1. Bánh gio

Thứ quà quê đơn giản được làm từ những hạt gạo nếp tròn mẩy ngâm qua nước tro tàu rồi được gói thành từng chiếc bánh với cái lưng gù này đã trở thành món ăn được biết bao thế hệ yêu thích. Bánh gio ngon có màu hổ phách trong suốt, thơm hương tự nhiên của gạo nếp, khi ăn cắt bánh thành từng miếng nhỏ chấm với mật mía, mật ong hoặc đường cát. Vị ngọt của mật thấm vào miếng bánh tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng.

Trải qua bao nhiêu thời gian, bánh gio vẫn giữ phong thái mộc mạc như thế và vẫn giữ được vị trí rất riêng trước hàng trăm loại bánh mới lạ hiện nay.

2. Bánh giò

Tuy có cái tên gần giống với bánh gio nhưng bánh giò lại mang hương vị khác hẳn. Bánh giò được làm từ bột gạo tẻ có nhân thịt băm, mộc nhĩ, hành và được gói thành từng chiếc to cỡ  bằng hai nắm tay người lớn và cũng có chiếc lưng gù đặc trưng. Người ăn bánh giò thường bóc bánh bằng cách dùng kéo cắt xung quanh, nhấc bỏ phần lá và dùng thìa xúc  ăn. Một miếng ăn hoàn hảo bao gồm cả cả phần vỏ mềm và phần nhân đậm đà thơm ngọt. Bánh giò ngon nhất khi nóng, bạn có thể rướu thêm chút tương ớt và dưa góp ăn kèm để miếng bánh thêm ngon và đậm vị.

bánh giò
 Ngày nay bánh giò được cải tiến thêm với nhiều loại nhân ăn kèm như giò lụa, giò tai, chả quế, chả cốm và dưa góp. 

3. Bánh nếp

Có lẽ chẳng có ai lớn lên mà chưa từng một lần ăn bánh nếp. Cầm chiếc bánh nhỏ xinh xắn làm từ bột nếp dẻo dẻo cùng phần nhân đỗ xanh và thịt đậm đà, tước dần phần vỏ lá chuối và cắn một miếng ngập răng để cảm nhận sự hòa quyện vị thơm bùi của đậu, vị ngọt của thịt và dẻo mềm mát của bột bạn mới thấy đây là món ăn ngon như thế nào. Chiếc bánh nhỏ chỉ 4-5 ngàn đồng một chiếc này luôn đắt hàng ở cả những phiên chợ quê hay ở xe bánh rong của các chị các cô nơi thành thị.

bánh nếp

4. Bánh rán

Chắc hẳn chẳng ai lạ gì với hình ảnh các chị bánh hàng rong, trên đầu đội một cái thúng, bên trong thúng là vô thiên lủng những chiếc bánh rán tròn lông lốc. Khẽ gọi “chị ơi” và nhanh tay chỉ vào thúng, chị bán hàng sẽ nhanh thoăn thoắt chọn cho bạn những chiếc bánh rán đường, rán mật hay rán vừng tròn ú nu. Những chiếc bánh nhỏ xinh ngọt ngào này chính là món quà vặt hoàn hảo cho những chiều bâng khuâng thương nhớ về tuổi thơ.

 
5. Bánh khúc

Chắc hẳn người Bắc chẳng ai xa lạ gì với tiếng rao “bánh khúc nóng đây” mỗi buổi chiều, nhất là buổi chiều lành lạnh. Bánh khúc được làm từ lá khúc, một loại lá thường mọc hoang ở ruộng, cùng nhân đỗ xanh đồ, mỡ lợn và chút tiêu. Bánh khúc được đồ như đồ xôi, bên ngoài mỗi chiếc bánh được bọc một lớp gạo nếp đồ cùng để tránh các chiếc bánh dính vào nhau, vì thế bánh khúc cũng được nhiều người gọi là xôi khúc.
 

Từ chiếc bánh bình dân, nay bánh khúc dần trở thành món ngon đặc sản ở Hà Nội nói chung và miền Bắc nói riêng.
 
6. Bánh đúc lạc 

Cái thứ bánh “quê mùa” từng đi vào câu ví câu von “mấy đời bánh đúc có xương…”, cũng từng là thứ đồ ăn chống đói của nhà nghèo. Trải qua biết bao năm tháng, nay bánh đúc đã chỗ đứng nhất định trong lòng người Hà Nội và được nhiều người yêu thích. Bánh đúc ngon phải được quấy khéo, gia nước vôi vừa tay, không nồng, miếng bán giòn dai, không cứng, khi ăn miếng bánh trơn tuột trong miệng, thỉnh thoảng sậm sựt hạt lạc bùi bùi. Bánh đúc thường được chấm với tương cho thêm phần đậm đà.

 
7. Bánh đa kê

Món bánh đa kê là sự tổng hòa của kê đã nấu chín rồi phết lên miếng bánh đa nướng giòn, rải thêm một lớp đậu xanh đã đồ (rồi thái tơi), lại rắc tiếp một lớp đường nữa. Những hạt kê màu vàng ươm, nhỏ nhỏ như trứng cá, rơi đều trên giá theo tay cô bán kê sàng sẩy không ngờ lại làm nên món quà vặt rất ngon. Cắn một miếng bánh đa kê vừa làm xong, thấy lạo xạo những hạt đường còn khô, cảm nhận ngay vị ngậy ngậy, ngang ngang của kê hòa lẫn với vị bùi của đậu xanh đã đồ. Nếu có bận chưa ăn được ngay, để chừng mươi phút nữa, miếng bánh đa thế nào cũng mềm ra, dai dai vị ngọt với đường và đậu xanh cũng tạo nên một cảm giác khoái khẩu khác, rất đặc biệt.

bánh đa kê