Đất nước Việt Nam chúng ta bao đời nay gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước, chính vì thế không mấy ngạc nhiên khi cơm trở thành món ăn chính của mọi gia đình. Qua bàn tay chế biến khéo léo và tinh tế của người dân mỗi vùng miền, những hạt gạo trắng ngần dẻo thơm được biến hóa tạo nên những món cơm đặc sản khiến thực khách thưởng thực một lần sẽ khó lòng quên được.

Nhắc đến Ninh Bình, ngoài rượu ngon và thịt dê, người ta không thể không nhắc đến cơm cháy. Cơm cháy - cái tên nghe đơn sơ, giản dị nhưng rất đỗi đậm đà nhờ cách chế biến của người dân bản xứ. Gạo được chọn phải là gạo dẻo, gạo thơm, nồi được chọn phải là nồi gang dày đáy. 

cơm cháy ninh binh

Khi cơm chín, người ta lấy bớt phần cơm trắng, để lại phần dính đáy nồi rồi tiếp tục cung cấp nhiệt. Phần cơm cháy lấy ra khỏi nồi được sấy khô, cho vào chảo rán vàng rồi bẻ thành từng miếng nhỏ. Cơm cháy được ăn cùng mỡ hành chà bông hay được chế biến phần nước sốt ăn kèm cầu kỳ hơn với thịt, tim, cật, nấm, cà rốt... Những hương vị đậm đà ấy khi quyện hòa cùng cơm cháy giòn rụm khiến món ăn này nhanh chóng trở thành đặc sản của vùng đất Hoa Lư.
 
cơm cháy ninh binh
 
2. Cơm lam 

Cơm lam là món cơm đặc sắc của nhiều tỉnh vùng cao, đi từ những tỉnh miền núi miền Bắc cho tới các vùng Đắk Lắk, Tây Nguyên. Món cơm ghi dấu trong lòng du khách bởi cách chế biến vô cùng độc đáo, đó là nấu trong ống tre, giang hoặc ống nứa còn tươi - những vật liệu không hề khó kiếm ở mảnh đất này. Sở dĩ cơm được nấu theo cách thức này là vì khi chín sẽ thơm hơn và ngọt hơn do thấm nước của phần ống tiết ra. 

cơm lam

Khi nấu, người dân lấy gạo nếp cho vào chiếc ống một đầu hở, dùng lá chuối bịt kín lại rồi nướng chín trên lửa. Khoảng 1 giờ đồng hồ, khi mùi hương đặc trưng từ ống lam bay ra là có thể biết được cơm đã chín, lớp cháy bên ngoài ống được tách ra, để lộ những hạt cơm trắng ngần thơm phức. Cơm lam được ăn kèm với muối vừng hay thịt nướng. Ấy có thể là thịt gà hoặc thịt lợn rừng, và dĩ nhiên chúng cũng được chế biến với cách thức tương tự.
 

3. Cơm hến Cố đô

Ẩm thực Huế vốn nổi tiếng bởi sự cầu kỳ, tỉ mỉ, dù là cao lương mỹ vị chốn cung đình hay chỉ là những món ăn đơn giản thường ngày trên mâm cơm gia đình. Người dân Cố đô từ bao đời nay đã gắn bó với cơm hến, như là linh hồn của ẩm thực nơi đây. 

cơm hến
Ảnh: Nam Chấy

Sẽ không quá lời khi nói rằng, chưa ăn cơm hến xem như chưa đến Huế, mà ăn rồi thì chỉ muốn dừng lại nơi này chẳng nỡ dời chân. Một đĩa cơm hến được trình bày dưới hình thức cơm trắng để nguội trộn với hến xào qua dầu ăn và gia vị, hành phi, tóp mỡ, rau thơm, đậu phộng, da heo chiên phồng, ớt sừng, nước hến chan kèm ít mắm ruốc dậy mùi thơm “nức mũi”. Tất cả những nguyên liệu đó khi ăn được trộn đều tạo nên vị béo bùi, ngon ngọt và hương thơm tự nhiên của thịt hến vô cùng thanh mát.
 

