Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy, những nước nào có chương trình tiêm đại trà vắc-xin BCG ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân tử vong vì đại dịch COVID-19 hơn. Trước những kết quả nghiên cứu ban đầu này, Bộ Y tế Việt Nam đã giao cho Bệnh viện Phổi T.Ư chủ trì phối hợp với một số đơn vị khác sẽ tiến hành thử nghiệm tiêm vắc-xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch để phục vụ đề tài nghiên cứu.

Dù các nhà khoa học trên thế giới chưa có kết luận cuối cùng, nhưng Bộ Y tế và các chuyên gia Việt Nam đang rất quan tâm tới mối liên quan giữa việc tiêm vắc-xin BCG ngừa bệnh lao với hiệu quả phòng chống bệnh COVID-19. Bởi lẽ, vắc-xin BCG được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1984 và từ lâu Việt Nam đã sản xuất được vắc-xin này. Hiện vắc-xin BCG vẫn đang được tiêm miễn phí thường xuyên hàng tháng tại tất cả các điểm tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

800 người Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa lao chống COVID-19 - Ảnh 1.

Trên thế giới hiện đã có ít nhất 6 quốc gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc-xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi để đánh giá mối liên quan giữa vắc-xin BCG và bệnh COVID 19.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, trong thời gian tới Việt Nam có khoảng 800 người gồm y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính, được tiêm thử nghiệm vắc-xin BCG để phục vụ nghiên cứu.

Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết: “Vắc-xin BCG không đủ khả năng bảo vệ con người không bị mắc COVID 19. Nó chỉ giúp cho việc hạn chế các ca bệnh nặng. Giả thiết này chưa được khẳng định. Việt Nam đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng đối với thầy thuốc tiêm lại vắc-xin BCG xem có tác dụng gì không. Bộ Y tế đã giao cho bệnh viện của chúng tôi nghiên cứu; đồng thời phối hợp với các chuyên gia Pháp để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng sớm”.

GS. Nhung thông tin thêm, đối tượng tham gia là các nhân y tế ở tuyến đầu chống dịch, cụ thể là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cùng một số bệnh viện khác. Theo đó, những người tham gia nghiên cứu sẽ được chia làm 2 nhóm: một nhóm được tiêm vắc-xin BCG, một nhóm được tiêm vắc-xin khác không phải BCG. Nhóm nghiên cứu chủ yếu đánh giá xem liệu vắc-xin BCG có liên quan đến mức độ nặng của bệnh COVID-19.

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại Việt Nam vắc-xin BCG do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất, ở dạng đông khô, đóng gói 10 liều/lọ, đi kèm lọ dung môi để pha hồi chỉnh khi dùng. Trong giai đoạn 1984-1988, tỷ lệ tiêm vắc-xin này tại Việt Nam dao động từ 48,1% đến 85,7%. Từ năm 1989, tỷ lệ tiêm đã tăng lên trên 90% và được duy trì liên tục đến nay, trung bình từ 1,5 đến 1,8 triệu trẻ được tiêm chủng phòng bệnh mỗi năm. Như vậy, đã có khoảng 44 triệu người Việt Nam sinh ra từ năm 1989 đến nay đã được tiêm vắc-xin BCG.