Ai cũng biết rằng, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ nên nhiều phụ nữ sau khi đi làm trở lại vẫn kiên quyết cho con mình bú sữa mẹ càng lâu càng tốt.
Thay vì cho trẻ bú trực tiếp, người mẹ sẽ chọn cách hút sữa và bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, trẻ không thể uống sữa mẹ lạnh được, nó cần được rã đông và hâm nóng. Quá trình này tuy dễ, nhưng nếu làm không đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của em bé.
Bảo quản sữa mẹ như thế nào là đúng cách?
Việc bảo quản sữa mẹ không đơn thuần là cứ cho vào bình hoặc túi, sau đó hâm nóng là xong.
1. Chuẩn bị dụng cụ
Hộp đựng, máy hút sữa, túi zip đựng sữa dùng 1 lần.
2. Chú ý lượng sữa mỗi túi
Để tránh trường hợp bé biếng ăn và lãng phí, sữa mẹ trữ trong mỗi túi tốt nhất là 60-120ml, không nên dồn lại đầy cả miệng túi.
3. Hút chân không
Nếu bạn có ý định trữ đông sữa mẹ, túi trữ sữa cần được hút hết không khí thừa bên trong.
4. Ghi rõ ràng ngày tháng
Mỗi lần hút sữa xong, bạn cần ghi lại thời gian cụ thể, dù là bảo quản sữa mẹ trong ngày hoặc là trữ đông. Điểm mấu chốt là bạn cho trẻ uống sữa trữ đông trước sữa mới vắt trong ngày, để đảm bảo tất cả sữa không bị lãng phí.
5. Không đổ đầy túi trữ sữa
Nếu đổ quá nhiều sữa vào túi, nó sẽ dễ bị vỡ khi đông cứng. Một khi phát hiện có dấu hiệu rách trên túi sữa, cần vứt bỏ, vì nó có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn trong tủ lạnh.
6. Nếu có ý định cho trẻ bú sữa trong 3-5 ngày, đừng trữ đông
Sữa bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tốt hơn sữa trữ đông, nhưng thời gian bảo quản trong tủ lạnh tương đối ngắn, nên cho trẻ ăn trong 3-5 ngày. Trong trường hợp sữa bảo quản ngăn mát mà trẻ không ăn hết, bạn mới cần trữ đông.
Những điều cần biết về rã đông và hâm nóng sữa mẹ
Lò vi sóng quả thực tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều so với cách hâm nóng truyền thống. Nó có thể làm nóng thức ăn chỉ trong 1-2 phút, nhưng áp dụng cách làm này với sữa mẹ là điều hoàn toàn sai lầm.
Nguyên nhân là do nhiệt độ của lò vi sóng quá cao sẽ dễ phá hủy các chất dinh dưỡng như kháng thể trong sữa mẹ, như vậy sữa mẹ không còn nhiều dinh dưỡng cho bé. Ngoài ra, một số lò vi sóng gia đình không được vệ sinh thường xuyên, việc cho sữa mẹ vào và hâm nóng sẽ không an toàn.
Khi hâm nóng sữa mẹ trong tủ lạnh, bạn có thể cho vào bình sữa và đặt vào bát nước nóng, sau đó lắc đều rồi đưa trẻ bú. Lưu ý, đừng bao giờ đun sôi sữa mẹ, lý do tương tự như hâm bằng lò vi sóng.
Nếu là sữa trữ đông, cần để nó tự tan chảy ở nhiệt độ trong ngăn mát tủ lạnh trước, sau đó mới tiến hành hâm nóng. Nếu trẻ không ăn hết trong vòng 3-5 ngày sau khi rã đông, hãy loại bỏ phần sữa thừa còn lại.
Lưu ý:
1. Mặc dù sữa mẹ bảo quản cũng rất quý, nhưng nếu trẻ không ăn hết cùng một lúc, nên cho trẻ ăn càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ. Phần sữa thừa sau khi hâm nóng nếu dư không nên cho vào tủ lạnh hay tiếp tục trữ đông.
Một khi sữa đã được hâm nóng, nếu để càng lâu thì thời gian tiếp xúc với vi khuẩn càng nhiều. Vì sức khỏe của trẻ, nên vứt bỏ sữa thừa. Để tránh tình trạng này, bạn hãy chia sữa ra thành nhiều túi nhỏ, tốt nhất nên trữ sữa từng túi đúng theo nhu cầu mỗi lần bú của trẻ để tránh lãng phí.
2. Thời gian lưu trữ sữa là 4-6 giờ ở nhiệt độ phòng 19-26 độ C. Thời gian bảo quản sữa là 3-8 ngày trong ngăn đá tủ lạnh dưới -4 độ C, 2 tuần đối với nhiệt độ -15 độ C. Nếu là tủ đông chuyên dụng, thời gian bảo quản có thể đến 3-6 tháng, nhưng vẫn nên cho trẻ ăn càng sớm càng tốt, không nên để quá lâu.