1. Mớm cho bé ăn
Cứ nghĩ đó chỉ là một thói quen hết sức bình thường, thậm chí nhiều bà mẹ còn nghĩ việc làm này giúp bé có hệ tiêu hóa tốt, là trao đổi tình yêu thương, thế nhưng mớm cơm lại vô cùng có hại cho sự phát triển của con.
Các bác sĩ nhi khẳng định việc nhai cơm bón cho trẻ là việc làm hoàn toàn không nên, điều này ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa của bé, dễ khiến trẻ lây viêm dạ dày nếu người lớn mắc vi khuẩn gây bệnh thậm chí về lâu về dài sẽ bị biến chứng thành ung thư dạ dày.
Vì vậy, kể cả người nhai cơm cho bé có giữ vệ sinh răng miệng tới đâu, cẩn thận tới mức nào thì vẫn khó có thể "cản" được những vi khuẩn có hại truyền sang bé.
2. Pha trò trong khi cho con ăn
Những lúc bé không chịu ăn, quấy khóc, dỗ dành bằng việc trêu đùa, pha trò khiến con cười là cách nhiều bậc phụ huynh áp dụng. Thế nhưng họ không biết rằng vừa ăn vừa cười sẽ khiến thức ăn rơi vào khí quản, gây ho.
Những trường hợp không may, thức ăn đó sẽ bịt kín khí quản hoặc một nhánh của khí quản, khiến việc hô hấp của bé gặp nguy hiểm tới tính mạng: gây sặc hoặc tắc nghẽn đường thở.
3. Vừa bế con vừa... rung lắc
Nhiều bậc phụ huynh thể hiện tình yêu thương con bằng việc bế ẵm, cưng nựng rồi rung lắc, thậm chí nhiều người còn có "chiêu" tung con lên không trung rồi hứng, xoay...
Việc làm này vô cùng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ đặc biệt là những bé dưới 10 tháng tuổi. Thời điểm này, cổ của bé còn rất yếu, não của bé mềm và chưa cố định. Khi bạn rung lắc, phần não của bé sẽ bị chấn động, va chạm vào hộp sọ, các mạch máu nhỏ bị rách, chảy máu và gây tổn thương nghiêm trọng trong não.
Điều này vô tình gây tổn thương não – những tổn thương có thể là vĩnh viễn cho con. Vì triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với một số tình trạng khác như nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa... nên khó phát hiện, nhất là những trường hợp nhẹ.
4. Lấy ráy tai cho bé
Không giống như suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, ráy tai cũng có nhiều công dụng: ngăn bụi, côn trùng bay, bảo vệ màng nhĩ. Nhiều người cứ định kỳ lại làm sạch tai con bằng cách lấy ráy. Tuy nhiên họ không biết rằng đôi tai của trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa phát triển toàn diện, da và sụn còn rất mềm.
Nếu không cẩn thận, cha mẹ có thể làm rách lớp da mỏng manh trong tai gây ra viêm nhiễm, nặng hơn là có thể làm tổn thương màng nhĩ dẫn đến điếc.
5. Tự ý làm bác sĩ cho con
Có thể bạn đã nhiều kinh nghiệm chăm sóc con song có rất nhiều trường hợp của con, bạn rất khó có thể kiểm soát được. Khi thấy con ho, sốt hay có bất cứ một dấu hiệu bất thường nào, nhiều bậc phụ huynh thường tự ý cho bé dùng thuốc theo linh tính, bài thuốc dân gian hay ai đó mách.
Việc làm này vô cùng nguy hiểm cho trẻ và có thể khiến trẻ bệnh càng thêm nặng hơn, nếu không may trị bệnh cho con không đúng thuốc còn gây ảnh hưởng tới tính mạng của con.
6. Không rửa tay trước khi chăm sóc con
Nhiều bậc phụ huynh coi việc rửa tay trước khi bế ẵm, chăm sóc con là việc bình thường, không cần thiết song điều này lại vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển của con.
Vi khuẩn độc hại cư trú trên bàn tay cha mẹ có thể lây truyền sang da bé, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Đây không phải là sự cẩn thận thái quá mà là một việc làm khoa học. Việc làm này sẽ loại trừ nhiều khả năng lây lan bệnh tật bởi trẻ sơ sinh là nhóm có nguy cơ bị nhiễm trùng, lây bệnh cao nhất.
7. Mặc quá ấm cho con khi ngủ
Nhiều bà mẹ sinh con đầu lòng ngây thơ nghĩ rằng trời lạnh thì cho bé mặc càng ấm càng tốt kể cả lúc ngủ. Nhưng các bác sĩ khuyến cáo rằng việc làm này sẽ khiến hạn chế động tác thở, gây thở kém, suy hô hấp ở bé.
Khi ngủ, cha mẹ nên cho con mặc thoáng, có thể là một áo cotton bên trong và một áo len mỏng hay bộ body bên ngoài, đầu đội mũ. Ngoài ra, muốn giữ ấm cho con thì ngoài vấn đề về thân nhiệt của trẻ, cha mẹ cần lưu ý đến nhiệt độ trong phòng (nhiệt độ phòng thích hợp khoảng 28 độ C, tránh gió lùa nhưng tuyệt đối không được quá bí).
Thêm vào đó, mặc quá nhiều quần áo khiến bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi, làm nhiễm lạnh ngược và bé dễ viêm phổi. Ngoài ra, việc ủ quá nhiều lớp áo, chăn gây nóng còn dễ khiến làn da mỏng manh của trẻ bị viêm, ngứa, gây cho bé sự khó chịu. Ở một mức độ nào đó, ủ ấm quá mức còn khiến trẻ bị đột tử.
Tóm lại, để đảm bảo an toàn cũng như giúp bé thấy thoải mái, bạn nên theo dõi nhiệt độ, phản ứng của bé (mặt đỏ, ra mồ hôi, quấy khóc...) để điều chỉnh lượng quần áo cho phù hợp nhất.
8. Lạm dụng thuốc trị biếng ăn cho con
Khi thấy con biếng ăn, nhiều chị em tức tốc tìm tới thuốc chuyên dụng để kích thích sự thèm ăn ở con. Thấy vài lần hiệu nghiệm, chị em cứ nhiệt tình lạm dụng dùng, con cứ biếng ăn là lại nhờ tới thuốc.
Việc dùng thuốc để kích thích trẻ ăn lâu nay vẫn được nhiều phụ huynh sử dụng. Việc cho con sử dụng thuốc trị biếng ăn lâu dài sẽ gây tác hại vô cùng (táo bón, gây khô miệng, khó tiểu tiện và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương).... Khi ngưng thuốc trẻ sẽ biếng ăn trở lại.
Vì thế, để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, các bác sĩ khuyên bậc phụ huynh nên kiên nhẫn tập cho trẻ ăn bằng cách tạo một tâm lý thoải mái và hứng thú khi ăn uống, chế biến các loại món ăn đa dạng phù hợp với thói quen, sở thích của trẻ...