Tất cả các bệnh nhân này đều có quê tại Gia Lai, đang là sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (Cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).
TS. Hà Trần Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, 7 trường hợp này đều đang trong tình trạng khá nặng. Tất cả đều có chỉ định lọc máu để thải trừ methanol, toan chuyển hóa nặng, trong đó có 3 bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy. Các bệnh nhân gồm 5 nam, 2 nữ, trong độ tuổi từ 21 đến 27.
7 sinh viên nhập viện sau cuộc nhậu
Theo lời kể của Siu L. (1 bệnh nhân nhẹ nhất trong số 7 bệnh nhân phải vào viện), nhân ngày 8/3, nhóm bạn này đã mua khoảng 1,5 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có nhãn mác) về phòng trọ tại Nhân Hòa, Trung Kính để liên hoan, ăn uống lai rai từ trưa đến 12h đêm ngày 8/3.
Trong số những sinh viên nhập viện có 2 nữ cũng đang nguy kịch
Đến sáng 9/3, một số bạn xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện 198 và sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc vào rạng sáng 10/3.
Mặc dù chưa có người thân và các giấy tờ liên quan nhưng các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành điều trị, cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân này với tinh thần khẩn trương nhất.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân trên đều đang hôn mê, trong đó có người rất nguy kịch. Bệnh viện cũng đã liên hệ được với đại diện của Trường nơi các em học tập đến để hỗ trợ giải quyết.
Rượu có thể là chất độc
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), rượu chứa methanol thường do người sản xuất pha cồn công nghiệp methanol để tăng độ mạnh, độ "phê" cho rượu.
Ngoài ra cũng có một số ca ngộ độc methanol trong rượu tự nấu. Các bác sĩ cho biết, biểu hiện say rượu thông thường (rượu, bia chứa ethanol) với ngộ độc rượu chứa methanol là khá giống nhau, cho nên rất khó phân biệt khi mới uống.
Tuy nhiên, ethanol cũng là chất có thể gây độc hại cho con người. Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ-ron thần kinh. Vì thế nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.
BS. Nguyễn Trung Nguyên
BS Nguyên nhấn mạnh, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất, để hạ giá thành sản phẩm đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ mua phải rượu có lẫn methanol, uống nhiều có thể gây chết người. Nếu không chết vì methanol thì những người nghiện rượu vẫn có nguy cơ cao chết vì các bệnh khác.
Một trong số những sinh viên mới nhập viện đang nguy kịch
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra ít nhất 30 bệnh và gián tiếp gây ra 200 bệnh tật, chấn thương. Các bệnh thường có nguyên nhân từ bia, rượu như bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư; xơ gan, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần, trầm cảm… Tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa…