Các mẹ vẫn tâm sự rằng khoảng thời gian sau sinh chính là giai đoạn khó khăn nhất đối với bất kì người phụ nữ nào. Ngoài việc làm quen với cuộc sống xuất hiện thành viên mới thì mẹ cũng phải đối mặt với những thay đổi cả về tinh thần và thể chất. Nhưng cũng chính lúc này, các mẹ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của gia đình chồng, đặc biệt là người sẽ cận kề chăm sóc mình những ngày đầu sau sinh.
Chị Linh (sống tại Hà Nội) may mắn khi được ăn cơm cữ do chính tay bố ruột nấu. Với mẹ bỉm, đây là niềm hạnh phúc vô bờ khiến chị luôn biết ơn và hạnh phúc.
Ông ngoại và những bữa cơm cữ cho con gái
"Bố em cũng chỉ là một người đàn ông trong một gia đình bình thường như bao người khác thôi, nhưng điều đặc biệt nhất ở ông là đam mê nấu nướng và dường như vì là nấu cho vợ con ăn nên ông luôn đặt rất nhiều tình cảm vào trong đó. Chúng em - những đứa con, đều có thể cảm nhận được điều ấy thông qua sự bền bỉ và tỉ mỉ của ông.
Thịt này phải nấu thế này, củ kia phải xào thế kia, rau này phải đi với món này mới chuẩn... đó là cách Bố để những món ăn bày trên mâm không bao giờ qua loa. Căn bếp dưới bàn tay của Bố cũng luôn được giữ gìn sạch sẽ vì "làm đến đâu, dù cầu kỳ đến mấy, cũng phải gọn ngay đến đó" là kỷ luật vào bếp của ông.
Người ta thường khoe về mâm cơm của bà ngoại, bà nội nấu cho con, của chồng nấu cho vợ khi ở cữ, nhưng riêng em rất tự hào và hạnh phúc khi có Bố - bây giờ đã "vào vai" ông ngoại không kể mưa nắng sớm chiều, đều như vắt tranh, luôn ưu tiên việc chăm sóc con cái cháu chắt qua từng bữa ăn.
100 ngày như 1, bà ngoại đều đi chợ sớm mua đồ tươi (nhà em không bao giờ phải ăn đồ đông lạnh), ông ngoại sẽ là người "xử lý" những nguyên liệu đó và cho ra các món ngon. Em biết để có được những mâm cơm tươm tất nóng hổi không hề dễ dàng, và em chưa bao giờ coi đó là điều đương nhiên, em biết ơn ông bà rất nhiều.
Nhờ có ông bà nhiệt tình giúp đỡ, em mới có thể yên tâm làm mẹ, dành thời gian chất lượng mỗi ngày cho em bé của mình. Đếm là hơn 300 mâm cơm, sự thật cũng là thế, nhưng em chỉ kịp chụp lưu lại tạm vài tấm kỷ niệm thôi vì bận trông bé, bận làm việc, và mâm cơm cũng là câu chuyện hàng ngày. Cả đời bố mẹ phải nấu cho mấy ngàn mâm rồi.
6 tháng đã trôi qua, em gọi vui là "ở cữ" (chứ thật ra em chỉ cữ 1 tháng thôi) nhưng sự chăm sóc ấy của ông bà vẫn không hề đổi khác. Ông bà vẫn miệt mài ở bên cạnh chúng em, thương em, chăm em như thể em dù lấy chồng rồi thì vẫn là con gái bé bỏng trong mắt ông bà vậy. Chưa thấy ông bà thực sự "kệ nó" bao giờ", chị Linh chia sẻ.
Nhìn những bữa cơm ngon lành, đầy đủ dinh dưỡng mà ai cũng rưng rưng nước mắt vì xúc động. Tình yêu thương của bố thật to lớn, những món ăn dù đơn giản nhưng chứa chan tình yêu thương.
Phụ nữ sau sinh cần nghỉ ngơi sau cuộc vượt cạn, tâm trạng cũng thoải mái để không bị stress hay suy nghĩ gì nhiều. Việc ăn uống đủ chất, uống nhiều nước ấm nên sữa cũng về nhiều và đủ cho con. Người mẹ chính là chìa khóa hạnh phúc của cả gia đình. Vì thế, phụ nữ nên ý thức được việc làm tròn thiên chức của mình nhưng cũng không quên chăm sóc bản thân. Người mẹ có tâm trạng tốt thì mới chăm sóc tốt được cho con.
"Con luôn muốn nói lời cảm ơn với bố mẹ, đặc biệt hôm nay là Bố T, để bày tỏ rằng con thực sự trân trọng từng mâm cơm Bố đứng nấu cho chúng con vào mỗi trưa và chiều. Lúc nào Bố cũng hỏi: Có vừa miệng con không, có ngon không, con ăn nữa đi, con thích ăn gì để mai bố làm. Lớn rồi khó nói thành lời quá ạ, nên con xin thay bằng bài viết này vào ngày sinh nhật thứ 53 của Bố. Chỉ mong Bố T thân yêu luôn có thật nhiều sức khoẻ, bền bỉ, vui tươi, sống bên mẹ và con cháu lâu thật lâu, cùng ăn với chúng con nhiều bữa cơm ấm áp nữa. Chúc mừng sinh nhật Bố nhá!
Không gì hơn, em cũng hi vọng bài viết lan toả một năng lượng tích cực, rằng chăm sóc, yêu thương và chia sẻ là điều tất yếu để một gia đình luôn tồn tại trong trái tim, chữa lành tâm hồn và hữu hình trong cuộc đời chúng ta. Cuộc đời tưởng dài nhưng mà càng sống mới thấy nó càng ngắn ngủi, thời gian là hữu hạn, gặp nhau thêm một lần là bớt đi một lần. Cầu chúc mọi người ai cũng được hạnh phúc viên mãn bên những người thân yêu nhất", chị Linh gửi gắm đến bố của mình.