1. Giò lụa
Giò lụa, giò chả hay chả lụa là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc xuống Nam như một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng, giò lụa giòn và thơm đậm mùi thịt tươi luộc cộng với mùi đặc trưng của lá chuối tươi được luộc chín.
Giò lụa miền Bắc hay chả lụa miền Nam là món ăn quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam, nhất là trên các mâm cỗ. Món ăn vừa thơm ngon, lại thân thuộc, ăn với cơm gạo tám mới hoặc ăn kèm với xôi và bánh. Hiện nay, trong nỗ lực cơ khí hóa thay thế sức lao động thủ công của con người, đã có máy thực hiện giã giò, và nghề giã giò cũng như kỹ thuật giã giò cha truyền con nối đã dần dần mất đi tại các cơ sở sản xuất, làng nghề.
Nhưng dù bằng máy móc gì chăng nữa, giò sống để làm món giò lụa không thể thực hiện bằng các máy xay, băm thịt, bởi sẽ khiến món giò trở nên bã và xơ, không mịn đều, mất ngon.
2. Giò bì
Giò bì cũng là một trong những loại giò được chế biến từ thịt lợn và là món ăn ngon phổ biến ngày Tết. Tuy nhiên không phải ai cũng biết làm món ăn này. Nguyên liệu để làm giò bì đúng theo tên gọi của nó bao gồm bì heo (da lợn), thịt nạc, nước mắm nhĩ loại ngon.
Phần bì sau khi đã làm sạch sẽ được luộc chín, xắt mỏng như sợi chỉ. Thịt nạc bỏ vào cối, giã nhuyễn bằng tay. Sau đó trộn chung với các loại gia vị cho thấm.
Những chiếc giò bì sau khi luộc, để nguội sẽ trở nên săn chắc trong tấm lá chuối xanh cùng mùi thơm thoang thoảng. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi với cánh mày râu.
3. Giò xào (giò thủ)
Giò thủ còn được biết đến với tên gọi khá phổ biến khác là giò xào, là một trong những món giò truyền thống của người Việt với thành phần chính là thịt thủ (phần thịt ở đầu con lợn), xào chín cùng một số nguyên liệu khác rồi gói và nén chặt.
Bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam và hiện nay đã phổ biến khắp nước, nhưng những dạng thức chế biến ít nhiều tương đồng như món ăn này cũng tồn tại tại rất nhiều nền ẩm thực khác trên thế giới. Quy trình chế biến tương đối dễ, nguyên liệu dễ kiếm, thành phẩm lại thơm ngon và hơi giòn dai lạ miệng khiến giò thủ là món ăn quen thuộc của người dân khắp các vùng miền.
Giò thường được các gia đình làm trong dịp lễ Tết cổ truyền, và được bán tại các cửa hàng giò chả nem chạo ở hầu hết các chợ trong toàn quốc.
4. Giò bò
Giò bò là một trong những món ngon ngày Tết rất hấp dẫn bởi sự thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Chế biến thịt bò để làm món giò ngon là cả một quá trình khéo léo và tỉ mỉ. Để làm giò bò, thịt bò và thịt nạc heo mua về phải lọc gân thật sạch, cắt thành từng miếng để quá trình xay thịt làm giò diễn ra nhanh hơn, tránh làm nóng giò.
Giò bò là món ăn nhiều người ưa thích bởi vị thơm ngon của thịt bò, gia vị và lá chuối! Đây cũng là món không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.
5. Giò me
Giò me, giò bê hay giăm bông thịt bê là tên gọi của món ăn đặc sản Nghệ An được làm từ thịt bê nguyên tảng và bì bê xay nhuyễn đem cuộn và hấp cách thủy. Món ăn này có nguồn gốc từ huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, Việt Nam (me là từ địa phương nghĩa là con bê).
Thịnh hành từ những năm 2000 đến nay với mùi vị cũng như cách ăn khác biệt so với các loại giò truyền thống. Người ta thường tìm mua những món quà quê đặc sản để biếu nhau trong ngày Tết. Giò me được gói gọn gàng, nhỏ gọn, tiện lợi món quà biếu rất ý nghĩa, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
6. Giò gà
Tết này thay vì các loại giò được chế biến từ thịt lợn, bạn có thể thay đổi khẩu vị cho cả gia đình bằng món giò gà vừa mới lạ, lại giàu chất dinh dưỡng và không kém phần ngon miệng, lại ăn mãi mà không ngán.
Cách làm món giò gà không hề khó trái lại nó rất đơn giản, an toàn thực phẩm, không chất bảo quản, mang lại sức khỏe tốt cho gia đình mỗi dịp Tết về. Giò gà sẽ tròn vị hơn nếu được ăn với các món chua như kim chi, củ kiệu, ăn không hoặc ăn kèm với cơm trắng cũng rất hấp dẫn. Bạn nên bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần.
7. Giò tai
Giò tai là một trong những món ăn thơm ngon và được mọi người rất yêu thích trong bữa cơm mỗi dịp tết đến xuân về. Nếu ai đó đã từng thưởng thức cái vị ngọt, mềm mà vẫn giòn thơm của khoanh giò truyền thống thì khó lòng mà quên được.
Món giò ngon này không ngấy mà nguyên liệu để làm lại rất đơn giản. Cũng giống với giò lụa, nguyên liệu để làm nên giò tai trước hết là thịt nạc đem xay nhuyễn. Miếng thịt lấy ra phải còn tươi roi rói, sờ vào còn ấm sau đó tiến hành lọc bỏ những phần thịt không đạt tiêu chuẩn rồi mới mang xay.
Thịt đem xay hoặc giã nhuyễn có kèm theo gia vị như mắm muối hoặc hạt tiêu cho dậy mùi. Giò sống đạt tiêu chuẩn là giò không bám chày khi giã hoặc không dính muôi khi xay bằng máy.