Theo Diana Bitner, bác sĩ phụ khoa Mỹ, ước tính gần 70% phụ nữ bị đầy hơi, trướng bụng khi “đến tháng”. Nguyên nhân chính là do sự lên xuống thất thường của hàm lượng nội tiết tố nữ estrogen và sự suy giảm progesterone trong ngày "đèn đỏ".
Tin tốt là 2-3 ngày khi bắt đầu kỳ nguyệt san, buồng trứng lại bắt đầu sản sinh ra lượng hormone hỗ trợ đáng tin cậy. Nhờ đó, tình trạng đầy hơi, trướng bụng sẽ giảm đi.
Sau đây là một số cách giảm đầy hơi, trướng bụng trong ngày “đèn đỏ” do chính các chuyên gia gợi ý:
1. Ăn thực phẩm giàu protein và kali
Những thực phẩm không khiến bạn no phình bụng là lựa chọn tối ưu trong giai đoạn nhạy cảm. Theo chuyên gia thể hình và dinh dưỡng ở New York, Isabel Smith: "Thực phẩm giàu kali như chuối, dưa đỏ, cà chua và măng tây giúp tạo sự cân bằng an toàn các chất dịch. Những chất béo có lợi cho sức khỏe như hạt chia, cá hồi cũng thể hiện tác dụng tương tự. Chúng giúp làm hạ thấp prostaglandins – nhóm hormone gây đầy hơi và co cơ".
Thực phẩm giàu protein là một lựa chọn hữu ích khác, bao gồm thịt gà, cá, đậu phụ. Sherry Ross, chuyên gia về sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Sức khỏe Saint John’s Providence ở Santa Monica, giải thích: “Thực phẩm có chức năng lợi tiểu một cách tự nhiên như cần tây, dưa chuột, dưa hấu, nước ép chanh, tỏi và gừng cũng giúp bạn thấy nhẹ nhàng hơn, dù đang trong kỳ nguyệt san”.
2. Tránh xa thực phẩm gây đầy hơi
Đúng vậy, đó chính là bông cải xanh và cải Brussel. Chúng có thể tạo cảm hứng cho bạn về những bữa ăn lành mạnh nhưng lại chứa một loại đường phức hợp có tên raffinose. Cơ thể con người thiếu enzyme để phá vỡ đường raffinose một cách phù hợp, dẫn tới tình trạng đầy hơi, trướng bụng. Theo chuyên gia Ross, một số thực phẩm gây đầy hơi cần tránh trong kỳ kinh nguyệt bao gồm đậu đỗ, bắp cải, súp lơ và rau diếp.
3. Duy trì lịch tập luyện thường ngày
Vận động có thể là điều cuối cùng bạn muốn nghĩ tới khi bị cảm giác mệt mỏi của ngày “đèn đỏ” tấn công. Nhưng theo các chuyên gia, làm tăng nhịp tim là một trong những cách tốt nhất để xoa dịu triệu chứng tiền kinh nguyệt, trong đó có tình trạng đầy hơi, trướng bụng.
Chuyên gia Ross nhấn mạnh: “Những người có lối sống thường ngày ít vận động có xu hướng sở hữu hệ tiêu hóa yếu hơn những người ưa thích tập luyện”. Đổ mồ hôi cũng có thể giúp bạn cân đối và giảm táo bón.
Chuyên gia Ross nhấn mạnh: “Những người có lối sống thường ngày ít vận động có xu hướng sở hữu hệ tiêu hóa yếu hơn những người ưa thích tập luyện”. Đổ mồ hôi cũng có thể giúp bạn cân đối và giảm táo bón.
Những bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như bơi lội hay yoga là lựa chọn tối ưu cho bạn. Ngược lại, tập luyện cường độ cao có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, vốn là một trong những nguyên nhân góp phần vào tình trạng đầy hơi, trướng bụng.
4. Cắt giảm lượng caffeine và đồ uống có cồn
Bác sĩ Bitner cho biết: “Trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, đồ uống có cồn có thể làm tăng các triệu chứng như đau tức ngực, thay đổi tâm trạng thất thường và đầy hơi, trướng bụng. Cà phê là thứ có thể trở thành kích thích quá mức cho ống tiêu hóa và gây khó chịu đường ruột, chưa kể tới việc làm cho cơ thể bạn mất nước”.
Do đó, bỏ qua thói quen thưởng thức cà phê buổi sáng có thể giúp cho bạn cảm thấy thoải mái trong kỳ kinh.
5. Dùng thuốc kháng viêm
Ibuprofen và Naprosyn là thuốc kháng viêm có tác dụng ngăn chặn các hóa chất gây viêm nhiễm và do đó, giảm triệu chứng đầy hơi, trướng bụng. Theo bác sĩ phụ khoa Kelly Roy ở Phoenix: “Hai ngày trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt, uống 200-400g mỗi loại, cách nhau từ 6-8 tiếng”.
6. Bỏ qua đồ uống có đường và có ga
Soda, nước ngọt có thể tạm thời khiến bạn thấy dễ chịu hơn. Nhưng nó lại là thủ phạm làm cho tình trạng đầy hơi, trướng bụng tồi tệ hơn. Chuyên gia Smith đưa ra lời khuyên: “Đừng để các hãng có sản phẩm sử dụng chất ngọt nhân tạo phỉnh phờ bạn. Bởi những loại đồ uống đó sẽ làm bạn có cảm giác bụng muốn nổ tung.
Thay vào đó, hãy lựa chọn nước uống thông thường và đảm bảo mức 8 cốc nước/ngày. Trộn thêm một chút trà xanh, trà bạc hà hay trà thì là cũng giúp loại bỏ các tác nhân gây viêm”.
7. Dành nhiều thời gian ngủ nghỉ hơn
Bác sĩ Roy cho hay: “Giấc ngủ thường bị làm phiền bởi cảm giác đau đớn của kỳ kinh, tình trạng đầy bụng và sự mệt mỏi, uể oải”. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian cực kỳ quan trọng này, lượng dịch thừa ở bụng có thể di chuyển ngược vào cơ thể và bị loại bỏ. Do đó, cố gắng ngủ đủ 8 tiếng/đêm – đây chính là bí kíp giúp bạn không bị đầy hơi, trướng bụng.
8. Có thể xem xét việc dùng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai dùng ở dạng uống không có tác dụng ngừa thai tuyệt vời, mà còn giảm đáng kể cơn đau do kỳ kinh gây ra và làm ổn định lượng hormone. Bác sĩ Roy dẫn chứng: “Trên thực tế, nhiều nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, thuốc tránh thai làm giảm tác động của hội chứng tiền kinh nguyệt lên tới hơn 50%”.
(Nguồn: Womenshealthmag)