Ngày phát hiện có con trên cuộc đời này, hẳn bà mẹ nào cũng lâng lâng trong niềm hạnh phúc tột độ. 9 tháng 10 ngày không quá dài nhưng là cả một hành trình em bé được chăm sóc, trưởng thành dần ở trong bụng mẹ. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để em bé lớn lên, hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết để chào đời với một cơ thể thật khỏe mạnh.
Trong giai đoạn này, ngoài việc cần đi khám thai định kỳ để tầm soát các căn bệnh thai nhi có thể mắc phải, các mẹ cần đặc biệt chú ý một số vấn đề sau liên quan trực tiếp đến tâm trạng cũng như chế độ ăn uống của mẹ. Hiểu rõ rồi sẽ giúp các bà mẹ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trên hành trình thiêng liêng này. Dưới đây là 9 điều thai nhi sợ khi ở trong bụng mẹ:
Tháng thứ 1: Con sợ nóng
Mẹ nên tự bảo vệ bản thân tránh bị sốt, cảm cúm hay những căn bệnh nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, mẹ nên tránh ngâm mình trong bồn tắm, tránh nơi có nhiệt độ cao, cẩn thận với máy chụp X - quang. Nếu không cẩn thận, thai nhi trong bụng rất dễ mắc các bệnh liên quan đến thần kinh.
Tháng thứ 2: Con sợ chất kích thích
Đây là thời kỳ hình thành não và nội tạng của thai nhi. Mẹ cần tránh xa các loại thuốc lá, thuốc lào, không uống rượu bia, hạn chế đồ kích thích như cafe... Thông thường các mẹ cũng sẽ phát hiện mình mang thai vào giai đoạn này nên hãy thực hiện luôn nhé. Ngoài ra, việc bổ sung các loại thuốc như sắt, axit folic... cũng rất quan trọng.
Tháng thứ 3: Mẹ hãy cẩn thận với đồ ăn nhé
Trong thời gian này, mẹ hãy chọn lọc các loại đồ ăn thức uống sao cho phù hợp. Ăn nhiều rau củ tươi mát, thanh đạm, dễ tiêu hóa. Hạn chế đồ ăn chiên dầu, thực phẩm chế biến sẵn hay đồ ăn nhiều dầu mỡ và đường để luôn đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra cần tìm hiểu kĩ một số thực phẩm không nên hoặc hạn chế ăn trong thai kỳ nữa. Đây cũng là thời điểm mẹ cần đo độ mờ da gáy ở tuần 12 nên đừng quên nhé.
Tháng thứ 4: Con sợ tiếng ồn
Bé đã bắt đầu phát triển và lớn hơn rồi đó. Lúc này dù chưa rõ ràng nhưng có thể là lần đầu tiên mẹ cảm nhận được rằng con đang đạp. Con sẽ đạp khi mẹ ăn, mẹ ngủ hoặc ở những nơi có tiếng ồn. Tiếng ồn trong giai đoạn này không tốt cho trẻ nên mẹ cần chú ý tránh những nơi đông đúc hay mở nhạc quá to, ồn ào nhé.
Tháng thứ 5: Con sợ thiếu chất
Các bộ phận và cơ quan trong cơ thể thai nhi luôn phát triển và dần hoàn thiện. Mẹ hãy cố gắng bổ sung các chất cần thiết như sắt, canxi... Thời điểm này mẹ có thể thăm khám để biết bản thân thiếu chất gì và bổ sung nhé. Thời điểm này cũng là lúc mẹ bầu sẽ siêu âm 4D để phát hiện dị tật nữa đó.
Tháng thứ 6: Con sợ tia bức xạ
Để tránh thai nhi bị dị tật hoặc dị dạng, chậm phát triển, mẹ bầu nên tránh xa các tia bức xạ. Ngoài ra việc hạn chế ra ngoài khi trời quá nắng hoặc ở nhiệt độ quá cao cũng cần phải chú ý.
Tháng thứ 7: Con sợ áp lực
Nếu như mẹ phải chịu áp lực và căng thẳng liên tục thì thai nhi cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được điều đó. Mẹ nên duy trì trạng thái vui vẻ và chú ý tới số lần cử động của thai nhi. Ngoài ra, cần thăm khám và đảm bảo chế độ dinh dưỡng bằng ăn uống cho con nữa.
Tháng thứ 8: Con sợ mẹ ăn ít
Giai đoạn này thai nhi đang phát triển rất mạnh mẽ, mẹ nên ăn uống đủ chất và hạn chế đồ ăn nhanh, chiên rán, nhiều đường hay dầu mỡ. Hạn chế các đồ uống quá ngọt để tránh tiểu đường thai kỳ. Nhiều mẹ bầu thấy bụng ngày một to hoặc con quá cân sẽ có xu hướng ăn ít lại, tuy nhiên đây là giai đoạn con phát triển khỏe mạnh nên mẹ hãy chú ý nhé. Tốt nhất là nên thăm khám để nghe lời khuyên từ bác sĩ.
Tháng thứ 9: Con sắp ra đời rồi
Tới lúc này, các bé đã sẵn sàng để chui ra ngoài với thế giới, và mẹ cũng hãy chuẩn bị cho điều đó nhé. Ngoài việc sắm sửa quần áo, đồ đạc đi sinh thì việc tập hít thở (với các mẹ đẻ thường) và giữ tinh thần lạc quan cũng rất quan trọng. Với các mẹ có chỉ định mổ, hãy thả lỏng cơ thể và không quá lo lắng.
Trải qua hành trình dài chắc chắn các mẹ sẽ không quên được những giây phút thiêng liêng và đáng nhớ này đâu! Hãy yêu thương bản thân và cả thai nhi trong bụng để các con được chào đời khỏe mạnh và hạnh phúc nhé!
(Tổng hợp)