Có thể nói trong suốt 7 tháng qua, các bé đã từng bước, từng bước hoàn thiện dần các kỹ năng vận động và các giác quan của mình. Mỗi một tháng trôi qua, bé lại lớn hơn thêm một chút. Và bước sang tháng thứ 8, cơ bắp của bé ngày càng khỏe mạnh hơn, cũng như trí não của bé cũng phát triển hoàn thiện hơn.

Bây giờ, bé không chỉ biết vận động thô như bò hay bám vịn tự đứng lên, mà bé còn học được một kỹ năng vận động tinh là nhón đồ vật bằng 2 ngón tay – một cột mốc phát triển quan trọng trong tháng thứ 8.

1. Bé 8 tháng tuổi biết sử dụng "kỹ năng gọng kìm", biết bám vịn tự đứng lên

Cơ bắp của trẻ 8 tháng tuổi ngày càng khỏe mạnh. Bé có thể tự kéo cơ thể mình đứng lên khi bám được vào ghế hoặc giường. Bây giờ thì gần như bé nào cũng đã biết bò và trong một hai tháng tới, bé sẽ biết tận dụng đồ nội thất trong nhà để di chuyển khắp nơi theo kiểu đi men.

Do vậy, khi con ở độ tuổi này, cha mẹ nên đảm bảo các đồ dùng trong nhà như tivi, tủ, bàn, ghế, giường... phải chắc chắn, đồng thời cha mẹ nên bọc cạnh bàn, bịt ổ điện, dùng miếng chặn cửa để con khỏi bị cụng đầu hoặc bị kẹt chân tay vào cửa.

Kỹ năng gọng kìm và quy tắc ống giấy vệ sinh là một cặp đôi trong hành trình phát triển của trẻ 8 tháng tuổi mà cha mẹ cần lưu tâm - Ảnh 1.

"Kỹ năng gọng kìm" - sử dụng ngón tay cái và ngón tay trỏ để nhón đồ vật - là một kỹ năng quan trọng giúp xây dựng sự tự tin khi bé có thể làm được nhiều điều cho bản thân (Ảnh minh họa).

Ở độ tuổi này, các bé cũng đang tìm cách kết hợp giữa các kỹ năng vận động với các giác quan của mình. Biểu hiện của cột mốc phát triển này là bé sẽ nhìn khắp phòng để tìm ra món đồ chơi mình thích, sau đó, bò qua để nhặt nó lên. Bé cũng có thể điều khiển đồ chơi một cách dễ dàng bằng cách đập các khối vào với nhau, ném một quả bóng hoặc xếp chồng các cốc lên nhau.

Đặc biệt, cột mốc phát triển quan trọng của bé 8 tháng tuổi phải kể đến là "kỹ năng gọng kìm" - sử dụng ngón tay cái và ngón tay trỏ để nhón đồ vật. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp xây dựng sự tự tin khi bé có thể làm được nhiều điều cho bản thân. Tuy vậy, đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần để mắt đến con mình hơn nữa, vì bé có thể nhón bất cứ thứ gì cho vào miệng. Từ đồ chơi nhỏ, cho đến hạt bụi ở trên sàn nhà.

Và quy tắc "ống giấy vệ sinh" cần được áp dụng. Nghĩa là những món đồ vật có thể lọt vào trong ống giấy vệ sinh thì đó là món đồ nguy hiểm có thể gây hóc nghẹn cho con, cha mẹ cần cất lên cao, ngoài tầm tay bé.

Dấu hiệu nguy hiểm: Hầu hết các bé ở độ tuổi này đều đã biết bò, nhưng cha mẹ cũng không nên quá lo lắng nếu con vẫn đang di chuyển theo cách trườn, lết. Vì trên thực tế, có những bé bỏ qua giai đoạn vận động bò, mà chuyển thẳng lên đi luôn, gọi nôm na là "trốn bò".

Song , nếu ngoài việc trốn bò, các kỹ năng khác bé cũng không thể làm được, tay chân thì quá mềm hoặc quá cứng, không cố với lấy đồ chơi, không chịu đứng khi được hỗ trợ thì cha mẹ nên cho con đi khám bác sĩ.

2. Bé nhận ra các mối quan hệ nhân – quả, phân biệt được thứ mình thích và không thích

Kỹ năng gọng kìm và quy tắc ống giấy vệ sinh là một cặp đôi trong hành trình phát triển của trẻ 8 tháng tuổi mà cha mẹ cần lưu tâm - Ảnh 2.

8 tháng tuổi là giai đoạn bé phát triển ý thức mạnh mẽ về bản thân và nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh. Bé hiểu về sự tồn tại của đối tượng và bắt đầu dự đoán thói quen hàng ngày. Chẳng hạn như vào cũi là đến giờ đi ngủ, ngồi lên ghế là đến giờ ăn. Bên cạnh đó, bé cũng nhận ra mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả: khi mình thả chiếc khăn này xuống là mẹ sẽ nhặt nó lên.

Ngoài ra, ở tuổi này, bé cũng bắt đầu nhận ra những gì mình thích và không thích. Đó là lý do tại sao cha mẹ có thể thấy một cái cau mày khi cho con ăn một miếng bông cải xanh, và một nụ cười khi đút cho con miếng khoai lang.

Lúc này, cha mẹ sẽ nghe con nói bập bẹ nhiều hơn. Dù đa số đó là những từ ngữ không rõ ràng, nhưng thỉnh thoảng cha mẹ vẫn cảm thấy sướng rơn khi con hướng mắt nhìn về phía mình mà gọi "baba" hay "mama". Thêm vào đó, các bé 8 tháng tuổi cũng đã hiểu ý nghĩa của một vài từ cơ bản như ti, bú sữa, hay bái bai, hoan hô, vỗ tay… để thực hành làm theo khi nghe những từ quen thuộc ấy.

Dấu hiệu nguy hiểm: Nếu như đến giai đoạn này mà con vẫn không nói không rằng, không phản ứng với âm thanh, không phân biệt được người quen người lạ, phớt lờ cha mẹ thì đã đến lúc bé cần được bác sĩ thăm khám để kiểm tra.