Không gian sống của các gia đình người Nhật có thể không lớn nhưng lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp đáng ngưỡng mộ, nhất là nhà bếp và khu vực vệ sinh. Nếu bạn đang thắc mắc bí mật của họ là gì để làm được điều đó thì sau đây chính là câu trả lời.
Tổ chức bếp
1. Cố gắng giảm bớt đồ vật trên quầy bếp
Tường bếp là một không gian lưu trữ rất tốt. Người Nhật rất thích sử dụng các kệ lưu trữ gắn tường, ngoài ra còn có hệ thống tủ bếp, ngăn kéo để cất giữ đồ đạc, giải phóng tối đa không gian mặt bàn.
Khi mặt quầy bếp thông thoáng, sau mỗi lần nấu nướng, chỉ cần một chiếc khăn vải và chút nước ấm là có thể dễ dàng lau sạch quầy bếp.
2. Thay thế bếp ga truyền thống bằng bếp điện từ IH
Nếu sử dụng bếp ga thì khu vực đặt bếp chính là góc bám nhiều dầu mỡ và khó làm sạch nhất. Tại Nhật Bản, ngày càng có nhiều gia đình lựa chọn sử dụng bếp điện từ IH. Sau khi nấu xong, bạn có thể lau sạch bếp bằng khăn khô rất nhanh chóng, giảm thiểu đáng kể thời gian vệ sinh.
3. Tận dụng tốt các giỏ, kệ, hộp lưu trữ
Nhà bếp có rất nhiều vật dụng to nhỏ khác nhau, từ các loại máy móc tới bát đĩa, muôi thìa, gia vị… Nếu không được tổ chức tốt sẽ gây ra tình trạng lộn xộn rối mắt cho không gian bếp.
Người Nhật thực sự là thiên tài trong việc tận dụng các loại giỏ, kệ và hộp lưu trữ để sắp xếp đồ dùng. Chẳng những mọi thứ vô cùng có trật tự mà còn tận dụng tối đa diện tích bếp, đồng thời cũng rất thuận tiện khi lấy và cất dụng cụ.
4. Thực phẩm trong tủ lạnh được phân loại rõ ràng
Tình trạng nguyên liệu nấu ăn bị bỏ quên trong tủ lạnh có lẽ không phải là hiếm đối với nhiều gia đình. Nếu bạn muốn tránh khỏi tình trạng đó, hãy học bí quyết của phụ nữ Nhật. Đó là bảo quản chúng trong các hộp, túi zip và dán nhãn rõ ràng. Các nhãn cần ghi đầy đủ ngày tháng để thức ăn vào tủ lạnh, tình trạng sử dụng như “đã mở”, “chưa mở”, “đồ ăn nhẹ”...
Bạn hãy đặt những thực phẩm cần sử dụng ngay ở ngoài, nơi có thể dễ dàng nhìn thấy mỗi khi mở cửa tủ lạnh. Đảm bảo chúng ta sẽ không bao giờ bỏ sót đồ ăn nữa.
Khu vực vệ sinh
5. Sử dụng chất tẩy rửa axit để làm sạch vết bẩn cứng đầu có tính kiềm
Các vết bẩn cứng đầu trong nhà tắm khác với vết dầu mỡ ở nhà bếp. Chúng phần lớn là cặn xà phòng và các chất bẩn trong nước tiểu, đều có tính kiềm. Các chất tẩy rửa có tính axit đặc biệt phù hợp trong trường hợp này.
Chỉ cần pha 100ml nước lạnh với 50ml axit nitric có thể tạo ra chất tẩy axit rẻ tiền mà không gây hại. Hãy xịt nó lên bồn rửa, vòi nước, gương, bồn cầu, để yên trong 1 giờ rồi sau đó lau khô.
6. Thay khăn mặt thông thường bằng khăn nhỏ màu trắng
Thực ra khăn rửa mặt chỉ cần kích thước bằng một chiếc khăn tay là đủ. Sau khi rửa mặt xong, chiếc khăn vuông nhỏ có thể dễ dàng giặt luôn bằng tay, cũng sẽ nhanh khô khi phòng tắm thoáng gió. Khăn màu trắng giúp bạn nhanh chóng nhận thấy vết bẩn, sẽ nhắc chúng ta giặt sạch ngay lập tức.
7. Giảm tối đa khe hở
Các kẽ hở là nơi bụi bẩn dễ bị tích tụ nhất trong nhà tắm và cũng khó làm sạch nhất. Có nhiều bí quyết để làm sạch các khe hở ấy nhưng phương pháp tối ưu hơn cả là giảm bớt sự tồn tại của chúng.
Bạn có thể dán băng dính chống thấm vào các khe nối của bồn rửa, vị trí nối giữa chân bồn cầu và sàn nhà, vừa dễ làm sạch mà hạn chế được nấm mốc phát sinh.
8. Dành 3 phút mỗi ngày để làm sạch nhà tắm và toilet
Công việc dọn dẹp vệ sinh thật sự tốn nhiều công sức. Tuy nhiên nếu bạn có thể bớt một chút thời gian dọn dẹp hàng ngày thì sẽ có khu vực vệ sinh sạch sẽ quanh năm.
Bà nội trợ Nhật Bản tên Tomoko Kisuke đã chia sẻ “phương pháp làm sạch trong 3 phút” với các bước như sau:
- Thay khăn tắm.
- Xịt chất tẩy rửa.
- Dùng bàn chải có tay cầm để chà những vết bẩn của bồn rửa, hiệu quả hơn là dùng khăn vải hoặc miếng bọt biển.
- Lấy khăn giấy ướt lau sạch vết bẩn trên gương, khung gương, khung cửa sổ, nắp bồn cầu, bên ngoài và bên trong bệ ngồi, mép trong bồn cầu, theo đúng thứ tự như vậy. Sau khi lau hết các khu vực trên, gấp đôi khăn giấy ướt lại lau tường và mặt ngoài bồn cầu. Cuối cùng gấp nó lại thành 1/4 để lau vết bẩn trên sàn nhà, sau đó vứt đi.
- Xả sạch chất tẩy rửa.
- Xịt cồn vào vòi hoa sen, vòi nước bồn rửa và lau sạch.