“Tôi không đủ tốt”, “Bố mẹ tôi không yêu tôi đủ nhiều”, “Người yêu cũ đã lừa dối tôi”, “Tôi là một kẻ thất bại”. Hầu hết chúng ta đi qua cuộc đời với những vết thương tình cảm và những vết sẹo hằn bên trong, hy vọng rằng không có ai nhìn thấy chúng.
Sigmund Freud - bác sĩ chuyên khoa thần kinh và nhà tâm lý học nổi tiếng, là cha đẻ của ngành phân tâm cổ điển, cho rằng dù chúng ta cố gắng che giấu hay chôn vùi quá khứ của mình đến đâu, thì cuối cùng nó cũng sẽ xuất hiện trở lại ở mức độ có ý thức hoặc vô thức trong hiện tại.
“Hành trang cảm xúc” là một phép ẩn dụ để mô tả những vấn đề tình cảm chưa được giải quyết trong quá khứ mà chúng ta mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi. Giống như các kiện hành lý đi máy bay, hành lý tình cảm cũng có nhiều loại và nhiều hình thức khác nhau.
1. Sống chung với sự xấu hổ
Xấu hổ là cảm giác hoặc trải nghiệm đau đớn khi tin rằng chúng ta thiếu sót và do đó không xứng đáng được yêu thương hay thuộc về. Sự xấu hổ thường xuất hiện với giọng nói bên trong rằng “bạn không đủ giỏi”, “bạn không đủ thông minh”, “bạn không được yêu thích”.
Những lời nói từ bên trong luôn khiến chúng ta thất vọng và ngăn cản chúng ta thực hiện những ước mơ của mình. Và kết quả là bạn sẽ trải qua một cuộc sống với các vấn đề về lòng tự trọng, lo lắng hoặc trầm cảm.
Làm thế nào để buông bỏ sự xấu hổ? Hãy trau dồi lòng từ bi và chấp nhận bản thân rằng không có gì sai khi mắc lỗi. Không có ai đi qua cuộc đời này mà không va chạm, vấp ngã hay mắc phải những sai lầm, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn là người thất bại. Chúng ta mắc sai lầm, nhưng những sai lầm đó không nói lên việc bạn là ai. Bạn quan trọng và rộng lớn hơn bất kỳ hành vi đơn lẻ nào của chính mình. Nếu bạn thất bại, hãy thực hiện những thay đổi cần thiết và cố gắng làm cho nó tốt hơn một chút. Và nếu bạn lại thất bại, hãy lặp lại quá trình này.
2. Sống chung với mất mát
Tất cả chúng ta đều đã từng ít nhất mất đi một ai đó hoặc một cái gì đó trong cuộc đời của mình. Đó có thể là một người thân yêu, một con vật cưng, một mối quan hệ tốt đẹp, một công việc tuyệt vời hay là một khả năng nào đó.
Đau buồn là phản ứng tự nhiên mà chúng ta trải qua khi đối mặt với bất kỳ sự mất mát nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng mang nỗi đau của mình theo cùng một cách.
Bác sĩ tâm thần Elizabeth Kubler Ross cho rằng có 5 giai đoạn của đau buồn là từ chối, giận dữ, thỏa hiệp, phiền muộn và chấp nhận. Mặc dù không phải ai cũng trải qua 5 giai đoạn này, nhưng nhiều người có thể sẽ bị mắc kẹt lại ở đâu đó trong 5 cảm xúc sâu sắc này.
Làm thế nào để trút bỏ đau buồn? Đau buồn không phải là điều mà bạn có thể hoàn toàn buông bỏ hay vượt qua được. Tuy nhiên, đau buồn là một dấu hiệu cho thấy chúng ta, con người, được sinh ra để được chăm sóc và yêu thương. Bất chấp những gì mọi người xung quanh có thể nói, không ai biết được nỗi đau sẽ kết thúc vào lúc nào. Nhưng bạn biết không, vậy là được rồi. Sẽ có ngày bạn cảm thấy ổn hơn, nhưng sẽ có những ngày thì không thế. Hãy cho phép bản thân có những giây phút yên tĩnh để xử lý cảm xúc của bạn, và quan trọng nhất là hãy tôn trọng tốc độ xử lý cảm xúc của chính bạn.
3. Sống với oán hận
Bạn đã bao giờ gặp những người biện minh cho hành vi của họ bằng cách đổ lỗi cho phong cách nuôi dạy của cha mẹ họ chưa? Còn những người luôn bực tức về người mà họ đã chia tay hơn 10 năm trước? Hay những người cảm thấy mình có quyền đối xử tệ với nhân viên của mình vì sếp trước của họ cũng làm như thế với họ?
Sự oán giận làm nổi bật lên một thực tế rằng cuộc sống này là không công bằng. Trong khi có một số người đi lên, thì những người khác lại đi xuống. Trong khi có một số người được hưởng những đặc quyền, còn những người khác lại trở thành nạn nhân của hệ thống áp bức.
Đúng, sự phẫn uất nói lên sự bất công. Tuy nhiên, nỗi oán hận với phần còn lại của thế giới có thể dần dần tiêu diệt bản thân chúng ta.
