Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Nhưng mỗi khi ra ngoài mà phải "giải quyết nỗi buồn" thì ta cũng buộc phải sử dụng thôi mặc dù không thoải mái cho lắm.
Các nhà nghiên cứu của Mỹ cũng đã có khá nhiều nghiên cứu về nhà vệ sinh công cộng và đây là những quy tắc mà họ muốn bật mí cho bạn. Tiết lộ nhỏ 1 chút là kết quả khá bất ngờ so với những gì ta nghĩ đó nhé!
Quy tắc 1. Nơi có vẻ an toàn lại có thể là nơi nguy hiểm
Chúng ta không thể biết chắc chắn có bao nhiêu vi khuẩn nằm ở trên nắp hay bệ bồn cầu nhà vệ sinh công cộng. Nhưng các chuyên gia cũng ước tính con số này là khoảng 50.000 vi sinh vật trên 6,4cm2.
Tuy nhiên, đây chưa phải là nơi bẩn nhất bởi bồn rửa vệ sinh còn bẩn hơn thế. Các chuyên gia cho hay, đó thực sự là thông tin bất ngờ bởi bồn rửa thường được vệ sinh qua loa hoặc không làm sạch mỗi ngày 1 cách triệt để như bồn cầu vệ sinh. Ngoài ra, vi khuẩn ở trên sàn nhà, tường vệ sinh, tay nắm cửa, nút giật bồn cầu... cũng là những khu vực ít được vệ sinh và ẩn chứa vô vàn vi khuẩn gây bệnh.
Quy tắc 2: Chọn buồng vệ sinh đầu tiên - nơi được cho là sạch nhất
Có 1 sự thật ít ai biết, đó là buồng vệ sinh gần cửa nhà vệ sinh nhất lại là phòng vệ sinh được cho là sạch nhất.
Theo bác sĩ người Mỹ - Mehmet Oz giải thích rằng, hầu hết mọi người luôn tránh sử dụng chiếc buồng toilet đầu tiên mà chọn lựa buồng cuối cùng vì họ muốn "riêng tư hơn 1 chút". Vì thế, đây lại là buồng vệ sinh bạn nên chọn nhất - hãy dùng nó để tránh nhiễm trùng.
Quy tắc 3: Đừng đặt vật dụng của mình lung tung trên sàn
Các vi khuẩn từ đế giày, vi khuẩn trong buồng nhà vệ sinh sẽ bám ngay lên đồ dùng của bạn và cuối cùng là len lỏi lên tay bạn.
Thế nên, bạn đừng bao giờ đặt bất cứ thứ gì lên sàn nhà vệ sinh, đặc biệt là túi xách. Thay vào đó, hãy treo chúng lên móc hoặc đặt lên phía trên bề mặt bình nước bồn cầu.
Quy tắc 4: Tư thế ngồi đi vệ sinh 1 cách chính xác
Các khoa học gia khoa xương chậu tại ĐH Stanford (Mỹ) cho biết, khi giải quyết nỗi buồn bằng cách ngồi bệt, ta sẽ phải dùng lực nhiều hơn để rặn, tạo ra áp lực lớn lên ruột, lên đại tràng.
Bên cạnh đó, cách ngồi bệt thông thường cũng gây nguy hại tới cơ vòng hậu môn, do cửa ruột không thể mở hoàn toàn, từ đó gây ra nhiều bệnh như viêm ruột, thoát vị, trĩ hay táo bón, thậm chí là ung thư ruột kết.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên dùng tư thế "ngồi xổm" để đi vệ sinh. Cách này sẽ giúp giảm áp lực cho bàn tọa, mà còn khiến bạn "đi cầu" dễ dàng hơn nữa.
Hoặc không bạn hãy đặt một chiếc ghế nhỏ ở phía chân, hơi nghiêng mình về phía trước để tránh gây hại cho ruột, đại tràng nhé!
Quy tắc 5: Lót giấy vệ sinh trên bề mặt bồn cầu cũng không sạch hơn
Nhiều người vẫn nghĩ rằng việc lót giấy vệ sinh lên bề mặt bồn cầu sẽ giúp da bạn cách ly với bề mặt bệ xí, từ đó không bị nhiễm khuẩn ư?
Nhưng có lẽ bạn đã quên mất rằng, giấy vệ sinh cũng rất đáng lo ngại. Nguyên nhân là vì giấy vệ sinh để trong buồng vệ sinh cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao mà.
Theo chuyên gia Kelly Reynolds thuộc phòng nghiên cứu Đại học Arizona, việc bạn lót bề mặt bồn cầu vệ sinh bằng giấy để phòng tránh nhiễm khuẩn chỉ có tác dụng về mặt tâm lý mà thôi chứ không có ý nghĩa mấy.
Quy tắc 6: Sử dụng khăn giấy để chạm vào nút nước xả bồn cầu
Nút xả bồn cầu chắc chắn chứa nhiều vi khuẩn. Vì thế, để tránh "câu kéo" vi khuẩn lên tay, bạn có thể quấn giấy vệ sinh lên ngón tay và bấm nút. Sau đó, bạn cũng đừng quên bỏ giấy vào thùng rác luôn nhé!
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên đậy nắp toilet lại ngay sau khi đứng lên và chỉ xả nước khi đóng nắp. Bởi nghiên cứu của chuyên gia về mầm bệnh Charles Gerba tại Đại học Arizona (Mỹ) cũng chỉ ra, các hạt và mầm bệnh có thể bị bắn xa tới 1,8 m bởi dòng nước xoáy, lây lan ra cơ thể, đồ dùng trong phòng tắm cơ mà.
Quy tắc 7: Rửa tay thật kỹ sau khi vào nhà vệ sinh
Việc rửa tay bằng nước sạch, đặc biệt là nước ấm sau khi đi vệ sinh sẽ có hiệu quả hơn trong việc chống lại vi khuẩn. Mà bạn phải rửa tay bằng xà phòng nhé, ít nhất trong 30 giây - 1 phút.
Sau khi rửa tay xong, bạn nên lau khô tay bằng khăn giấy thay vì sử dụng máy sấy tay. Bởi nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc dùng máy sấy tay khiến cho vi khuẩn phát tán nhiều hơn. Lúc này, bạn nên rời khỏi nhà vệ sinh mà không chạm bất cứ bề mặt nào, nếu phải dùng tay nắm cửa thì đừng quên dùng giấy nhé!
Nguồn: Brightside, Dailymail, Telegraph