1. Trách mắng con ở nơi công cộng
Một trong những cái sai kinh điển nhất của bố mẹ đó là trách mắng con trước mặt người ngoài. Nhiều bố mẹ cho rằng mình có quyền nên được phép uốn nắn con mọi lúc, mọi nơi.
Bố mẹ không biết điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể diện của con. Con có thể tự ti, rụt rè, thậm chí trầm cảm vì những lời mắng nhiếc, chì chiết của bố mẹ.
Cách dạy dỗ đúng nhất là bố mẹ nói chuyện riêng với con, phân tích rõ ràng cái đúng, cái sai. Nếu con mắc lỗi ở nơi công cộng, bố mẹ lập tức dẫn con ra khỏi nơi đó rồi mới trách mắng sau.
Quát mắng trước mặt người ngoài đôi khi có thể khiến con kích động thêm.
2. So sánh con mình với con nhà người ta
Khi con mắc lỗi hoặc chưa đạt được thành tích như kỳ vọng, nhiều bố mẹ thường hay lấy những đứa trẻ giỏi giang ra để trách móc, so sánh: "Tại sao con không được như bạn A", "Con thấy bạn B không? Bạn ấy học giỏi như thế!",…
Mục đích của việc so sánh nhằm giúp bố mẹ giải tỏa nỗi khát vọng con mình được giỏi như "con nhà người ta". Đồng thời cũng để con tự rút kinh nghiệm, nỗ lực hơn trong việc học tập.
Tuy nhiên theo các nhà Tâm lý học, hành động so sánh chẳng những không khích lệ mà còn dìm sự tự tin của con. Ngoài ra nó còn khiến con nảy sinh tính ganh ghét, đố kỵ với các bạn khác.
3. Tìm cách đổ lỗi
Khi con ngã, nhiều ông bà, bố mẹ Việt thường vội chạy lại bế ẵm rồi "đánh chừa" cái ghế, cái bàn, cái nền nhà,… xung quanh. Đây chính là hành động điển hình của việc đổ lỗi.
Thay vì dạy con cẩn thận hơn, chịu trách nhiệm về hành động của mình thì bố mẹ lại dạy con đổ lỗi cho những vật vô tri vô giác.
Điều này khiến con hình thành tính bảo thủ, khó tiếp thu và không bao giờ nhìn nhận sai lầm của bản thân.
4. Thỏa hiệp với đòi hỏi của con
Nhiều đứa trẻ khi đòi hỏi điều gì đó không được sẽ bắt đầu khóc lóc, ăn vạ. Mỗi lần như vậy, bố mẹ lại vội vàng hứa sẽ mua kẹo, mua đồ chơi để xoa dịu con.
Đây là một cách dạy dỗ đầy sai lầm khiến bố mẹ bị con nắm thóp.
Con luôn biết nếu đi ra ngoài, mình khóc lóc, mè nheo thật nhiều thì bố mẹ sẽ thỏa hiệp với mọi mong muốn của mình, nhất là ở nơi công cộng.
Bố mẹ tốt nhất không nên thỏa hiệp với những hành vi sai của con. Khi con mắc lỗi, bố mẹ cần có cách xử lý nhất quán, đưa ra hình phạt như đã quy ước.
5. Nói quá nhiều, quá dài dòng
Trẻ nhỏ chưa có khả năng tập trung được như người lớn. Nếu khi dạy dỗ, bố mẹ nói quá nhiều, quá dài dòng thì con sẽ không thể nắm bắt hết ý và không tiếp thu được. Bên cạnh đó, việc bố mẹ nói quá nhiều cũng khiến con chán nản.
Vì vậy bố mẹ cần rút kinh nghiệm, nói chuyện với con thật ngắn gọn, súc tích để đạt được hiệu quả.
6. Dạy con bằng đòn roi
Khi con làm sai, không ít bố mẹ sử dụng đòn roi để đưa con vào khuôn khổ. Đòn roi có tác dụng lập tức nhưng về lâu dài, nó gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, không chỉ ảnh hưởng về thể xác mà cả tinh thần con.
Con có thể bị rụt rè, trầm cảm, lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi. Một số đứa trẻ lại nảy sinh khuynh hướng bạo lực. Con cho rằng bạo lực là cách hiệu quả để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, y như cách bố mẹ đã làm với mình.
Đòn roi chưa bao giờ được khuyến khích trong việc giáo dục con cái.
Thay vào đó, bố mẹ nên đưa ra các quy tắc rõ ràng trong gia đình để con biết mình sẽ nhận hình phạt nào nếu mắc lỗi.