Làm sao để buông bỏ oán hận? Hãy thực hành lòng biết ơn. Ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, bạn sẽ luôn thấy rằng mình vẫn có một điều gì đó để cảm ơn, bởi thế giới này không phải 100% hoàn toàn là bóng tối. Điều quan trọng là bạn cần nhìn nhận những mặt tươi sáng hơn và đánh giá cao chúng. Hãy dành vài phút mỗi ngày để ghi nhận những điều tốt đẹp hoặc phước lành trong cuộc sống của bạn.
4. Sống với trái tim tan vỡ
Đôi khi những mối quan hệ có thể giống như một câu chuyện cổ tích, nhưng cũng có lúc chúng biến thành một cơn ác mộng. Hành trình tìm kiếm một nửa còn lại của mình và sống hạnh phúc mãi mãi có thể khiến chúng ta bị tổn thương và thậm chí là tan nát cõi lòng.
Mặc dù đúng là tình yêu có thể đi cùng với một chút đau khổ, nhưng việc gắn bó với những cảm xúc trong quá khứ có thể cản trở không chỉ mối quan hệ hiện tại mà còn cả tương lai.
Làm thế nào để hàn gắn lại một trái tim tan vỡ? Hãy thực hành nghệ thuật tha thứ. Mahatma Gandhi từng nói: “Kẻ yếu sẽ không bao giờ có thể tha thứ, tha thứ tượng trưng cho sức mạnh.” Tha thứ không phải là một loại cảm giác, mà đó là một quyết định có ý thức. Nó không có nghĩa là bạn chấp thuận những tổn hại đã gây ra cho bạn, thay vào đó, bạn ngừng để những hành động sai trái đó định hình hiện tại của bạn. Khi bạn tha thứ, bạn không thể xóa bỏ được những gì đã xảy ra, nhưng bạn có thể buông bỏ những cảm xúc mà bạn đã gắn liền với hành động đó và bắt đầu nhìn mọi thứ ở một góc độ mới. Tha thứ chính là chữa lành trái tim bạn, để bạn có thể đối mặt với tương lai với một năng lượng mới và một trái tim rộng mở.
5. Sống chung với lo âu
Hầu hết tất cả chúng ta đều sống trong lo lắng và có những triệu chứng về lo âu, chẳng hạn như đổ mồ hôi tay, suy nghĩ chạy đua, tim đập nhanh, thậm chí là hoảng loạn. Chúng ta trải qua những phản ứng này là bởi chúng ta không thích sự không chắc chắn hoặc chúng ta không thể kiểm soát được tương lai.
Lo lắng là một phản ứng tự nhiên phức tạp. Một mặt, nó có thể khiến chúng ta trở nên cảnh giác hơn và tập trung hơn vào việc tìm kiếm bất cứ mối đe dọa hay thách thức nào có thể xuất hiện ở phía trước. Mặt khác, lo lắng có thể tạo ra nhiều mối đe dọa tưởng tượng mà thay vì dẫn dắt chúng ta hành động, nó buộc chúng ta né tránh.
Làm thế nào để bỏ qua lo lắng? Hãy thực hành tĩnh lặng. Bắt đầu bằng cách dành 5 phút mỗi ngày để dừng lại, hít thở và không làm gì cả - không điện thoại, không email, không mạng xã hội, không trò chuyện. Đối với một tâm trí lo lắng, đó là 5 phút cần thiết. Giống như việc rèn luyện cơ thể bằng các bài tập thể dục, bạn cũng có thể rèn luyện tâm trí của mình bằng việc tĩnh tâm hàng ngày. Khi bạn đã làm chủ được 5 phút tĩnh tâm đó, hãy kết hợp thêm những liệu pháp khác như tập yoga, viết nhật ký, rời bỏ mạng xã hội, ăn uống lành mạnh, kết nối với thiên nhiên…
6. Sống chung với chấn thương tâm lý
Đây có lẽ là một trong những hành trang cảm xúc nặng nề nhất. Chấn thương tâm lý xảy ra khi bạn đối mặt với một sự kiện khủng khiếp khiến cho hệ thống phản ứng của bạn tê liệt và bạn không còn khả năng chống cự.
Tác động của chấn thương tâm lý đối với cơ thể và tâm lý của chúng ta có thể mang tính ngắn hạn và dài hạn. Các triệu chứng của nó là một danh sách dài các phản ứng về thể chất, cảm xúc và nhận thức. Phổ biến nhất có thể là hồi tưởng, ác mộng, phủ nhận, phân ly, bộc phát cảm xúc, thiếu tin tưởng, sinh hoạt thất thường. Tuy nhiên, giống như các loại hành trang cảm xúc khác, tổn thương ở mỗi người là khác nhau.
Làm sao để buông bỏ những tổn thương tâm lý? Hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ những chuyên gia và cho phép bản thân cảm nhận được sức mạnh chữa lành của những kết nối có ý nghĩa giữa người với người. Nhiều trải nghiệm đau thương là đến từ con người, nhưng bạn cũng cần dạy lại bộ não của mình để cảm thấy tin tưởng, an toàn và yêu thương con người trở lại. Chúng ta không thể học điều đó một mình mà cần được ở trong một môi trường yêu thương và chăm sóc từ người khác. Các chuyên gia tâm lý được đào tạo để lắng nghe mà không phán xét và cung cấp cho bạn một không gian an toàn để có thể vượt qua các triệu chứng khó khăn nhất sau chấn thương tâm lý. Hãy cho phép bản thân mình được giúp đỡ.