Nhiệt độ lại bắt đầu tăng trở lại khiến thời tiết oi nóng, khó chịu và đương nhiên, điều hoà hoàn toàn có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này chỉ trong tíc tắc. Thế nhưng, bên cạnh việc mang lại luồng không khí mát hơn cho căn phòng thì đây cũng là một trong những thiết bị ngốn chi phí tiền điện nhiều nhất trong ngôi nhà.
Hãy cùng tham khảo ngay bài viết này để sử dụng điều hoà đúng cách hơn nhé!
Mẹo dùng điều hoà mà không lo tốn kém
1. Không bật điều hòa 24/24
Đây là việc từ lâu đã được các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo là không nên vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp cũng như làn da của chúng ta, đồng thời khiến thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng hơn, các chi tiết bên trong bị mài mòn gây giảm tuổi thọ sản phẩm.
- Lời khuyên: Hãy bật máy lạnh ở những thời điểm cần thiết như khi ngủ trưa hoặc vào ban đêm, những thời điểm còn lại trong ngày chúng ta có thể lựa chọn những chiếc quạt để tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng.
2. Không bật tắt điều hòa liên tục
Dù đã sử dụng điều hoà khá lâu nhưng nhiều người vẫn có thói quen bật - tắt điều hoà liên tục. Thông thường, mọi người sử dụng cùng lúc 2 thiết bị là quạt và điều hoà. Theo đó, đến khi nhiệt độ mát vừa đủ, họ sẽ tắt điều hoà đi để chỉ sử dụng quạt. Sau đó, khi nào cảm thấy nóng thì lại bật lên. Cứ bật - tắt như vậy trong suốt quãng thời gian sử dụng. Nhiều người những tưởng cách này sẽ tiết kiệm vì thời gian sử dụng điều hoà ngắn. Thế nhưng, mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại.
Thói quen bật tắt máy lạnh liên tục không chỉ khiến bạn phải trả chi phí tiền điện nhiều hơn, mà còn khiến cho thiết bị nhanh chóng xuống cấp bởi mỗi khi bật để máy lạnh khởi động thì thiết bị sẽ cần rất nhiều điện để khởi chạy máy nén và quạt.
- Lời khuyên: Các chuyên gia cũng khuyên chúng ta nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 30 phút, việc làm này không chỉ giúp căn phòng tăng nhiệt độ từ từ mà còn hạn chế tình trạng sốc nhiệt khi chúng ta đột ngột rời khỏi nhà.
3. Sử dụng tính năng hẹn giờ bật/tắt
Trên hầu hết các thiết bị điều hòa hiện nay đều được trang bị tính năng hẹn giờ bật/tắt, tuy nhiên lại có rất ít người dùng chú ý và sử dụng tính năng cực kì đáng giá này. Việc cho thiết bị tự động tắt trong một khoảng thời gian nhất định không chỉ tốt cho giấc ngủ của bạn mà còn giúp cho bạn giảm đi đáng kể lượng điện năng tiêu thụ trong suốt một tháng đấy.
- Lời khuyên: Để tránh bị cảm lạnh, viêm họng, ho hoặc giấc ngủ không được trọn vẹn, các bạn nên sử dụng tính năng hẹn giờ bật/tắt và cài đặt thời gian theo ý muốn.
- Tắt công tắc điện của điều hoà
Hầu hết người dùng đều nghĩ rằng việc tắt điều hoà bằng điều khiển là đủ, tuy nhiên, trên thực tế, nếu bạn chỉ tắt máy bằng điều khiển mà không tắt nguồn cấp điện cho thiết bị thì máy lạnh vẫn sẽ hoạt động cầm chừng và tiêu tốn khoảng 15W (tùy thuộc vào từng dòng sản phẩm). Vậy nên nếu muốn tiết kiệm tối đa chi phí tiền điện thì bạn nhất định phải chú ý đến chi tiết này.
- Lời khuyên: Sau mỗi đêm sử dụng, hãy tắt công tắc điện của điều hoà đi nhé!
Hãy tắt cả công tắc trên điều hoà nữa nhé!
4. Chọn hướng gió
Cánh gió bên trong điều hoà có chức năng điều chỉnh và lan tỏa hơi lạnh đều khắp căn phòng. Vào những ngày thời tiết nóng bức và bạn muốn làm mát thật nhanh thì có thể sử dụng điều hoà để điều chỉnh cánh gió quạt thẳng đến vị trí mà mình mong muốn, như vậy bạn sẽ có cảm giác mát hơn mà không cần để nhiệt độ quá thấp.
5. Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý
Nhiệt độ càng thấp sẽ càng khiến điều hoà tốn nhiều điện hơn. Theo đó, nếu muốn làm mát một không gian nào đó thì cần phải có một khoảng thời gian nhất định vậy nên việc chúng ta hạ nhiệt độ "kịch sàn" hoàn toàn không giúp cải thiện tình hình ngay lập tức mà chỉ khiến công suất thiết bị bị đẩy lên hết mức, gây hao tốn điện năng tiêu thụ mà thôi.
- Lời khuyên: Theo như các chuyên gia của Mỹ, nhiệt độ tốt nhất trong nhà nên duy trì ở mức 25 độ C vì khoảng cách giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời càng ít thì lượng điện năng tiêu thụ cũng sẽ thấp hơn, đồng thời cũng hạn chế gặp phải tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi di chuyển qua lại giữa 2 môi trường.
Vậy nên chúng ta hãy điều chỉnh nhiệt độ sao cho hợp lý nhất để chiếc máy lạnh của mình có thể hoạt động êm ái và tiết kiệm nhất nhé. Cách này cũng giúp đảm bảo an toàn sức khoẻ cho cả gia đình bạn nữa đó.
6. Hạn chế không gian trao đổi nhiệt
Thông thường, đối với những không gian lắp đặt máy lạnh thì yêu cầu đầu tiên đó chính là không gian phải thật sự kín, điều này không chỉ giúp cho thiết bị của bạn hoạt động hiệu quả hơn, làm mát nhanh hơn mà không phải tốn quá nhiều thời gian.
- Lời khuyên: Đối với các phòng sử dụng kính thì chúng ta nên sử dụng thêm một lớp rèm che nắng, điều này sẽ giúp hạn chế tối đa việc hấp thụ nhiệt vào căn phòng thông qua những lớp kính.
Ngoài ra, bạn cũng cần tính toán công suất điều hòa phù hợp với diện tích căn phòng để chọn điều hòa có đủ khả năng làm lạnh và tiết kiệm điện năng trong quá trình sử dụng. Công suất quá lớn sẽ gây lãng phí và công suất quá nhỏ sẽ không đảm bảo khả năng làm lạnh. Điều hòa có công suất phù hợp cũng giúp máy hoạt động ổn định và bền bỉ với thời gian hơn.
Đồng thời, nếu có thể, bạn hãy lắp dàn lạnh của điều hòa ở vị trí giữa phòng để đảm bảo luồng khí lạnh được phân bổ đều khắp phòng. Bạn hạn chế lắp đặt ở các vị trí dễ gây thất thoát khí lạnh như cửa ra vào, cửa sổ hoặc góc phòng.