Thực phẩm cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động mỗi ngày. Nhưng đối với những người có vấn đề ở dạ dày, ruột như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS), một số thực phẩm lành mạnh cũng tạo ra tính "sát thương" cao.
Trong khi đó, chăm sóc đường ruột là điều cực kỳ quan trọng với sức khỏe bởi bộ phận này có đảm bảo chức năng thì bạn mới sống khỏe mạnh, sống thọ. Cẩn trọng với những loại thực phẩm này nếu bạn không muốn gây tổn thương đường ruột, người mắc bệnh dạ dày càng nên lưu ý.
8 loại thực phẩm gây "sát thương" đường ruột cao nhất, người bệnh dạ dày ăn phải thì càng nặng thêm
1. Thực phẩm giàu carb tinh chế
Các loại carbohydrate đơn giản trong ngũ cốc tinh chế và thực phẩm chế biến cao như khoai tây chiên, bánh mì trắng và nước ngọt có thể gây đầy bụng, đầy hơi và chuột rút.
BS Uma Naidoo (tác giả cuốn sách This Is Your Brain on Food) cho biết, vi khuẩn có hại trong đường ruột thích thức ăn có đường. Vì vậy, điều này tạo cơ hội cho chúng phát triển mạnh hơn vi khuẩn có lợi. Đường ruột mất cân bằng vi khuẩn dẫn đến viêm ruột.
2. Súp đóng hộp, giăm bông và các loại thực phẩm giàu natri
Một lon súp trung bình chứa hơn 700mg natri, một chiếc bánh sandwich giăm bông chứa hơn 1.117mg...
BS William W. Li (tác giả cuốn sách Eat to Beat Disease: The New Science of How Your Body Can Health Itself) khẳng định, chế độ ăn nhiều muối không chỉ gây tăng huyết áp, có hại cho tim mạch mà còn cực kỳ không tốt cho niêm mạc dạ dày.
3. Sữa chua ít chất béo
Những người không dung nạp lactose có thể bị đau bụng khi ăn các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua ít chất béo, pho mát... Nhưng bạn có biết, lượng đường cao trong những sản phẩm này có thể gây khó chịu cho dạ dày ngay cả khi bạn dung nạp lactose bình thường?
Ví dụ một cốc sữa chua ít béo có thể chứa tới 6 muỗng cà phê đường tương đương 24g. Ăn quá nhiều đường có thể gây ra các vấn đề cấp tính như đầy hơi, táo bón, hội chứng ruột kích thích và tiêu chảy.
Chế độ ăn nhiều đường còn làm giảm sự đa dạng vi sinh vật trong ruột chỉ sau một tuần. Điều này là nguyên nhân gây ra hàng loạt bệnh tật nguy hiểm.
4. Đồ ăn cay
Thực phẩm cay có thể tốt cho sức khỏe của bạn. Một nghiên cứu trên BMJ cho thấy, những người tiêu thụ thực phẩm cay gần như mọi ngày trong tuần có nguy cơ giảm 14% tỷ lệ tử vong so với những người hiếm khi ăn ớt.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên Neurogastroenterology & Motility cũng cho thấy, ăn càng nhiều thực phẩm cay (đặc biệt nếu bạn là phụ nữ hoặc đang trong độ tuổi đi học) thì dễ xuất hiện các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa.
Nguyên nhân bởi thực phẩm có chứa capsaicin, thành phần tạo ra tính cay cho ớt, có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy...
5. Đồ chiên rán, nước cam, cà phê, rượu
Danh sách các loại thực phẩm gây kích ứng dạ dày và có thể khiến bệnh viêm dạ dày nặng hơn rất đa dạng. BS chuyên khoa tiêu hóa Madhan Kumar (ban cố vấn của iCliniq.com) cho biết, caffeine trong cà phê gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Ngay cả những lựa chọn lành mạnh như thực phẩm có tính axit (trái cây họ cam quýt, nước cam và nước ép cà chua) cũng gây kích ứng dạ dày mạnh.
Các loại thực phẩm khác trong danh sách dài các chất gây kích ứng tiềm ẩn bao gồm thực phẩm chiên rán, các sản phẩm từ sữa, đồ uống có ga, sô cô la, rượu...
6. Thực phẩm chứa chất làm ngọt nhân tạo
Mặc dù được FDA chấp thuận, chất làm ngọt nhân tạo như sucralose và aspartame được tìm thấy trong các loại thực phẩm "ăn kiêng" dạng nước ngọt, kẹo không đường có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
Trong một nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện, vi khuẩn được tìm thấy trong hệ tiêu hóa trở nên độc hại khi tiếp xúc với nồng độ chỉ 1mg/ml chất làm ngọt nhân tạo.
TS Ariel Kushmaro, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Đây là bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo ảnh hưởng xấu đến hoạt động của vi khuẩn đường ruột, có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe".
7. Nước tăng lực
Nước tăng lực có chứa caffeine, các chất kích thích khác và vitamin B3 hòa tan trong nước được gọi là niacin. Hàm lượng caffein, niacin càng cao thì càng gây khó chịu cho dạ dày.
Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên kiểm tra nhãn mác để biết mỗi ngày mình chỉ được uống bao nhiêu lượng nước tăng lực, tránh gây hại dạ dày, đường ruột.
8. Ngũ cốc có đường
Tương tự như nhiều thực phẩm chứa đường bổ sung khác, ngũ cốc có đường sẽ làm mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Đây là nguyên nhân gây ra mọi thứ, từ các vấn đề về đường tiêu hóa đến các bệnh như tiểu đường loại 2, béo phì, ung thư và trầm cảm.
(Nguồn: Eat this, Health)