Là một quốc gia có đời sống tâm linh vô cùng phong phú qua hàng nghìn năm, hiển nhiên, tại Trung Quốc có lưu truyền không ít câu chuyện nhuốm màu huyền bí, thậm chí là gây ám ảnh bởi nội dung của các câu chuyện này được “dựng xây” nên bằng sự tang tóc và cái chết thương tâm của nhiều người. Một trong số đó là câu chuyện, vụ án về “làng ma Chiết Giang”.
Tang tóc phủ trùm ngôi làng hẻo lánh
Vụ việc xảy ra ở làng La Dương, huyện Vĩnh Gia, tỉnh Chiết Giang. Đây vốn là một ngôi làng nghèo nàn, hẻo lánh, người dân quanh năm sinh sống bằng nghề làm nông. Tuy nhiên, những năm đầu thập niên 2000, kha khá thanh niên đã rời làng đến thành phố lập nghiệp, lúc này đây, trong làng chỉ còn toàn người già và trẻ nhỏ.
Thời điểm ấy, có một sự kiện diễn ra khiến cho cả ngôi làng nghèo nàn này rơi vào hoang mang. Lần lượt từng người bỗng dưng chết bất đắc kỳ tử, nhanh đến nỗi có người chết chỉ trong vòng vài giờ, chậm lắm cũng chỉ vỏn vẹn nửa giờ. Điểm lạ hơn là người chết về cơ bản sức khỏe trước đó vẫn khá tốt.
Đến năm 2003, làng La Dương còn tổ chức đám tang cho 20 người vì tất cả gần như là chết cùng một lúc. Làng quê nghèo từ đây không còn bình yên, làng La Dương bỗng chốc trở nên u ám, đen tối, sặc mùi tang tóc.
76 người chết và nguyên nhân ly kỳ về phiến đá màu máu đỏ
Để tìm ra sự thật, dân làng La Dương đã cùng nhau tập hợp lại nhằm tìm hiểu nguyên nhân về những cái chết kỳ lạ. Trong số họ, có người tiết lộ, vào một ngày nào đó năm 2000, một người trong làng đã đào được một số phiến đá có màu đỏ như máu trên núi.
Khi nghe vậy, những người lớn tuổi trong làng đinh ninh cho rằng chính việc làm này đã chọc giận thần linh, khiến ngôi làng bị nguyền rủa. Từ đây, họ làm nhiều cách để xoa dịu thần linh, từ việc cúng bái, mời pháp sư làm phép,... Thậm chí, vì quá sợ, nhiều người đã chọn cách rời bỏ quê hương.
Bất chấp điều đó, những cái chết kỳ lạ vẫn tiếp tục đeo bám dân làng La Dương. Đến năm 2006, số người chết đã lên đến con số 76.
Với quá nhiều người chết xảy ra trong thời gian ngắn, cộng với tiếng tăm về “làng ma La Dương” rộ lên khắp vùng, vụ việc thu hút sự quan tâm của cảnh sát địa phương. Sau đó, cảnh sát đã đến làng điều tra và nhờ các chuyên gia kiểm tra nguồn nước, thức ăn trong làng xem có bị nhiễm độc gì hay không. Đáng tiếc, mọi nỗ lực điều tra đều vô vọng.
Sau vụ hỏa hoạn, chân tướng phơi bày
Mãi cho đến khi trong làng La Dương xảy ra một vụ hỏa hoạn, chân tướng mới được phơi bày. Lần ấy, lửa đột ngột bốc lên và thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà cổ trong làng. Cảnh sát và các nhân viên cứu hộ nhanh chóng tiến vào làng hỗ trợ người dân.
Qua điều tra, cảnh sát phát hiện nguyên nhân đám cháy là do có người cố tình phóng hỏa. Người đó không ai khác chính là gã đàn ông có tên Mã Phó Mãn, chủ nhân của một cửa hàng bán đồ tang lễ trong làng.
Sau quá trình thẩm vấn, cảnh sát còn phát hiện ra thêm chi tiết động trời khác, không những phóng hỏa đốt làng, Mã Phó Mãn còn liên quan đến cái chết của 76 người trước đó. Với động cơ giết người là muốn cửa hàng bán đồ tang lễ của mình phát đạt hơn, hắn đã không ngần ngại âm thầm hạ sát dân làng bằng chất độc có tên “3 bước chân”.
“3 bước chân” thực chất là chất xyanua kịch độc, có thể giết chết một người trưởng thành khỏe mạnh trong thời gian ngắn, tùy thuộc vào liều lượng. Chi tiết vụ việc vẫn còn là ẩn số do thời điểm đó các phương tiện thông tin vẫn chưa phổ biến, chỉ có cảnh sát trực tiếp điều tra vụ việc mới nắm rõ sự tình.
Về phần dân làng, khi sự thật được phơi bày, mọi người đều vô cùng phẫn uất. Trong mắt họ, Mã Phó Mãn là một người vô cùng lương thiện và nhiệt tình, ai gặp khó khăn hắn cũng ra tay giúp đỡ, có lẽ đó là lý do, hắn luôn trót lọt trong việc tiếp cận và hạ độc dân làng mà không gây nghi ngờ.
Năm 2008, Mã Phó Mãn bị kết án tử hình vì cố ý giết người, sau khi kháng cáo, hắn được giảm xuống tù chung thân. Năm 2013, do thành tích tốt trong tù, Mã Phó Mãn một lần nữa được giảm án xuống còn 18 năm 4 tháng tù.
Dù vụ án đã được đưa ra ánh sáng nhưng 76 người chết trong vòng 6 năm, cộng với tin đồn về phiến đá đỏ màu máu vẫn còn ám ảnh dân làng La Dương và cả những ai biết câu chuyện đến tận ngày hôm nay.
(Nguồn:Sohu)