Con người có xu hướng muốn sống lâu để ở bên những người thân yêu, chăm sóc, bảo vệ họ, cũng như để chứng kiến và tham gia vào những cột mốc quan trọng của gia đình, như con cháu trưởng thành…
Trong nhiều nền văn hóa, tuổi thọ được xem là một biểu hiện của phước lành, sự khôn ngoan và thành tựu. Người cao tuổi thường được kính trọng, có vị trí quan trọng trong gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy, nhiều người đã cố gắng chăm sóc sức khỏe và duy trì những thói quen tốt, nhằm đạt được sự trường thọ.
Tuy nhiên, khao khát sống thọ đi kèm với mong muốn sống khỏe mạnh và có chất lượng cuộc sống tốt. Không ai muốn sống lâu nhưng phải chịu đựng đau đớn hay bệnh tật. Vì vậy, làm thế nào để sống thọ nhưng vẫn khỏe mạnh, trẻ đẹp luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm.
78 tuổi nhưng nội tạng khỏe như ngoài 50, vị bác sĩ chia sẻ 3 cách
Bác sĩ Michael Rozen, hiện đang là Giám đốc sức khỏe tại chuyên trang Cleveland Clinic (Mỹ) đã 78 tuổi nhưng sức khỏe cũng như nội tạng của ông chỉ ngang bằng với người 56 tuổi, nghĩa là trẻ hơn 22 tuổi so với tuổi thật.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Insider, ông đã chia sẻ một số thói quen ăn uống giúp trường thọ. Chúng tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao, đặc biệt là có thể đảo ngược lão hóa và giúp chúng ta sống thọ hơn.
1. Chọn những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Gốc tự do là các phân tử không ổn định có thể gây tổn thương tế bào, dẫn đến viêm nhiễm, lão hóa sớm và bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư... Việc tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây, rau xanh, các loại hạt và quả mọng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển những bệnh này, từ đó kéo dài tuổi thọ.
Hơn nữa, chất chống oxy hóa còn hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Ngoài ra, các thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa còn hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa da, giúp duy trì làn da trẻ trung và khỏe mạnh. Nhờ vậy mà giúp ngoại hình trông trẻ hơn tuổi thật.
2. Ăn ít vào bữa tối
Bác sĩ Michael Rozen cho biết, ông thường ăn tập trung vào bữa trưa để bổ sung năng lượng, còn buổi tối thì ăn ít nhất có thể. Ông lựa chọn salad là bữa tối vì nó vừa nhẹ bụng lại bổ sung nhiều chất xơ. Ông không thể ngủ ngon nếu ăn bữa tối quá nhiều, chưa kể đến việc còn gây hại cho sức khỏe.
Cụ thể, khi ăn một bữa tối nhẹ nhàng và ít calo, hệ tiêu hóa không phải làm việc quá sức, giúp giảm nguy cơ bị đầy bụng, khó tiêu, cải thiện giấc ngủ. Ăn tối ít còn giúp duy trì mức năng lượng ổn định, nhưng không gây ra cảm giác nặng nề hay mệt mỏi trước khi đi ngủ.
Hơn nữa, ăn ít vào buổi tối có thể hỗ trợ trong việc giảm cân. Khi tiêu thụ ít calo vào buổi tối, cơ thể sẽ không tích trữ năng lượng dưới dạng mỡ thừa, do ban đêm là thời điểm ít hoạt động. Từ đó ngăn ngừa tăng cân và các vấn đề liên quan đến béo phì như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.
Nếu ăn bữa tối quá nhiều, cơ thể sẽ tập trung vào việc tiêu hóa thức ăn. Điều này có thể làm chậm quá trình trao đổi chất. Một bữa tối nhẹ nhàng sẽ duy trì quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả, đồng thời giúp cơ thể điều chỉnh mức đường huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
3. Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa… có thể gây hại cho sức khỏe nếu ăn nhiều. Những thành phần này sẽ dẫn đến các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch và béo phì. Bằng cách hạn chế các thực phẩm này, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và duy trì cơ thể khỏe mạnh.
Hơn nữa, thực phẩm chế biến sẵn thường thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Vậy nên, chúng ta cần ưu tiên thực phẩm tươi sống và ít qua chế biến, nhằm cung cấp cho cơ thể dưỡng chất cần thiết để duy trì năng lượng, hỗ trợ hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tiêu hóa.
Theo Indiatimes, Healthline