Hồi ta còn trẻ, còn "ngây thơ", Tết về cùng với niềm hân hoan xống áo, với bao lì xì đỏ thơm phức những đồng tiền mới cứng, là những ngày được bố mẹ đưa đi nhà này nhà kia chơi, chẳng phải nghĩ ngợi chuyện đi học, bài vở. Nhưng những ngày xưa cũ ấy đã đổi thay khi ta trở thành người lớn. Và cũng vì thế, từ niềm hân hoan đón chờ, tréo ngoe thay, Tết bỗng biến thành một niềm kinh hãi với đủ nỗi âu lo, vất vả.
1. Sợ dọn nhà
1. Sợ dọn nhà
Năm mới đến, ai cũng muốn nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, nhưng việc dọn nhà trước Tết quả là một "cực hình" với nhiều chị em. Chẳng hiểu sao, ngày nào cũng quét tước, lau dọn mà đến cuối năm, rác bụi cứ ở đâu ùn ùn đổ về. Nếu chị em nào có anh chồng cầu kỳ thích sơn sửa phòng ốc vào những ngày giáp Tết, công việc dọn nhà lại càng vất vả hơn bởi những vệt sơn vương lên đồ đạc.
Giá giúp việc theo giờ tăng chóng mặt, còn bao thứ chưa sắm sửa, chuẩn bị mà phải lui cui dọn nhà một mình khiến nhiều chị em... sợ Tết.
2. Sợ về quê
Về quê ngày Tết cũng là một điều ám ảnh những người sống và làm việc tại thành phố. Không chỉ vất vả trong khâu dọn dẹp, chuẩn bị hành lý, mỗi cuộc "di cư" cũng chẳng khác cực hình, bởi đường xá những ngày này chật như nêm, bến tàu xe thì đông như trẩy hội. Chưa kể, về quê còn đồng nghĩa với việc quà cáp, lì xì cho người già, trẻ nhỏ ở quê, là phân xử ngày ăn Tết sao cho công bằng bên ngoại, bên nội.
Với những nhà có con nhỏ, việc về quê ngày Tết còn đi cùng với nỗi lo em bé lạ chỗ, lạ nhà, bị thay đổi nếp sinh hoạt ăn ngủ hoặc được quá nhiều người chú ý, "vần" đến mệt lử.
Về quê sum họp ngày Tết là một niềm vui, nhưng cùng với nó cũng là nhiều nỗi âu lo.
3. Sợ đi chợ Tết
Cảm giác "như bị ăn cắp" khi đi chợ Tết hoàn toàn có thực, vì mỗi ngày, thậm chí mỗi buổi, giá cả hàng hóa trong chợ lại tăng cao đến chóng mặt. Tích trữ từ sớm thì lo thực phẩm không tươi, không tích trữ thì ngại ngày Tết không đủ đầy, sợ tốn quá nhiều tiền, đó là vòng luẩn quẩn mà nhiều chị em phải đối mặt trong những ngày này. Sợ nhất cái cảnh ngồi viết danh sách các thứ cần mua, bao nhiêu hoa quả, bao nhiêu đĩa xôi, con gà, bao nhiêu cân giò, cân thịt..., dự trù dư ra số tiền đem ra chợ, vậy mà vẫn "cháy túi".
4. Sợ nấu nướng, dọn dẹp
Bù đầu bù cổ với cơm nước tối ngày, tiếp đãi khách khứa xong lại xắn tay dọn dẹp, Tết với nhiều phụ nữ giống như những ngày "hành xác" hơn là một dịp thảnh thơi nghỉ ngơi như họ kỳ vọng. Nghĩ đến Tết, điều khiến chị em ngao ngán nhất có lẽ là vòng luẩn quẩn cơm nước này.
Những nàng dâu trong nhiều gia đình truyền thống ghét Tết nhất có lẽ là bởi phải lu bu nấu nướng, dọn dẹp cả ngày.
5. Sợ "không có gì" để mặc
Dù có đứng trước tủ đồ chật cứng áo len, áo dạ dài ngắn, váy đủ loại, giày cao gót, bốt la liệt, chị em vẫn luôn đăm chiêu lo lắng mình... không có gì để mặc. Nói cho chính xác, cơn ghiền mua sắm đồ mới luôn được dấy lên vào dịp giáp Tết, nên dù mới tân trang cả tủ đồ tháng trước, họ vẫn cảm thấy mình thiếu quần áo.
Chẳng hiểu sao các hãng thời trang cứ tung mẫu mới vào gần Tết nhỉ, để chúng ta luôn thấy tủ đồ của mình thiêu thiếu cái gì đó.
6. Sợ béo
Dĩ nhiên rồi, tăng cân là nỗi lo muôn thuở của mọi cô nàng, nhưng Tết là dịp không thể hợp lý hơn để nỗi lo ấy tăng cao. Những món ăn ngon lành và bổ dưỡng ngày Tết sẽ phục vụ chiếc miệng sành ăn, nhưng sẽ làm hại nỗ lực giữ dáng, giảm béo cả năm của hầu hết các cô nàng.
Giữ gìn một năm, tàn phá một tuần là đây!
7. Sợ hỏi chuyện cá nhânChẳng hiểu sao cái thói quen cho mình xâm phạm vào đời sống riêng tư của người khác lại được nhiều người "hợp pháp hóa" như thể đó là chuyện hiển nhiên, nhất là vào dịp Tết. Những vị khách đến nhà chơi Tết chẳng bao giờ quên "tra hỏi" chủ nhà những câu hỏi cực kỳ riêng tư như: "Bao giờ có em bé nữa", "Em sắp lấy chồng chưa?", "Cháu làm lương tháng bao nhiêu?", "Con chị lớn thế rồi mà chưa cai sữa à?", "Cháu đẻ cả năm rồi mà vẫn béo nhỉ, bây giờ bao nhiêu cân rồi?"... vân vân và vân vân. Không trả lời thì bị coi là khiếm nhã, mà trả lời những câu hỏi lãng xẹt như vậy cũng chẳng khiến chị em thoải mái gì!
Bị xoay như chong chóng những câu hỏi riêng tư là điều khiến nhiều chị em ghét nhất trong ngày Tết.
8. Sợ ra Giêng hết tiền tiêu
Và chẳng có điều gì khiến chị em "xanh mặt" vì Tết hơn là việc kỳ nghỉ này ngốn quá nhiều tiền bạc, với nhiều gia đình, là khoảng 2 - 3 tháng lương thưởng. Dù có được "thu hoạch" bù lại nhờ tiền lì xì của con, việc chi tiêu quá nhiều trong Tết để lại cho chị em một nỗi lo hậu Tết: tháng Giêng sẽ là tháng "giáp hạt". Vừa trải qua những ngày Tết tiêu xài xả láng, tháng Giêng luôn là tháng bị căm phẫn nhất năm, bởi vì nó là tháng mà hoặc chúng ta phải ăn lại những món ăn cũ rích tồn lại từ trước, hoặc phải chi tiêu cực kỳ tiết kiệm, chờ đợi cho đến ngày lĩnh lương.