Mỡ máu cao là một vấn đề nổi cộm của sức khỏe cộng đồng thời hiện đại. Khi lượng mỡ trong máu dư thừa sẽ tích tụ lại trong thành động mạch khiến cho động mạch bị hẹp lại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới mỡ máu cao, trong đó lối sống ít vận động là một trong những nguyên nhân chính. Tiêu thụ quá mức đồ ăn nhiều dầu mỡ nhưng ít hoạt động thể chất cũng góp phần làm tăng mỡ máu.

Mỡ máu cao kéo dài có thể làm hỏng động mạch, góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Sự tích tụ mảng bám trong động mạch vành có thể làm gián đoạn dòng máu mang oxy đến cơ tim.

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn lipid máu, tăng cholesterol có hại và giảm lượng cholesterol có lợi trong cơ thể.

Cholesterol là một chất sáp được tìm thấy trong các tế bào cơ thể. Theo thông tin từ tờ Healthline, hầu hết cholesterol trong cơ thể được tạo ra từ gan. Phần còn lại đến từ các loại thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ.

6 gạch đầu dòng cần nhớ để phòng ngừa mỡ máu cao ở tuổi 30 - Ảnh 1.

Mỡ máu cao gây bít tắc động mạch (Ảnh: Power of Positivity)

Có 2 loại cholesterol:

- LDL cholesterol (cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp, hay còn gọi là cholesterol "xấu"): Đây là loại cholesterol không lành mạnh, có thể tích tụ trong động mạch và tạo thành mảng bám.

- HDL cholesterol (cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao, hay còn gọi là cholesterol "tốt"): Đây là loại cholesterol có lợi cho sức khỏe, giúp vận chuyển cholesterol dư thừa ra khỏi động mạch đến gan. Sau đó gan sẽ loại bỏ lượng cholesterol này ra khỏi cơ thể.

Với lối sống hiện đại, việc tăng cholesterol "xấu" ngay cả khi bạn đang ở tuổi 30 sẽ không có gì ngạc nhiên. Tuy nhiên, bạn sẽ phải đối mặt với hàng tá biến chứng nguy hiểm về sức khỏe, nhiều trường hợp phải can thiệp hạ cholesterol bằng các loại thuốc đặc trị.

Do đó, để tránh nguy cơ tăng cholesterol, bạn nên có một số điều chỉnh về lối sống như sau:

1. Có chế độ ăn uống lành mạnh

Để tránh tích tụ chất béo, hãy có một chế độ ăn uống lành mạnh, có lợi cho tim. Nên tiêu thụ ít thực phẩm chứa chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa. Đồng thời, nên tăng cường bổ sung chất xơ đến từ các loại đậu, yến mạch, rau củ, trái cây. Bạn cũng nên chọn ăn protein nạc và các loại ngũ cốc nguyên hạt.

2. Duy trì cân nặng ở mức vừa phải

Những người thừa cân, béo phì dễ bị tăng mỡ máu và có nguy cơ mắc nhiều biến chứng về sức khỏe hơn. Do đó, điều quan trọng là phải duy trì cân nặng ở mức hợp lý trong suốt cuộc đời.

3. Không hút thuốc

Hút thuốc không chỉ tăng nguy cơ mắc ung thư mà còn phá hủy các mạch máu và làm tăng cholesterol có hại.

4. Hạn chế uống rượu

Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng cholesterol và góp phần gây ra các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác.

5. Quản lý căng thẳng

Mặc dù căng thẳng có liên quan nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần nhưng căng thẳng mạn tính lại ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu. Áp dụng các kỹ thuật thở và tập yoga có thể giúp giảm căng thẳng.

6. Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày trong 5 ngày trở lên/tuần

Hoạt động thể chất sẽ giúp tiêu hao năng lượng dư thừa, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ có xét nghiệm máu cũng rất quan trọng để phát hiện sớm tình trạng mỡ máu cao và có những biện pháp can thiệp kịp thời.