Nhiều người vì tiết kiệm mà luôn có thói quen bọc thức ăn thừa để trong tủ lạnh cho hôm sau. Thực ra thói quen này không an toàn 100% như bạn đang nghĩ. Trong thực tế, có 6 thực phẩm thừa không nên để qua đêm, ngay cả khi bảo quản trong tủ lạnh cẩn thận. Chúng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm.

6 thực phẩm thừa không nên để qua đêm, tránh ngộ độc thực phẩm

1. Trà

Khi để trà qua đêm, các vitamin trong trà sẽ biến mất. Chất dinh dưỡng trong trà biến đổi thành hợp chất độc hại cho cơ thể bạn.

6 thực phẩm thừa không nên để qua đêm vì làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1.

Theo BS dinh dưỡng Vũ Đại Dương (làm việc tại Hà Nội), axit tannic trong nước trà để qua đêm còn đặc biệt gây hại cho người bị gút hoặc có lượng axit uric cao. Ngoài ra, nguy cơ sinh sôi vi khuẩn trong loại trà để qua đêm cũng là điều khó tránh.

2. Trứng nấu chín

Trứng là thức ăn rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Khi được nấu chín, để qua đêm trong tủ lạnh, chúng sẽ là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây hại đường ruột, đường tiêu hóa.

BS Dương cho biết thêm, đối với những loại trứng nấu chưa chín kỹ (trứng lòng đào), để qua đêm trong tủ lạnh thì càng làm sản sinh vi khuẩn mạnh hơn. Do đó, đây là món không nên để qua đêm trong tủ lạnh.

3. Các loại rau lá xanh

ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) khẳng định, các loại rau đã nấu chín cất trong tủ lạnh càng lâu thì càng nguy hiểm. Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tác hại của những món rau ăn thừa được bảo quản trong tủ lạnh qua đêm.

6 thực phẩm thừa không nên để qua đêm vì làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2.

Ngay cả khi không bị ôi thiu, vẫn có hương vị ngon miệng thì rau ăn thừa để qua đêm và dùng cho bữa sau đều có khả năng sản sinh chất gây ung thư.

"Các loại rau xanh thường có hàm lượng nitrat cao. Khi đem nấu chín, ăn còn thừa rồi đem cất vào tủ lạnh, nhất là để qua đêm, sẽ biến thành nitrit. Đây là một chất gây ung thư cực độc", chuyên gia khẳng định.

Khi đi vào dạ dày, nitrit sẽ hình thành N-nitroso. Ăn nhiều những loại rau xào, rau luộc hay canh để qua đêm trong tủ lạnh về lâu dài là nguyên nhân gây ung thư thực quản, ung thư dạ dày. Nhẹ hơn thì bạn sẽ thường xuyên mắc các bệnh ở đường tiêu hóa như đi ngoài, đau bụng, nhiễm trùng đường tiêu hóa...

4. Nước canh xương

Bảo quản thực phẩm dạng nước như nước xương trong tủ lạnh càng lâu thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao.

6 thực phẩm thừa không nên để qua đêm vì làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm - Ảnh 3.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, những loại nước canh ăn thừa để lại qua đêm trong nồi kim loại như nhôm, inox còn dễ bị thôi nhiễm chất độc hại từ các sản phẩm kim loại ra món ăn. Sử dụng nước canh xương bảo quản trong tủ lạnh bằng cách này dễ khiến bạn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

5. Hải sản

Vào những ngày hè nóng nực như hiện nay, nhiều gia đình thích mua hải sản về ăn quây quần vào buổi tối cuối tuần. Hải sản rất giàu canxi, bổ dưỡng nhưng chỉ đúng khi được chế biến và ăn luôn. Ăn hải sản để qua đêm cực kỳ hại sức khỏe.

Nguyên nhân bởi, hải sản ăn thừa để qua đêm sẽ sản sinh chất thoái biến của protein, cực kỳ hại gan, thận. Chưa kể nguy cơ sản sinh ra vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, dù bạn bảo quản trong tủ lạnh.

6 thực phẩm thừa không nên để qua đêm vì làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm - Ảnh 4.

6. Dưa để qua đêm

Những loại dưa như dưa hấu, dưa lê, dưa bở... để qua đêm trong tủ lạnh sau khi đã bổ ra có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, dưa đã bổ rất dễ nhiễm khuẩn. Do đó, đã gọt bổ dưa thì nên ăn hết. Không nên cất trong tủ lạnh qua đêm.

Hướng dẫn bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, tránh ngộ độc thực phẩm

Chuyên gia khuyên, với thức ăn thừa cần cất vào tủ lạnh kịp thời. Càng để lâu, vi khuẩn sinh sản càng nhiều khi được tiếp xúc với môi trường không khí bên ngoài.

Thức ăn còn thừa trong xoong, nồi nên được đổ ra bát, đĩa sành, sứ cho nguội hẳn rồi đem cất vào tủ lạnh để dùng cho bữa sau. Những đồ dùng bằng sành, sứ sẽ bảo quản thực phẩm nấu chín an toàn hơn.

Bạn cũng nên sử dụng màng bọc thực phẩm chất lượng để tránh vi khuẩn xâm nhập tối đa. Có thể sử dụng hộp nhựa, túi zip nhưng cần chú ý sản phẩm chất lượng, uy tín, tránh nguy cơ thôi nhiễm nhựa ra thức ăn thừa.

Nên hâm nóng thức ăn thừa trước khi ăn. Bạn có thể sử dụng lò vi sóng, đun trên bếp. Khi làm nóng món ăn chú ý lột bỏ màng bọc thực phẩm, đậy bằng những chất liệu sành sứ.

Cuối cùng, đừng quên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên. Tủ lạnh không được vệ sinh thường xuyên, đúng cách sẽ trở thành ổ chứa của các loại vi khuẩn như E.Coli. Đây là vi khuẩn sinh sôi ngay ngay cả trong môi trường lạnh. Cách tốt nhất là bạn nên cọ rửa, lau chùi tủ lạnh thường xuyên để ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn chéo.