngoài ra, những người mắc Alzheimer cũng gặp khó khăn khi thực hiện các thao tác đơn giản như quên cách sử dụng lò nướng, quên khóa cửa, quên cách lái xe,... Tất cả những biểu hiện này đều có thể trở thành dấu hiệu nhận biết chứng sa sút trí tuệ.
3. Thay đổi tâm trạng hoặc tính cách
Những tính cách hoặc tâm trạng thay đổi bất thường có thể là dấu hiệu của chứng mất trí nhớ. Chẳng hạn như một người đã từng hòa đồng và hướng ngoại bỗng trở nên thu mình lại, hoặc một người từng vui vẻ có thể trở nên bướng bỉnh, không tin tưởng, tức giận hoặc buồn bã liên tục.
Theo trang Harvard Health, trầm cảm cũng thường đi kèm với bệnh Alzheimer, gây ra các triệu chứng như mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, thay đổi khẩu vị, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, thiếu năng lượng và tuyệt vọng.
4. Nhầm lẫn thời gian và địa điểm
Các biểu hiện như nhớ nhầm thời gian, lịch trình hoặc địa điểm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo chức năng não bộ đang suy giảm. Các chuyên gia cho biết, những người mắc chứng sa sút trí tuệ có thể bị lạc đường, quên mất họ đang ở đâu,hoặc đã đi đến địa điểm này bằng cách nào, thậm chí quên luôn cả lý do tại sao mình có mặt ở một địa điểm bất kỳ
5. Suy giảm thị lực
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng suy giảm thị lực có thể là một dấu hiệu cảnh báo chứng sa sút trí tuệ. Điều này có thể là do võng mạc là một phần của hệ thống thần kinh trung ương, được tạo thành từ các lớp mô thần kinh cảm nhận ánh sáng, thứ đã kết nối mắt và não bộ.
Joshua Ehrlich, bác sĩ nhãn khoa đồng thời là nhà nghiên cứu sức khỏe dân số tại Trung tâm Mắt Kellogg của Đại học Michigan giải thích rằng: “Các vấn đề về thoái hóa thần kinh có thể gây ảnh hưởng tới cả mắt và não bộ”.
6. Các vấn đề về ngôn ngữ
Một trong những dấu hiệu của bệnh Alzheimer là gặp các vấn đề về ngôn ngữ. Những người mắc sa sút trí tuệ thường mô tả sự vật, hiện tượng hoặc đối tượng thay vì gọi tên chúng trực tiếp. Ví dụ như gọi điện thoại là "thứ đang đổ chuông" hoặc "thứ mà tôi dùng để gọi mọi người". Ngoài ra, khả năng đọc hoặc viết của những người mắc chứng sa sút trí tuệ cũng có thể bị suy giảm.
Làm thế nào để giữ cho não bộ luôn khỏe mạnh?
Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách điều trị khỏi hoàn toàn bệnh Alzheimer, tuy nhiên việc phát hiện sớm và tiến hành điều trị bằng một số loại thuốc có thể tạm thời làm chậm sự tiến triển của bệnh. Do đó, việc phòng ngừa bệnh bệnh rất quan trọng.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên xây dựng các thói quen tốt chẳng hạn như chế độ ăn giàu rau xanh, hoa quả các loại hạt, đậu; hạn chế ăn thịt đỏ, đồ có đường, đồ chiên rán; tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc… để duy trì não bộ luôn khỏe mạnh.