1. Bàn tay
Bạn đã được nghe nói nhiều đến việc rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rõ ràng rửa tay là bước đầu tiên để ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh. Không rửa tay có thể cho phép sự lây lan của vi trùng từ người này sang người khác và làm cho bản thân và những người khác bị bệnh. Tuy nhiên, đa số mọi người vẫn không rửa tay đúng như yêu cầu.
"Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học bang Michigan vào năm 2013, chỉ có 5% trong số 3.749 cá nhân được quan sát trong các nhà vệ sinh công cộng thực hiện việc rửa tay đủ lâu để tiêu diệt mầm bệnh", tiến sĩ Debra Hagberg, giám đốc các vấn đề lâm sàng cho PDI Healthcare - một tổ chức đi đầu trong các sản phẩm phòng chống nhiễm trùng, báo cáo.
Và không rửa đủ lâu không phải là hành vi cẩu thả duy nhất mà nghiên cứu tìm thấy. Khoảng 1/3 các đối tượng không sử dụng xà phòng khi rửa tay và 10% không rửa tay chút nào.
Tiến sĩ Hagberg đưa ra lời khuyên: Mọi người nên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, thoa lòng bàn tay, mu bàn tay, giữa các ngón tay, và dưới móng tay.
2. Mặt
Ngày nay, có không ít các sản phẩm rửa mặt được quảng cáo kèm theo lời hứa tẩy sạch các tế bào da chết trên da mặt... Tất nhiên, sử dụng chúng là điều hoàn toàn tốt nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không dùng chúng quá mức. "Tẩy tế bào chết là việc không cần phải được thực hiện mỗi ngày vì có thể sẽ làm tổn thương da mặt do tiếp xúc với quá nhiều axit", Adam Perlman, chuyên gia về sức khỏe và tích hợp tại Đại học Duke cảnh báo.
Janet Prystowsky, một bác sĩ da liễu ở Manhattan cho biết: "Nhiều người bị hiểu sai rằng họ phải tẩy tế bào chết. Thực tế, chỉ cần rửa mặt bình thường mỗi ngày hoặc 2 lần bằng tay (có thể dùng chất tẩy rửa nhẹ), sau đó lau khô bằng khăn mềm sẽ loại bỏ các tế bào da chết của bạn một cách đầy đủ. Các tế bào da của bạn biến đổi thường xuyên và tự nhiên nên không nhất thiết phải tẩy tế bào chết liên tục bằng các sản phẩm tẩy da chết".
Bác sĩ Perlman cũng khuyên bạn không nên dùng khăn để rửa mặt. Cuối cùng, bất kể bạn sử dụng thứ gì để rửa mặt thì cũng cần làm sạch các xà phòng. Tích tụ xà phòng trên mặt, đặc biệt là dưới cằm, có thể gây mụn trứng cá.
3. Da đầu
Ngay cả khi bạn thường xuyên gội đầu, da đầu của bạn vẫn có thể không được sạch hoàn toàn, đặc biệt là một số phần của tóc. Tiến sĩ Prystowsky nói: "Đôi khi làm sạch da đầu là không đủ. Tôi thấy một số người có mái tóc dày thường bỏ qua các phần phía sau đầu hoặc bôi dầu gội và dầu xả ở đó nhưng không hoàn toàn làm sạch nó".
Vậy, làm thế nào là tốt nhất? "Điều quan trọng là phải tách các khối tóc dày ra để nước có thể rửa sạch các sản phẩm hóa chất trên tóc và da đầu. Ngoài ra, sử dụng các miếng đệm ngón tay của bạn để xoa bóp da đầu trong khi làm sạch tóc (thay vì sử dụng móng tay của bạn) sẽ giúp bảo vệ da đầu của bạn khỏi bị kích ứng", tiến sĩ Prystowsky gợi ý.