4. Cơm gà Phố Hội

Bên cạnh cao lầu, mỳ Quảng, bánh bao bánh vạc... thì cơm gà cũng là đặc sản nức tiếng ở “Phố Hội sông Hoài”. Cơm gà Hội An được tạo nên bằng sự tinh tế với những tiêu chí khắt khe riêng. Thịt gà phải săn chắc, luộc vừa đủ để không quá mềm hoặc quá dai; gạo phải dẻo, ngâm nghệ rồi nấu cùng nước luộc và mỡ gà; khi cơm chín, mỡ tan ra khiến cơm tơi và thơm mùi rất đặc trưng. 

cơm gà

Người bán xới những môi cơm vàng óng, xếp thịt gà lên rồi cho thêm rau thơm Trà Quế, đu đủ bào sợi, ít nước dùng và ớt tương màu đỏ đẹp mắt. Nếu có dịp đặt chân đến đô thị cổ Hội An, ngoài việc thong thả dạo bước trên những con phố rêu xanh để ngắm nhìn vẻ đẹp an nhiên tĩnh lặng thì thưởng thức cơm gà cũng là điều thú vị mà bạn nhất định phải trải nghiệm.
 

5. Cơm tấm Sài Gòn

Cơm tấm ở Sài Gòn là sự kết hợp của vô vàn món ăn kèm hấp dẫn mà bạn khó có thể tìm thấy sự phong phú này ở một địa phương nào khác. Những hạt gạo tấm li ti chế biến thành thực đơn đủ loại, nào là cơm sườn nướng, bì sợi, chả lụa, trứng ốp la, đùi gà chiên... rưới lên ít mỡ hành béo ngậy, ăn kèm với dưa leo, cà chua, xà lách cùng chén nước dùng thanh ngọt cho đỡ ngán. 

cơm tấm
Một phần cơm tại đây còn có thêm dưa leo, cà chua tươi và một chén tóp mỡ vàng, giòn rụm

Ăn cơm tấm Sài Gòn, bạn phải làm quen với nước mắm ngọt, là loại mắm pha với nước lọc cùng đường cát trắng khuấy đều cho đến khi tạo được độ sền sệt, thêm vào ít tỏi và ớt băm nhuyễn. Có thể nói, ở mảnh đất Sài Gòn hoa lệ, món ăn được người dân dùng xuyên suốt trong ngày, dù là điểm tâm, bữa trưa, bữa tối hay kể cả ăn khuya thì đó chính là món cơm tấm bình dị đầy sắc màu.
 
cơm tấm

6. Cơm ghẹ Phú Quốc

Cơm rang thịt ghẹ - chỉ mới nghe tên gọi của nó thôi cũng có thể khiến chúng ta liên tưởng đến hương vị biển cả vùng Phú Quốc. Món ăn là sự kết hợp của cơm trắng thơm dẻo, thịt ghẹ luộc beo béo ngậy ngậy, những lát trứng gà chiên vàng xắt nhỏ, nước tương kèm cùng vị cay nồng của ớt trái.


So với những vùng khác, con ghẹ Phú Quốc chắc thịt, khi chế biến có mùi thơm đặc trưng hơn, đặc biệt thịt ghẹ cũng rất giàu đạm cũng như các loại dưỡng chất khác. Chính vì thế mà người dân đã không bỏ qua cơ hội tận dụng món quà của vùng biển thiên nhiên để tạo nên đặc sản cho mảnh đất này. Nếu yêu thích hải sản, chắc chắn bạn không thể bỏ qua hương vị đậm đà của cơm rang ghẹ vàng ươm hấp dẫn khó quên này.
 
cơm ghẹ

7. Cơm dừa Bến Tre

Xuôi về miền Tây Nam Bộ, ghé đến tỉnh Bến Tre nổi tiếng với những rừng dừa xanh tốt, bạt ngàn trĩu quả, bạn hẳn nhiên sẽ được mời thưởng thức những món ngon từ loại quả này. Bên cạnh kẹo dừa, rượu dừa vốn nổi tiếng bốn phương thì món cơm dừa độc đáo và tinh tế cũng khiến người thực khách phải khen ngợi nức lòng. 

cơm dừa

Trái dừa dùng để nấu cơm phải là dừa xiêm, cắt ngang một phần trên đầu để trút nước rồi dùng chính miếng cắt đó như chiếc nắp để đậy lại. Lượng nước dừa dùng để nấu phải vừa đủ để cơm chín dẻo, không khô không nhão. Cơm dừa được đun cách thủy trong khoảng 2 giờ đồng hồ, vì thế khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị dừa như thấm đẫm quyện trong từng hạt cơm tinh tế lạ kỳ. Cơm dừa ăn nóng mới ngon, thức ăn kèm thường là tôm rim giòn giòn beo béo bởi nó cũng được rim cùng với nước cốt dừa cho thật là tròn vị.