Có hay không sự đồng lõa của người mẹ?
Người ta đã tìm thấy 9 chiếc đinh trong đầu đứa trẻ mới 3 tuổi, cánh tay bé bị gẫy và tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Nhân tình của bà mẹ là 1 tay "thợ mộc đồ tể" thực sự khi đã khai nhận dùng búa đóng 9 chiếc đinh lên đầu đứa trẻ non nớt con của người tình một cách nhẫn tâm, máu lạnh. Thậm chí hắn còn khai muốn giết bé để không phải nuôi dưỡng và xây cuộc sống xóa sạch quá khứ với người tình.
Đây không phải là hành động bột phát trong một lần nóng giận bất thường. Trước đó đã có những tiếng kêu cứu của con phát đi qua 3 lần nhập viện mà phải chăng bà mẹ đã cố tình lờ đi?
Trong suốt 3 tháng là 3 lần bé phải nhập viện với những biểu hiện khá rõ ràng (bé ngộ độc vì uống phải thuốc sâu, bé nuốt đinh trong bụng, bé bị gãy tay)... Làm sao có người mẹ nào "ngu ngốc" đến mức cho rằng đứa trẻ 3 tuổi có thể tự làm đau mình đến thế? Khi người nhà biết chuyện hỏi lý do cho những lý do nhập viện vì uống thuốc trừ sâu, nuốt đinh... người mẹ đều trả lời mơ hồ.
Vẫn là gã "cha dượng" giờ đây đã thú nhận lần trộn thuốc độc vào nước uống, bắt bé nuốt đinh, đánh bé gãy tay... mà bà mẹ trước đó một mực cho rằng không thể có chuyện người tình của mình hại con gái.
Liệu có sự bao che cho những hành vi tàn ác của người tình khi biết rõ hắn xuống tay với con đẻ, nhưng cố tình lờ đi để tiếp tục lo cho hạnh phúc riêng.
Người thân bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bức xúc với phản ứng "không biết gì" của người mẹ
Người phải gọi điện đến 111 để cầu cứu là ông nội của cháu bé. Còn người mẹ vẫn ngây ngây, thơ thơ như thể tất cả những sự việc này "không liên quan", "không biết gì".
Ngay trong đoạn tin nhắn trao đổi với phía nhà nội, mẹ bé vẫn khẳng định người tình không làm gì, 9 chiếc đinh kia thật khó hiểu (?!). Khi được hỏi về việc có hay không con bị bạo hành và sao bị đóng nhiều đinh lên đầu như vậy, thì mẹ cháu vẫn một mực chối bay chối biến, bảo không có ai "tai quái găm đinh" vào đầu con gái như vậy được. Thậm chí mẹ cháu còn thản nhiên bảo rằng rất mong biết "nguồn gốc" những chiếc đinh này từ đâu ra...
Chưa nói tất cả những hành vi trước đó, mỗi lần đưa con đi viện đều không có tiền thanh toán viện phí đều phải cậy nhờ đến ông nội bé. Trách nhiệm tài chính không đảm bảo, tính mạng con không được bảo vệ, liệu có sự quan tâm nào ở đây không?
Liệu chăng có sự bao che cho người tình trước những hành vi táng tận lương tâm với con ruột của mình? Vì sao thấy con hiểm nguy không lên tiếng? Vì sao không thoát ra khỏi một mối quan hệ độc hại để cho con đường sống? Vì sao không có sự quan tâm bằng hỏi han, chuyện trò để biết thực sự con đang trải qua điều gì?
Điều đáng nói là gia đình nhà nội cháu bé đã nhiều lần nói với mẹ bé không nuôi được con thì đưa về cho nhà nội nuôi nhưng mẹ cháu bé không ý. Theo lời gia đình thì nhiều lần cháu phải cấp cứu trong viện mọi người gặng hỏi có chuyện gì cứ tâm sự, có vướng mắc gì thì nói ra nhưng mẹ bé luôn quanh co.
Tóm lại, để đến mức việc cháu bé bị hành hạ đến mức man rợ như thế này mà vẫn thơ ngây hoặc giả vờ không biết gì thì mẹ đứa trẻ không thể vô can. Sự vô tình, vô tâm hay cố ý của người mẹ đã đem đến cái giá đau đớn của ngày hôm nay.
Nhiều người phụ nữ thú nhận mình vốn vô tâm, nhưng đến khi làm mẹ thấy con có biểu hiện khác lạ đã nhận ra ngay những bất thường. Có người mẹ nói rằng đi ngủ chỉ dám mặc quần áo bằng con, không dám đắp chăn (vì con mình không chịu đắp chăn) để biết nhiệt độ điều hòa ở mức nào để điều chỉnh kịp thời không sợ con bị lạnh.
Ấy vậy mà 1 người mẹ ở cùng con để con mình bị hành hạ hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn vô tình (hay cố ý) không biết như người ngoài cuộc thì thật đáng trách, đáng lên án.