4. Răng
"Mọi người nghĩ rằng đánh răng là đã làm sạch răng rồi. Nhưng thực tế không hẳn như vậy", Bill Dorfman, một nha sĩ thẩm mỹ nổi tiếng cảnh báo. Đánh răng thực chất chỉ là việc cần phải làm để loại bỏ vi khuẩn có hại nhất trong miệng.
Nhưng bác sĩ Dorfman cảnh báo rằng nếu bạn không dùng chỉ tơ nha khoa thì không những vi khuẩn mà ngay cả axit lactic ăn mòn men răng và gây sâu răng cũng phát triển. Vì vậy, ông khuyên mọi người nên dùng chỉ nha khoa thường xuyên như bạn đánh răng, ít nhất 2 lần/ngày. Ngoài ra, khi đánh răng, thay vì kéo theo chiều ngang, bạn nên chải theo chiều dọc của răng và theo vòng tròn với những răng sâu bên trong.
5. Đôi tai
Cách phổ biến nhất mà mọi người vẫn làm khi lấy ráy tai là dùng tăm bông. Trong thực tế, việc làm này thậm chí có thể nguy hiểm! "Dùng tăm bông để lấy ráy tai là việc làm cần hết sức cẩn thận. Nó có thể đẩy ráu tai vào sâu trong tai hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến màng nhĩ, khiến bạn có nguy cơ bị mất thính giác hoặc một ống tai bị tắc", tiến sĩ Perlman khuyên.
Vậy muốn làm sạch bên trong tai thì phải làm thế nào? Tiến sĩ Perlman khuyên nếu bạn thực sự muốn làm sạch đôi tai của mình, bạn nên loại bỏ ráy tai tự nhiên. Bên trong tai của bạn thực sự có khả năng tự làm sạch, sáp sẽ tự chảy ra, bôi trơn và bảo vệ bên trong tai của bạn. Bên ngoài tai của bạn là một câu chuyện khác. Hãy chắc chắn rằng bạn đang rửa tai thường xuyên bằng cách sử dụng khăn lau nhẹ nhàng mỗi khi tắm.
6. Bàn chân
Nếu nghĩ rằng đôi chân của bạn sẽ tự sạch mỗi khi tắm thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Dù cho nước và xà phòng chạy xuống chân khi bạn tắm thì sau đó bạn vẫn phải rửa sạch lại chân. Chà xát chúng, đặc biệt là dưới lòng bàn chân bằng đá kì vài ngày một lần là tốt nhất.
"Các bệnh chân thường gặp, như nấm móng chân, nấm chân và mụn cóc, có thể gây ra bởi độ ẩm quá mức ở chân. Mặc dù nhiều chân đổ mồ hôi quá mức thường gây ra các tình trạng nói trên, nhưng nó cũng có thể là hậu quả vủa việc không lau khô chân sau khi tắm", tiến sĩ Bruce Pinker, tại trường Cao đẳng phẫu thuật chân và mắt Mỹ cho biết. Tiến sĩ Pinker khuyên bạn nên lau sạch chân, kể cả giữa các ngón chân. Hành động này chỉ mất một vài giây nhưng nó là điều cần làm để giảm độ ẩm không cần thiết trong bàn chân.
7. Rốn
Một nghiên cứu của Thư viện Khoa học công cộng phát hiện ra rằng rốn là phần bẩn nhất của cơ thể, chứa nhiều vi khuẩn khác nhau. Do vị trí và hình dạng của nó mà nước chảy qua rốn khi bạn tắm không thể đủ để làm cho nó hoàn toàn sạch sẽ. Tệ hơn nữa, nếu bạn chạm vào rốn, bạn có thể làm lây lan những mầm bệnh trong đó ra khắp phần còn lại của cơ thể và thậm chí làm ô nhiễm những thứ khác mà bạn chạm vào.
Bạn có thể làm sạch rốn bằng cách dùng tăm bông thấm trong nước ấm và xà bông rồi cọ vào. Sau đó rửa sạch với nước và lau khô hoàn toàn.
Nguồn: RD