1. Tránh ăn cho 2 người
Khi mang thai, nhiều mẹ có cảm giác thèm ăn và ăn liên tục vì nghĩ rằng phải ăn cho 2 người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 3 tháng đầu hầu như mẹ bầu nào cũng chỉ nên ăn như bình thường. Bước sang tam cá nguyệt thứ 2 - thứ 3, bà bầu chỉ cần nạp thêm khoảng 300 calo mỗi ngày so với lượng tiêu thụ bình thường.
Ngoài ra mẹ bầu tránh ăn quá no, hãy chia nhỏ bữa ăn để dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng hơn. Việc chia nhỏ bữa ăn nhưng vẫn cần đảm bảo mẹ bầu nạp năng lượng vừa phải, tránh ăn quá nhiều. Mỗi bữa ăn lý tưởng thường bao gồm 25% tinh bột, 50% rau củ, 25% protein.
2. Suy nghĩ trước khi ăn
Khi mang thai, mẹ bầu không thể ăn uống thoải mái được. Bởi bất kỳ món ăn nào mẹ nạp vào cơ thể đều ảnh hưởng trực tiếp đến em bé trong bụng. Nhất là giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, có nhiều loại rau hoặc món ăn, mẹ bầu ăn vào sẽ dễ bị sảy thai. Vì vậy, trước khi chọn ăn bất cứ món gì, mẹ hãy nhớ nghĩ đến bé trước đã nhé.
3. Không bỏ đói bản thân
Khi mẹ nhịn ăn nghĩa là đang bỏ đói bé. Bởi thai nhi ở trong bụng nhận dinh dưỡng từ mẹ. Thậm chí, bé biết đói ngay cả khi mẹ chẳng hề cảm thấy đói nữa. Nghiên cứu cho thấy mẹ bầu nên ăn ít nhất 5 lần/ ngày (chẳng hạn như 3 bữa chính và 2 bữa nhẹ/ ngày hoặc 6 bữa nhỏ/ ngày) có khả năng cao sinh con đúng ngày dự sinh hơn.
4. Không ăn nhiều đồ ngọt
Ăn thức ăn nhanh và uống nước ngọt có đường thường xuyên sẽ không có lợi cho sức khỏe của mẹ bầu. Nếu ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhanh và nước uống có ga... chị em có thể bị béo phì, tiểu đường thai kỳ.
5. Ăn hiệu quả chứ không ăn quá nhiều
Mẹ bầu nên ăn chất lượng hơn số lượng. Việc ăn uống khoa học, hợp lý giúp cho bản thân mẹ khoẻ đẹp hơn, dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng để nuôi thai nhi trong bụng. Trong bữa ăn của mẹ nên đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu: carbohydrate, protein, lipid và vitamin. Vì mỗi nhóm chất dinh dưỡng sẽ có vai trò riêng, hỗ trợ cung cấp năng lượng riêng để nuôi dưỡng cơ thể, nên việc cung cấp đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng là đặc biệt quan trọng và cần thiết, giúp cơ thể khỏe mạnh và nhiều sức sống, đồng thời ngăn chặn các loại bệnh, tăng sức đề kháng tốt hơn cho mọi hoạt động hàng ngày của mẹ bầu.
6. Đừng kiêng hoàn toàn tinh bột
Nhiều mẹ bầu sợ tăng cân nên cắt bỏ hoàn toàn tinh bột ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Thực tế, mỗi bữa ăn của mẹ vẫn phải đảm bảo 25% tinh bột để cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng cho thai nhi phát triển. Đặc biệt chị em mang thai nên ăn nhiều tinh bột phức hợp (như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt...) vì đây là nguồn cung cấp vitamin B, khoáng chất, chất đạm và chất xơ. Những chất này vốn vô cùng cần thiết cho cả bé lẫn mẹ (giúp mẹ kiểm soát chứng buồn nôn và táo bón). Bên cạnh đó, chúng làm no bụng, giàu chất xơ và không gây béo phì nên có thể giúp mẹ kiểm soát cân nặng tốt.
Theo những nghiên cứu khoa học gần đây, ăn nhiều chất xơ (vốn chứa trong tinh bột phức hợp) có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường thai kỳ.
7. Hạn chế ăn đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm ở trạng thái tự nhiên, chưa qua chế biến sẽ chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất. Tốt hơn cả là mẹ nên chọn mua các loại rau tươi và hoa quả vào đúng mùa của chúng. Hoặc không thì hãy chọn các loại rau củ đông lạnh không qua tẩm ướp gì cả. Khi muốn chế biến, mẹ nên chọn phương pháp hấp hoặc xào sơ để vitamin và khoáng chất không bị mất nhiều.
Thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp sẽ chứa chất bảo quản, chất béo, đường và muối không tốt cho phụ nữ mang thai. Hơn nữa những thực phẩm này còn chứa rất ít chất dinh dưỡng. Mẹ bầu cũng nên hạn chế ăn hoa quả trái mùa. Bởi những thực phẩm này thường phải sử dụng nhiều hoá chất để bảo quản, ngoài ra trong khâu trồng trọt, người nông dân cũng phải sử dụng nhiều hoá chất hơn bình thường để đảm bảo năng suất.
8. Không uống rượu bia, đồ uống có cồn và hút thuốc lá
Đó là những thói quen xấu gây nghiện và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi phát triển trong bụng. Nếu đó là thói quen của mẹ, hãy từ bỏ chúng ngay từ bây giờ nhé.