Theo ông Tăng Chí Thượng, trong thời gian qua, Thành phố đã ghi nhận một số trường hợp từ không có triệu chứng đã diễn tiến nặng chỉ sau một ngày, do đó Thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng xe cứu thương ở các bệnh viện thu dung COVID-19 chuyển sang các bệnh viện điều trị.

80% người mắc COVID-19 không có triệu chứng và chỉ số ít tăng nặng - Ảnh 1.

Theo thống kê, có khoảng 80% trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, những trường hợp mắc COVID-19 nặng có hai nhóm gồm: do chính bệnh nặng diễn tiến gây tổn thưởng phổi và do quá trình cách ly F0 mắc những bệnh khác rất nặng. “Vì vậy, chúng tôi chỉ chọn bệnh viện đa khoa tạm thời chuyển đổi công năng sang điều trị COVID-19 để những ca mắc bệnh lý khác có thể được điều trị kịp thời”, ông Tăng Chí Thương nói.

Về việc điều trị F0 tại nhà, ông Tăng Chí Thượng cũng cho biết, với tình hình dịch bệnh hiện nay, Thành phố không có chủ trương điều trị F0 tại nhà như những nước khác đang áp dụng.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để chuẩn bị ứng phó cho tình huống xấu, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch cho kịch bản tiếp nhận 50.000 ca bệnh. Đến nay, 36.000 giường đã sẵn sàng, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thêm giường hồi sức chuyên sâu với 4 trung tâm ứng cứu tiếp nhận quy mô 1.000 giường, nhằm ứng phó với số ca mắc ngày càng tăng.

Ngoài 300 giường tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 300 giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TP Hồ Chí Minh sẽ huy động thêm Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115 tham gia.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 1.320 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới, gồm 1.107 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 213 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Như vậy trong đợt dịch thứ 4, Thành phố đã có tổng cộng 11.615 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố tận dụng triệt để các nguồn lực, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở các mức độ khác nhau phù hợp với từng khu vực nguy cơ để phát hiện F0, sớm khống chế dịch bệnh. Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp ... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

"Để sớm khống chế được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường, Thành phố cần sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết", Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.