Im lặng trước bạo hành chính là đồng lõa
Nếu thực sự có sự đồng lõa ở đây, cô ấy sẽ không chỉ phải đối diện với tòa án lương tâm của chính mình mà còn phải đối diện trước pháp luật.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng: Bé gái từng phải đi viện, từng phát hiện những dấu hiệu bạo hành, tại sao người mẹ không cầu cứu hàng xóm, cầu cứu chính quyền hoặc người thân. Liệu các lần con gái bị người tình bạo hành, người mẹ này có biết không, hay biết mà không lên tiếng...
Luật sư Đặng Văn Cường cũng nhận định: Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mẹ của cháu bé có vai trò đồng phạm hay không, có hành vi không tố giác tội phạm hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy mẹ của cháu bé cũng có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội với đối tượng này thì mẹ cháu bé sẽ bị xử lý hình sự cùng một tội danh với đối tượng này với vai trò đồng phạm giúp sức hoặc xúi giục.
Trường hợp cơ quan điều tra thu thập được chứng cứ để chứng minh mẹ cháu bé có biết về hành vi giết người, cố ý gây thương tích, hành hạ cháu bé nhưng không chứng minh được vai trò đồng phạm thì vẫn có thể xử lý người phụ nữ này về tội không tố giác tội phạm.
Chuyên gia tâm lý Alicia Vũ nói dưới góc độ tâm lý: "Trong định nghĩa về “những kẻ bạo hành", có một định nghĩa về “kẻ đồng lõa". Kẻ đồng lõa không nhất định phải tham gia vào quá trình bạo hành nạn nhân mà là kẻ im lặng hoặc làm ngơ khi biết nạn nhân gặp vấn đề.
Kẻ đồng lõa còn được định nghĩa khi một người có trách nhiệm bảo vệ nạn nhân (như bố, mẹ ruột của đứa trẻ bị bạo hành) nhưng lại không hoàn thành trách nhiệm đó ngay cả khi họ ở cạnh nạn nhân mỗi ngày. Nói ngắn gọn, im lặng chính là bạo hành dưới dạng đồng lõa.
Những kẻ đồng lõa thường có mối quan hệ phụ thuộc và bị thao túng bởi kẻ trực tiếp bạo hành. Phụ thuộc ở đây có thể là phụ thuộc tài chính, tinh thần, hay phụ thuộc địa vị. Những kẻ đồng lõa này cũng thường có lòng tự trọng thấp (low self-esteem) và ranh giới cá nhân mờ nhạt, chính vì vậy họ có xu hướng nghe lời kẻ trực tiếp bạo hành.
Chị Alicia Vũ cũng đưa một ví dụ: "Một người mẹ từng đổ vỡ nhưng lại không đủ bản lĩnh và tự tin vào chính mình, sẽ có xu hướng cho rằng bản thân không xứng đáng. Lúc này, họ nhìn nhận bản thân chỉ xứng đáng 20/100. Khi một người đàn ông khác đến với họ, dù người đàn ông đó chỉ đối tốt với họ ở mức 30/100 họ đã thấy quá nhiều và làm mọi cách để níu giữ mối quan hệ này, ngay cả khi phải hy sinh con của chính mình. Lúc này, họ đang ở trong mối quan hệ phụ thuộc cảm xúc.
Một người có tự trọng thấp sẽ không nhìn thấy được mức cần thiết phải là 100. Đó cũng là lý do có những cô gái dù bước vào mối tình với người đàn ông nào cuối cùng cũng đều kết thúc bi thảm giống nhau".
Khi đã sinh con, phụ nữ không thể mãi làm một bà mẹ ngây ngây thơ thơ
Cuối cùng thì bản năng làm mẹ, lương tâm của một người mẹ nếu có việc đồng lõa để gây ra những sự việc đáng tiếc cho con mình thì cô ấy sẽ không thể vô can. Còn nếu là 1 bà mẹ ngây ngây thơ thơ đến mức con nguy hiểm dù người bên ngoài biết, còn mình vẫn không biết, thì thú thực cô chưa đủ tư cách làm mẹ, dù đã có sắp đến 4 đứa con.
Nếu không nuôi được con tử tế thì đừng đẻ!
Nếu không nuôi được con hãy trả về cho bố bé!
Nếu không bảo vệ được con hãy đừng nhận nuôi bất kỳ đứa nào!
Nếu biết con nguy hiểm phải biết chạy ngay ra khỏi mối quan hệ độc hại!
Những điều tối thiểu ấy, 1 người phụ nữ nào cũng cần biết, ngay cả khi họ thừa nhận mình vẫn chưa phải là 1 bà mẹ "tròn vai".
Đến bây giờ, ngay cả khi người tình của mình đã tự thú rằng trong quá trình sinh sống do bực tức vì bé là con riêng của người tình nên nảy sinh ý định hành hạ, đánh đập và giết cháu để không phải nuôi dưỡng, không ảnh hưởng đến cuộc sống của hai người.
Không biết lúc này mẹ bé liệu vẫn cứ mặc kệ các bà mẹ khác xù lông xù cánh để bảo vệ con, còn vẫn tiếp tục cho mình cái quyền được đóng vai 1 bà mẹ ngây ngây thơ thơ?