Cảm giác mệt mỏi là triệu chứng thường thấy ở hầu hết các thai phụ, đặc biệt trong khoảng thời gian ba tháng đầu và cuối của thai kỳ, khi cơ thể sản xuất ra nhiều loại hormone mới để chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
Ngoài ra, những sự thay đổi về tâm lý và thể chất trong quá trình thai nghén cũng có thể gây nên tâm trạng căng thẳng về mặt tâm thần và cảm xúc đối với chị em.
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, cơ thể thai phụ phóng thích ra nhiều hormone progesterone, tạo cho chị em cảm giác uể oải và buồn ngủ. Ngoài ra, cơ thể thai phụ còn sản xuất ra nhiều máu để giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng tới bào thai, khiến tim và các cơ quan khác phải làm việc nhiều hơn bình thường. Cơ thể thai phụ cũng có những thay đổi để phù hợp với quá trình xử lý thực phẩm và dinh dưỡng trong thời gian này.
Ngoài ra, những sự thay đổi về tâm lý và thể chất trong quá trình thai nghén cũng có thể gây nên tâm trạng căng thẳng về mặt tâm thần và cảm xúc đối với chị em.
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, cơ thể thai phụ phóng thích ra nhiều hormone progesterone, tạo cho chị em cảm giác uể oải và buồn ngủ. Ngoài ra, cơ thể thai phụ còn sản xuất ra nhiều máu để giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng tới bào thai, khiến tim và các cơ quan khác phải làm việc nhiều hơn bình thường. Cơ thể thai phụ cũng có những thay đổi để phù hợp với quá trình xử lý thực phẩm và dinh dưỡng trong thời gian này.
Tất cả những sự thay đổi đó sẽ gây căng thẳng cho cơ thể và có thể dẫn đến triệu chứng mệt mỏi. Trong ba tháng cuối thai kỳ, việc gia tăng trọng lượng của bào thai sẽ tạo thêm gánh nặng cho sức khỏe của chị em. Các thai phụ thường có những triệu chứng như: khó ngủ, tiểu nhiều lần về đêm, đau nhức cơ bắp chân, ợ nóng.
Mệt mỏi do thiếu máu: Theo các chuyên gia, tâm trạng mệt mỏi có thể là triệu chứng của bệnh thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do thiếu chất sắt, là biểu hiện thường thấy ở khoảng một nửa các thai phụ. Lúc này, cơ thể thai phụ cần sắt để sản xuất ra huyết cầu tố (hemoglobin) – một loại protein có trong các hồng huyết cầu, giúp vận chuyển oxy tới các mô và bào thai.
Nhu cầu của cơ thể thai phụ cần nhiều chất sắt hơn trong suốt thời gian mang thai vì sự đòi hỏi của bào thai, cùng với quá trình gia tăng lượng máu sản xuất trong cơ thể và lượng máu mất đi trong khi sinh.
Tâm trạng mệt mỏi là dấu hiệu của bệnh thiếu máu khi bạn có những triệu chứng đi kèm như: thở nông, đánh trống ngực, cảm giác yếu ớt, da nhợt nhạt, hoa mắt. Hãy trao đổi với các bác sĩ để tìm cách điều trị nếu bạn có những triệu chứng vừa nêu.
Những lời khuyên dưới đây có thể giúp các thai phụ cải thiện được cảm giác mệt mỏi trong quá trình thai nghén:
Tận dụng những giấc ngủ ngắn và thường xuyên nghỉ ngơi
Hãy tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi, đặc biệt vào buổi trưa hoặc sau bữa tối. Trong lúc làm việc, hãy thường xuyên nghỉ chốc lát hoặc rảo vài bước để giúp hồi phục năng lượng.
Đi ngủ sớm
Cần phải điều chỉnh thời gian biểu và đi ngủ sớm hơn bình thường, đặc biệt nếu bạn thường thức giấc vài ba lần trong đêm. Hãy đi ngủ bất cứ khi nào bạn cảm thấy mệt. Đừng cố thức và duy trì giờ giấc ngủ bình thường như trước kia.
Tránh trở dậy nhiều lần trong đêm
Các thai phụ nên uống đủ nước vào các thời điểm sớm trong ngày. Đừng uống thêm bất cứ thứ gì trong khoảng thời gian từ hai đến ba giờ trước khi đi ngủ, nhằm giúp bạn không phải trở dậy để đi tiểu về đêm.
Nếu thường xuyên bị ợ nóng, bạn nên ăn bữa cuối trong ngày vào khoảng vài ba giờ trước khi nằm hoặc đi ngủ. Thực hiện thao tác co, duỗi chân nhẹ nhàng trước khi ngủ, nhằm ngăn ngừa tình trạng bị đau nhức cơ chân - một triệu chứng bình thường đối với hầu hết các thai phụ.
Luyện tập
Ngoại trừ trường hợp bác sĩ khuyên bạn không nên luyện tập, các thai phụ cần cố gắng luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngay cả các bài tập có mức độ vừa phải như đi bộ, cũng có thể giúp tạo tinh thần sảng khoái và gia tăng năng lượng cho cơ thể.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, thai phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra phương pháp luyện tập thích hợp.
Uống nhiều nước
Theo các chuyên gia, các thai phụ không uống đủ nước có thể gây mệt mỏi.
Thư giãn
Tránh những vấn đề gây trầm cảm. Giảm bớt những công việc xã hội hoặc những hoạt động khác làm bạn kiệt sức. Hãy dành thời gian cho những môn giải trí mà bạn cảm thấy dễ chịu và thư giãn. Sử dụng các kỹ thuật thư giãn như thở sâu, tập yoga, khi bạn cảm thấy cần nghỉ ngơi.
Nhờ sự trợ giúp
Nếu có thể, hãy nhờ người thân hoặc bạn bè giúp bạn quán xuyến công việc nhà. Trong trường hợp thai phụ cảm thấy quá căng thẳng, hãy trao đổi với bạn bè hoặc người thân, những người có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến các bác sĩ về các phương pháp giúp bạn cảm thấy thoải mái, như tham gia nhóm các bà bầu hoặc vài cách khác…
Ăn uống
Một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng bao gồm nhiều chất sắt và protein sẽ giúp thai phụ giảm tâm trạng mệt mỏi; đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt như: thịt đỏ, hải sản, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên chất, mì sợi, các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu, các loại quả hạch và các loại hạt.
Hãy thường xuyên uống nước cam quýt khi ăn các loại thực phẩm chứa sắt, nhằm giúp cơ thể hấp thu chất sắt được tốt hơn. Trong trường hợp cần bổ sung thêm vitamin và chất sắt trước khi sinh, bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Chú ý:
Hãy đến ngay bệnh viện kiểm tra trong trường hợp thai phụ cảm thấy có những triệu chứng sau: mệt lả bất ngờ, tâm trạng mệt mỏi không hết sau khi đã nghỉ ngơi đầy đủ, mệt mỏi dữ dội kéo dài trong vài tuần, tâm lý phiền muộn hoặc lo lắng thái quá.
Theo PNO