Có tiền tiết kiệm - dù ít hay nhiều, cũng là một trong những minh chứng cho thấy bản thân người đó có khả năng quản lý chi tiêu. Nhưng ở chiều ngược lại, không có tiền tiết kiệm liệu có đồng nghĩa với việc vụng chi, chẳng biết quản lý tiền bạc?
Đừng vội gật đầu cái rụp, bởi chuyện gì cũng có ngoại lệ và đôi khi, người giỏi vun vén cũng vẫn rơi vào cảnh bí bách, hoang mang vì cố lắm rồi vẫn chẳng thấy có dư…
Nuôi 3 con nhỏ với mức thu nhập 20-30 triệu/tháng, chị mẹ khiến CĐM thán phục dù thừa nhận “lấy chồng 8 năm không dư đồng nào”
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, một chị mẹ 3 con đã kể về nỗi băn khoăn trong cách vun vén thu chi của gia đình.
Trong bài đăng của mình, chị viết: “Em cứ ao ước mua nhà mãi mà đến giờ chẳng để được đồng nào. Các bác xem em có vén được chỗ nào để 20 năm nữa về hưu, em mua được nhà không ạ? Hay em ở luôn với bố mẹ em, khỏi cần nghĩ chuyện mua nhà nữa luôn?”.
Hoàn cảnh của gia đình chị mẹ 3 con này có thể tóm tắt như sau:
- Hai vợ chồng và 3 con nhỏ đang sống cùng ông bà ngoại. Gia đình không mất tiền thuê nhà.
- Thu nhập trung bình của 2 vợ chồng trong 1 năm trở lại đây là 30 triệu/tháng. Trước đó chỉ khoảng 20 triệu/tháng. Cuối năm hai người có thêm khoản tiền thưởng, khoảng 50 triệu/năm.
Các khoản chi cố định, cơ bản hàng tháng khoảng 27,7 triệu đồng. Cụ thể:
- Tiền điện, nước, wifi: 1,5 - 2,5 triệu đồng.
- Tiền ăn (gửi ông bà, tự mua thêm đồ ăn cho cả nhà): 4 triệu.
- Đồ dùng trong nhà (mắm muối, dầu ăn, sữa tắm, dầu gội,...): Trung bình 1 triệu/tháng.
- Mua đồ thắp hương ngày Rằm, mùng 1 cho nhà nội và nhà ngoại: 1 triệu.
- Tiền đóng BHXH tự nguyện cho chồng và bố mẹ chồng: 2,9 triệu.
- Tiền học cho 3 con: 15 triệu đồng.
- Tiền bỉm, sữa cho con út: 1,8 triệu đồng.
- Phát sinh (hội hè, đồ dùng học tập, sinh nhật, hiếu hỷ,...) 500k.
Các khoản chi cố định theo năm:
- Đưa ông bà ngoại và gia đình đi chơi gần Hà Nội: 4 - 6 triệu.
- Mua sắm Tết, lì xì ông bà 2 bên: 20 triệu.
Với mức thu nhập 20 triệu/tháng trong 7 năm trước và 30 triệu/tháng trong 1 năm trở lại đây, việc chị mẹ 3 con này không tiết kiệm được gì sau 8 năm lấy chồng cũng không có gì khó hiểu. Nhìn cách chi tiêu mà chị liệt kê, nhiều người phải thốt lên “đỉnh quá rồi”.
Gia đình đông con, muốn có tiền tiết kiệm phải làm thế nào?
Với những người đang nuôi con nhỏ, mục tiêu tiết kiệm nói riêng hay việc quản lý tài chính nói chung sẽ không còn dễ dàng như thời độc thân được nữa, vì có rất nhiều vấn đề phát sinh, đơn cử như việc con ốm, con nhập viện chẳng hạn. Dù không mong muốn, nhưng trẻ con ốm là chuyện thường tình, một tháng bay mất vài triệu tiền thăm khám, thuốc men không có gì là lạ.
Dẫu vậy, cũng không phải không có cách để duy trì và gia tăng tỷ lệ tiết kiệm.
1 - Quyết tâm không động vào tiền thưởng Tết
Đi làm cả năm, ai cũng mong tiền thưởng Tết. Tùy vào tính chất, đặc thù công việc mà mỗi người sẽ có một mức thưởng Tết khác nhau. Nếu đang đề cao mục tiêu tiết kiệm, thay vì tiêu hết tiền thưởng Tết, bạn nên quyết tâm giữ nguyên khoản tiền thưởng này, không “động” vào.
Để làm được điều ấy, ngay từ bây giờ, bạn cần lên kế hoạch chuẩn bị ngân sách chi tiêu, mua sắm cũng như tiền biếu ông bà nội ngoại vào dịp Tết. Kinh tế eo hẹp quá thì giảm triệt để khoản sắm quần áo, giày dép, đào hoa chơi Tết là cũng tiết kiệm được kha khá rồi.
2 - Xem xét lại mức học phí của con
Chẳng bố mẹ nào lại tiếc tiền cho con đi học. Nhưng việc đầu tư cho con cũng cần cân đối, phù hợp với hoàn cảnh, nền tảng tài chính của gia đình. Bố mẹ thu nhập 30 triệu mà tiền học của riêng 1 bé đã 9 triệu (như trong trường hợp của chị mẹ 3 con phía trên), công tâm mà nói, vậy là hơi cao quá.
Kinh tế chưa dư dả, cho con học trường công là lựa chọn hợp lý nhất. Bởi quá trình đầu tư cho con đi học không chỉ dừng lại ở vài ba năm mẫu giáo, mà còn là 12 năm đằng đẵng phía trước cho tới khi con tốt nghiệp THPT. Hiện tại chi quá mạnh tay, đến mức không tiết kiệm nổi và không có quỹ dự phòng cũng chẳng phải nước đi lâu dài.
3 - Đa dạng hóa nguồn thu
Không thể cắt giảm chi tiêu nhưng vẫn muốn duy trì, thậm chí là tăng tỷ lệ tiết kiệm, vậy cách duy nhất chỉ có thể là tăng thu nhập. Nói cách khác chính là đa dạng hóa nguồn thu. Tùy vào tính chất công việc full-time, cũng như quỹ thời gian rảnh trong ngày, mà các cặp vợ chồng có thể cân nhắc lựa chọn những công việc tay trái khác nhau.
Người chọn kinh doanh online, người chọn làm tiếp thị liên kết, hoặc cùng lắm là tranh thủ làm shipper/xe ôm sau giờ tan làm. Việc thì chắc chắn không thiếu, quan trọng là bạn có đủ quyết tâm, chịu khó để làm hay không mà thôi.