1. Mua nhà nằm ngoài khả năng
Nhiều người có xu hướng mua ngôi nhà đắt nhất mà họ đủ điều kiện vay thế chấp. Cho dù bạn có đủ điều kiện vay khoản thế chấp ấy nhưng không có nghĩa là bạn thực sự đủ khả năng mua ngôi nhà đó.
Nếu dồn đến xu cuối cùng vào việc thanh toán thế chấp, bạn sẽ không còn lại gì để tiết kiệm và đầu tư. Trong trường hợp xấu hơn, bạn thậm chí còn không có đủ tiền trả phí bảo trì, bảo dưỡng căn nhà. Gồng mình lên để mua một ngôi nhà đắt tiền, bạn đang tự đặt bản thân vào nguy cơ nợ nần.
2. Nợ thẻ tín dụng
Nợ thẻ tín dụng là một trong những thủ phạm lớn nhất bào mòn và giết chết giá trị tài sản ròng của cá nhân. Và có một điều thế này, đó là nợ thẻ tín dụng dường như luôn tăng lên và tăng khá nhanh một khi bạn đã quen với nó.
Lãi suất cao đến hai con số ở hầu hết các thẻ tín dụng, các khoản nợ nhỏ có thể biến thành một khoản nợ lớn trong thời gian ngắn. Bạn phải trả bao nhiêu lãi nợ thẻ tín dụng nghĩa là bạn mất đi từng ấy tiền tiết kiệm. Điều này làm thiệt hại ghê gớm đến giá trị tài sản ròng của chúng ta.
3. Không lập và tuân theo ngân sách
Lập ngân sách nghe có vẻ nhàm chán và tốn thời gian nhưng nó lại cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn nghiêm túc xây dựng giá trị tài sản ròng của mình. Nói đơn giản thì chính là kế hoạch thu chi của bạn, giúp chúng ta theo dõi thu nhập và chi tiêu, biết tiền của mình vào - ra cụ thể thế nào.
Từ những điều đó, bạn sẽ tránh được tình trạng bội chi, đồng thời kiểm tra xem tài chính của mình có bị rò rỉ hay không và tiến trình tiết kiệm, đầu tư đã đi đến đâu.
4. Mua sắm bốc đồng
Mua sắm bốc đồng không thường xuyên có thể chưa gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tiết kiệm dài hạn của bạn. Nhưng khi nó đã trở thành thói quen thì bạn sẽ khó mà xây dựng được tài sản. Theo thời gian, mua sắm bốc đồng sẽ làm tiêu hao dòng tiền cá nhân, thậm chí còn đẩy chúng ta vào cảnh nợ nần.
Theo nguyên tắc, một giao dịch mua tăng thêm có thể được cho phép khi nó không làm thiệt hại đến ngân sách. Nghĩa là bạn cần phải cắt giảm chi phí ở một khu vực khác nếu muốn mua sắm thêm.
5. Ăn ở ngoài
Thỉnh thoảng ăn ngoài sẽ không phá hủy giá trị tài sản ròng của bạn. Tuy nhiên, nếu đi ăn ngoài thường xuyên hơn so với nấu nướng ở nhà, bạn đang tự làm hại tài khoản của mình. Điều này cũng áp dụng cho các dịch vụ giao hàng tận nhà.
Theo một nghiên cứu của Forbes, chi phí đặt món ăn từ nhà hàng trung bình gấp khoảng 5 lần so với nấu ăn ở nhà. Nếu thường ăn ở ngoài hơn thì rõ ràng bạn đang tự làm hao hụt một số tiền đáng kể cho tiết kiệm và đầu tư.
Ngoài ra không thể phủ nhận được một điều nữa là ăn ở nhà bao giờ cũng có lợi cho sức khỏe hơn. Về lâu về dài nó còn giúp chúng ta tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe.
6. Không so sánh giá trước khi mua hàng
Chúng ta gần như thực hiện các giao dịch mua mỗi ngày, từ quần áo, đồ dùng, đồ gia dụng, từ các mặt hàng giá trị nhỏ đến những món đồ có giá trị lớn.
Bạn không cần thiết phải ám ảnh về việc tìm kiếm mức giá thấp nhất cho mỗi giao dịch mua, thế nhưng ít nhất cũng cần kiểm tra xung quanh trước khi mua hàng. Nhiều khi bạn có thể tiết kiệm một khoản tiền đáng kể bằng cách mua thương hiệu khác thay thế hoặc mẫu/kiểu dáng có chất lượng tương tự. Hoặc đơn giản chỉ là mua ở một cửa hiệu khác bán giá rẻ hơn cho cùng một mặt hàng. Nếu tạo lập được thói quen chi tiêu tốt ấy, chúng ta sẽ tiết kiệm được khoản tiền đáng kể trong suốt cuộc đời.
7. Rút tiền từ tài khoản hưu trí
Tài khoản hưu trí nghĩa là bạn không được động vào cho đến khi nghỉ hưu. Thật không may là nhiều người lại coi tài khoản này như một quỹ tiết kiệm có sẵn. Việc làm này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kế hoạch xây dựng sự giàu có dài hạn của bạn, nghiêm trọng hơn là khiến chúng ta phải khốn đốn khi về hưu.
8. Không đầu tư sớm
Cho dù bạn có kiếm được nhiều tiền thì cũng khó mà trở nên giàu có chỉ với việc tiết kiệm. Đầu tư là chìa khóa để tạo ra của cải về lâu về dài. Với sức mạnh của lãi suất kép, bạn đầu tư càng sớm thì càng tạo ra được giá trị tài sản lớn.
Giả sử lợi nhuận đầu tư của bạn ở mức 8%/năm, đây là mức lợi nhuận dễ dàng đạt được với những phương án đầu tư có hệ số an toàn khá cao. Đến 40 tuổi mới đầu tư với mục tiêu ở tuổi 65 có được 1 triệu USD tiết kiệm, bạn cần phải bỏ ra khoảng 1052 USD mỗi tháng để đầu tư. Thay vào đó nếu đầu tư từ độ tuổi 20, chúng ta sẽ chỉ cần bỏ ra khoảng 190 USD mỗi tháng. Rõ ràng áp lực sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng đạt được thành công hơn rất nhiều.