1. Cháy/bỏng nắng
"Biển xanh, cát trắng, nắng vàng" là mong muốn của vô số người mỗi khi mùa hè đến. Thế nhưng các bãi biển thường hiếm bóng mát và cát có màu trắng, phản chiếu ánh nắng mạnh hơn nên khả năng da bị hư tổn bởi các tia nắng cũng cao hơn bình thường nhiều lần.
Vì vậy, để bảo vệ cơ thể khỏi các tia có hại có trong ánh nắng mặt trời cũng như các mối đe dọa về da khác, bạn cần nhớ luôn phải thoa kem chống nắng, nên ở trong bóng râm và có áo khoác lên người khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
(Ảnh minh họa)
2. Say nắng, cảm nắng
Bên cạnh việc cháy nắng thì tình trạng say nắng, cảm nắng khi đi biển mùa hè cũng khá phổ biến. Bởi khi đi biển mùa hè, bạn thường sẽ có những hoạt động ngoài trời dưới thời tiết nắng nóng. Lúc đó, nếu cơ thể không được làm mát kịp thời và bổ sung đủ nước thì chuyện bị say nắng hay cảm nắng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bất cứ ai cũng có thể bị say nắng, cảm nắng nhưng trong gia đình, trẻ nhỏ và người cao tuổi là hai đối tượng dễ mắc phải nhất nên bạn cần phải chú ý. Để tránh say nắng và cảm nắng, bạn nên uống nhiều nước, không nên ngồi giữa trời nắng quá lâu và giảm bớt những hoạt động ngoài trời giữa ngày hè oi bức nhất.
3. Các loại vi khuẩn
Có rất nhiều loại vi khuẩn khiến cho chuyến đi biển của gia đình bạn trở thành thảm họa. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến: MRSA, E.Coli, Vibrio vulnificus,... và đặc biệt là chúng đều có khả năng đe dọa tính mạng con người.
Những bãi biển đông người cùng môi trường nóng ẩm sẽ cực kì lý tưởng cho sự phát triển của các loại vi khuẩn. Vì vậy mà cách tốt nhất để phòng tránh mối nguy hiểm này là không nuốt nước biển khi tắm, tắm trước và sau khi bơi, sử dụng xà phòng để rửa tay trước khi ăn và nên ăn thực phẩm chín.
(Ảnh minh họa)
4. Sứa
Sứa là một món ăn nhiều người ưa thích khi đi biển nhưng lại có rất ít người biết rằng 1 số loại sứa có thể gây ra đau đớn và thậm chí đe doạ tính mạng con người. Nhẹ hơn, bạn cũng có thể sẽ bị ngứa và mẩn đỏ.
Cách phòng tránh tốt nhất đối với mối nguy hại này là với những vùng biển chưa biết có sứa hay không, nên mặc đồ bơi dài tay. Còn nếu bị sứa cắn hoặc chạm phải các xúc tu có độc của sứa, hãy nhanh chóng tìm đến một cơ sở y tế tốt nhất và gần nhất để có được sự giúp đỡ của các bác sỹ.
5. Say sóng
Đi biển mà không đi thuyền ra các hòn đảo thì hẳn là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, tình trạng dập dềnh trên biển sẽ khiến gây ra nguy cơ bị say sóng cao và say sóng còn mệt mỏi hơn say xe rất nhiều. Bởi rõ ràng say xe có thể mở cửa xe để hít không khí bên ngoài sẽ khiến ta đỡ hơn rất nhiều, còn say sóng thì sẽ không có gì để mở. Thế nên hãy chuẩn bị tinh thần cũng như 1 vài biện pháp như uống thuốc chống say hoặc miếng dán nếu có ý định đi tàu nhé!
(Ảnh minh họa)
6. Dòng nước xiết
Cuối cùng, nguy hiểm nhất trong danh sách này là dòng nước xiết. Có thể hình dung 1 cách đơn giản là nước xiết giống như 1 dòng sông nhỏ cuốn đi mọi thứ rơi vào nó xa bờ và đưa thẳng ra biển. Với vận tốc trung bình dòng chảy từ 0,5m/giây đến 1m/giây, không ai có khả năng bơi ngược trở lại để vào bờ nếu không may rơi vào đó.
Nguyên nhân đuối nước khi rơi vào dòng nước xiết lại là vì cố tìm cách bơi ngược dòng nước xiết chảy từ bờ biển để vào bờ bởi người ta sẽ nhanh chóng bị kiệt sức. Dòng nước xiết chảy từ bờ biển thường kéo người bơi ra xa bờ, đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ. Thế nên khi gặp dòng nước, nạn nhân cố gắng bình tĩnh nhất có thể, bơi song song với bờ biển hoặc thả trôi cơ thể và gọi người cứu.
Mùa hè đã đến rồi, gia đình bạn có chuyến đi biển nào chưa? Nếu đã, đang và sẽ đi biển thì đừng quên những mối nguy này cũng như đừng quên truy cập fanpage afamily.vn để chia sẻ với mọi người khoảnh khắc du lịch đáng nhớ của nhà mình nhé!